Đời sống

Chuyện giờ mới kể về cô “Ôsin” nhận nuôi con hung thủ trong thảm án kinh hoàng

Tuy chỉ là người giúp việc và nhận tiền công hàng tháng nhưng cô gái nhân hậu này đã cưu mang một bé trai mang trên mình căn bệnh u máu quái ác và câu chuyện buồn của một thảm kịch.

Quyết định khó quên của cuộc đời

Nhân vật mà chúng tôi đang đề cập đến là chị Phùng Thị Hồng (SN 1988), ở thôn Đồng Giai, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Nhà nghèo nên năm 16 tuổi, Hồng đã phải đi làm người giúp việc cho gia đình anh Lê Chí Dũng (SN 1979), giáo viên trường THPT Phương Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang để kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi em.

Thời gian này, vợ chồng thầy giáo Lê Chí Dũng mới có con đầu lòng. Làm được một thời gian ngắn, Hồng xin nghỉ vào miền Nam làm công nhân may mặc. Đầu năm 2007, nhân dịp về quê ăn Tết, Hồng ra thăm lại nơi làm cũ và biết tin vợ chồng anh Dũng vừa có thêm con trai thứ hai là bé Lê Ngọc Long.

Tuy nhiên, đứa trẻ này lại mắc phải căn bệnh u máu với những vết bầm tím ở đùi, rỉ máu gây đau đớn. Gặp lại nhau, vợ của anh Dũng đã dẫn Hồng ra chợ mua tặng quần áo mới và đề nghị Hồng ở lại giúp gia đình chăm sóc hai đứa trẻ. Với bản tính nhân hậu, Hồng đã nhận lời dù biết đây là công việc rất gian nan vất vả, nhất là khi bé Long mang trong mình bệnh tật hiểm nghèo như vậy.

Quay lại làm việc cho gia đình Dũng, Hồng nhanh chóng nhận ra tình cảm giữa vợ chồng anh Dũng đã có nhiều rạn nứt. Mối bất hòa đó đến từ người bạn mới quen của anh Dũng, tên là Thư (SN 1974). Quen nhau trong lớp học lái xe ôtô, Dũng từng coi Thư như người anh em nên thường mời Thư về nhà chơi, có chuyện gì cũng dốc bầu tâm sự.

Đâu ngờ, thấy vợ của Dũng xinh xắn, nhẹ nhàng, Thư đã tán tỉnh. Biết chuyện vợ quan hệ bất chính với Thư, anh Dũng đã khuyên ngăn nhưng vợ anh đã kiên quyết đưa đơn xin ly hôn.

Quá uất ức, ngày 18-9-2007, thầy giáo bị “cắm sừng” kia đã dùng dao sát hại kẻ tình nhân của vợ sau khi tìm hiểu ra rằng vợ mình và Thư thường lén lút gặp nhau ở nhà nghỉ. Còn vợ Dũng, sau khi tận mắt chứng kiến cảnh người tình bị chồng mình sát hại, chị đã gieo mình xuống sông Thương tự vẫn.

Gây án xong, Dũng chạy về nhà quỳ dưới chân cô giúp việc để xin Hồng rủ lòng thương mà chăm sóc bé Long vì cháu bé lúc này mới 7 tháng tuổi mà đã mồ côi mẹ, cha lại vừa phạm tội ác tày trời, chắc chắn phải đối mặt với bản án của pháp luật.

Được cô gái 19 tuổi nhân hậu này chấp thuận, Dũng mới an tâm tìm đến cơ quan công an đầu thú. Với hành vi trên, Lê Chí Dũng bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 9 năm tù về tội Giết người và phải đi trả án.

Hôm tòa xử án, Hồng cùng mẹ đã bế cháu Long đến tòa để cháu bé gặp cha khiến nhiều người chứng kiến rơi nước mắt cảm thương. Sau khi mẹ chết, cha vào tù, đứa con trai đầu của Dũng được ông bà ngoại đón về nuôi, còn bé Long yếu ớt, bệnh tật đã quen được Hồng chăm sóc nên chỉ bám theo Hồng.

May sao, cha mẹ Hồng là ông Phùng Đức Bắc và bà Vũ Thị Tám, ở thôn Quyết Tâm, xã Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang cũng là những con người giàu lòng nhân ái nên họ cũng nhiệt tình cùng Hồng nuôi nấng cháu Long chờ đến ngày Dũng mãn hạn tù trở về.

Chuyện bây giờ mới kể

…Cái nóng oi bức của mùa hè bám riết, mất điện, bé Long tỉnh giấc, khóc ngặt. Theo phản xạ nó đưa bàn tay nhỏ xíu với về phía chân cố gãi vào những cục u. Sợ các bọc máu vỡ tung, người mà bé Long coi như mẹ ruột của mình lại nhẹ nhàng dùng tay ngăn lại, xoa xoa, vỗ về.

Đau và ngứa, Long gào khóc lạc giọng. “Nhìn thằng bé vật lộn với bệnh tật, tôi ứa nước mắt” - chị Hồng tâm sự - “Những cục u máu sần sùi chạy dài khắp chân và bộ phận sinh dục “bám riết” lấy Long từ khi lọt lòng. Mỗi ngày, chúng càng phình to trong khi hai cánh tay bị teo lại.

Từ khi sinh ra, Long chưa có một giấc ngủ ngon. Bé không thể nằm ngửa, không thể nằm nghiêng vì các cục u máu luôn căng lên, chực vỡ. Thèm đi nhưng có đứng lên, Long cũng không dám bước vì vướng u. Long được chẩn đoán bị mắc chứng u máu. Ban đầu tưởng rằng, có thể phẫu thuật để loại bỏ những khối u. Nhưng vì u dày đặc, Long lại quá nhỏ nên việc điều trị bế tắc. Trước số phận yếu ớt ấy, ai cũng động lòng”...

Có lẽ ở cái thôn Đồng Giai, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang này chẳng ai mà không biết Hồng, bố mẹ cô và câu chuyện của cô bé “ôsin” giàu tình người năm nào. Hỏi ra thì mới biết gia đình Hồng cũng chẳng khá giả gì, cả nhà 7 miệng ăn mà chỉ trông vào hơn mẫu ruộng nhưng chưa hôm nào Hồng để bé Long thiếu bữa.

Ngày mới đưa Long về nhà, mẹ Hồng là bà Tám đã phải bán bò. Nhưng khoản tiền này cùng với vài triệu đồng thầy trò trường THPT Phương Sơn gom góp để nuôi Long cũng cạn dần. Hồng lo lắng tương lai sẽ không biết xoay xở ra sao để chữa bệnh cho Long.

Từ ngày chị Hồng đi lấy chồng, việc chăm sóc Long dồn hết cho vợ chồng ông bà Tám. Mặc dù nhà chồng cách nhà mẹ đẻ hàng chục cây số, gia đình cũng khó khăn, nhưng tuần nào Hồng cũng về thăm Long và gửi mẹ với số tiền dành dụm ít ỏi để chăm sóc cho cậu bé.

Tấm lòng nhân hậu

Trưa một ngày cuối tuần đầu tháng 3, chúng tôi tìm về thôn Quyết Tâm để gặp bố mẹ chị Hồng. Bà Tám đang ở nhà nhặt thóc, ông Bắc làm bảo vệ cho trường tiểu học gần nhà cũng vừa về. Trong câu chuyện với ông bà, nụ cười hiền hậu và những tâm sự rất thật sau bao biến cố dẫu ở tuổi xế chiều khiến người nghe cảm thấy ấm lòng: “Dạo Hồng bế cháu Long về nuôi, kinh tế gia đình rất khó khăn nên việc nuôi nấng một đứa trẻ 7 tháng tuổi lại mắc bệnh hiểm nghèo như bé Long thực sự là một gánh nặng.

Mỗi lần đưa bé Long xuống Hà Nội điều trị, gia đình tôi lại một phen bị tiền nong làm cho điêu đứng. Ngày đó, nhiều người cho rằng cả nhà tôi là “đồ dở hơi” khi chuốc gánh nặng cho mình, nhà đã “nghèo rớt mồng tơi” lại còn lo chuyện bao đồng. Nhất là với cái Hồng, người đời luận phẩm rằng tương lai hạnh phúc riêng tư của nó sẽ ra sao khi phải làm mẹ nuôi của một đứa trẻ tật nguyền như thế?”…

Chuyện giờ mới kể về cô “Ôsin” nhận nuôi con hung thủ trong thảm án kinh hoàng 1
Chị Hồng và hai đứa con

Nhưng bỏ qua tất cả, những con người nhân hậu này vẫn chăm sóc, nuôi nấng bé Long bằng tất cả tình thương và tiền bạc mà mình có thể huy động được. Từ năm 2008 đến năm 2009, gia đình chị Hồng nhiều lần đưa Long đến khắp các Bệnh viện Nhi Trung ương, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Xanh-Pôn…; mỗi lần đều tiêu tốn những khoản tiền không nhỏ.

Thậm chí tiền để dành thời gian đi làm trong miền Nam của Hồng, chị cũng đưa hết cho cả nhà góp vào đưa cháu đi khám. Bà Tám thì bán cả con bò “cơ nghiệp” để có tiền cho Long lần hội chẩn đầu tiên. Bà Tám nhớ lại: “Lần đầu xuống Hà Nội khám, cháu Long đã phải nằm viện mất 9 tháng, được bệnh viện miễn phí cho 2 tháng, còn 7 tháng gia đình phải chi trả tiền thuốc men, mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng”.

Những hy vọng…

Bà Tám cho biết, nhờ nỗ lực cải tạo tốt nên Lê Chí Dũng đã được đặc xá tha tù trước thời hạn vào dịp 2-9-2010. “Anh Dũng có đến cảm ơn gia đình chúng tôi và xin phép đón cháu Long về. Nhưng được mấy hôm, tôi nhớ thằng bé quá nên đến chơi thì thấy bố nó cứ đi làm cả ngày, thằng bé không được ai chăm nom nên tôi cùng cháu Hồng lại đưa Long về đây. Từ ngày Hồng đi lấy chồng, cháu nó chỉ thích ở với vợ chồng già chúng tôi thôi”, bà Tám cho biết.

Rồi bà lão nhân hậu “khoe” rằng dạo này bé Long hay ăn chóng lớn và hồn nhiên lắm, xem ra nó cũng lanh lợi, thông minh nhưng bệnh tình thì vẫn chưa tiến triển.

Trong căn nhà nhỏ bán hàng tạp hóa ở cuối thôn, cô giúp việc ngày nào vẫn tươi cười như năm nào mới đón nhận cho mình sứ mệnh nuôi cháu bé mà cô cho rằng đó là duyên trời định. Giờ Hồng đã có một tổ ấm hạnh phúc bên người chồng chịu thương chịu khó với hai con nhỏ.

Hồng tâm sự: “Em lấy chồng được một thời gian thì chồng bị tai nạn hầm lò ở Quảng Ninh. May mắn là anh ấy chỉ bị gẫy xương ống chân và được chữa trị kịp thời nên bây giờ đã đi lại được. Cuộc sống tuy khốn khó nhưng vợ chồng em vẫn động viên nhau cố gắng để nuôi hai con”.

Trong câu chuyện với anh chị, chồng chị Hồng đùa rằng vợ anh trở thành nổi tiếng nhờ chăm sóc cháu Long suốt mấy năm trời dù cháu bị bệnh như thế. Anh rất cảm phục người vợ có tấm lòng nhân hậu, anh bảo rằng những việc vợ anh làm xuất phát từ tận đáy lòng của Hồng chứ đâu phải vì muốn được nổi tiếng.

Như cảm nhận được hơi ấm và sự ân cần từ khi còn bé đỏ hỏn tới tận bây giờ, cứ nhìn thấy chị Hồng, cậu bé Long lại sà vào lòng chị. Khi cậu bé khóc, không phải ai cũng dỗ nín được ngoài chị Hồng và bà Tám, những người phụ nữ đã cho cậu bé cả một biển trời tình thương và sự yêu mến không gì đong đếm được!...

aFamily

      © 2021 FAP
        4,300,005       210