Dù mang trong mình căn bệnh viêm tủy cắt ngang, phải nằm 1 chỗ, Vương Thị Dung (SN 1991), ở Quảng Nam vẫn gieo chữ cho học trò nghèo vùng biển.
Nỗi đau bệnh tật
Đến thăm căn nhà cấp 4, ọp ẹp của Dung (ở thôn Bình Tịnh, xã Thăng Bình, Quảng Nam), chúng tôi bắt gặp một cô gái có nụ cười phúc hậu đang dạy những tiếng ê a cho lũ trẻ vùng quê. Gần 7 năm qua, Dung nằm im 1 chỗ không đi đâu được vì căn bệnh của mình.
Năm 2008, khi ấy Dung đang học lớp 11, một hôm thức dậy sớm để ôn bài thì tay chân của Dung không cử động được. Cô Trần Thị Đào ( mẹ Dung) tâm sự: “Con bé lúc trước khỏe mạnh và vui vẻ lắm. Đâu ngờ sau 1 đêm ngủ dậy, em không cử động được, cô chú mang đi bệnh viện nhưng đi đâu họ cũng lắc đầu. Gần 7 năm trôi qua căn bệnh của em vẫn chưa thuyên giảm”.
Theo chẩn đoán của các bác sĩ, Dung mắc phải chứng bệnh "viêm tủy cắt ngang", khiến em bị liệt nửa người. Đây là một bệnh nan y, khó có thể chữa được. Thế là giữa lớp 11, Dung phải bỏ dở việc học của mình.
Nụ cười tỏa nắng của cô giáo tật nguyền.
Căn bệnh quái ác đã khiến tinh thần cô bé Dung suy sụp, cô gái nhỏ bé xinh đẹp này chỉ biết khóc cho số phận hẩm hiu của mình.
Dung cho biết :“Nhiều khi nghĩ về căn bệnh của mình, em buồn lắm. Em mong muốn được đi lại, được cắp sách đến trường cùng với bạn bè trong xóm”.
Không đầu hàng số phận, sau nhiều ngày tập luyện, Dung đã bắt đầu cử động được các ngón tay, chân và tập viết trở lại. Từ 1 cô gái nằm 1 chỗ, Dung có thể cử động tay và cầm viết. Dung kể:“Lúc đầu thì khó khăn lắm, cầm cây bút cũng không nổi. Nhưng từ từ rồi cũng quen. Em cầm được bút viết và cử động được tay. Tự tay mình viết được con chữ sau nhiều năm nằm 1 chỗ thực sự em rất vui”.
Dung được trẻ em nghèo vùng bển gọi thân thương là "cô giáo Dung".
Giúp các em có niềm vui trong học tập đó là ước mong của Dung.
Vượt lên nỗi đau
Từ chỗ cầm được bút viết, Dung mở lớp học dạy kèm tại nhà cho lũ trẻ tại làng chài. Điều đặc biệt, cô giáo Dung chỉ ngồi trên giường để giảng dạy. Được trở thành cô giáo là ước mơ, ấp ủ từ khi Dung còn nhỏ.
Theo lời Dung, có khoảng 20 học sinh tham gia học tại đây. Dung kèm cặp chủ yếu các môn Toán, Văn, tiếng Anh từ chương trình lớp 9 trở xuống. Biết Dung không thể di chuyển, những đứa trẻ làng chài quay quần quanh giường để hỏi bài đã tạo nên khung cảnh ấm cúng lạ thường.
Dung vượt qua bệnh tật để chinh phục cuộc sống bằng nghị lực của mình.
Dung khiêm tốn bộc bạch:“Nói là lớp học nhưng thực ra mình chỉ giúp các em củng cố lại kiến thức. Biết được cái gì thì mình truyền đạt lại cho tụi trẻ. Chứ mình cũng chẳng phải là cô giáo”.
Trong căn phòng nhỏ, tiếng trẻ ê a vẫn vang lên từng hồi. Cô giáo khuyết tật truyền cho các em ngọn lửa nhiệt huyết và nghị lực sống. Đó là niềm tin và động lực để các em có thêm niềm vui đến trường.
Mẹ luôn chăm lo và động viên Dung lúc khó khăn
“Em muốn cho các em có niềm vui trong học tập. Mình tạo tinh thần cho các em, phải học tập để thoát nghèo chứ đa số các em ở đây gia đình nghèo lắm chỉ biết bám biển mưu sinh. Thu nhập thì bấp bênh ngày 1 ngày 2”.
Ngoài giờ cô giáo Dung còn đọc sách và tự làm thơ, viết văn. Có rất nhiều bài văn, thơ của Dung được đăng trên tạp chí và báo. Đây là động lực để Dung có thêm nghị lực sống.
Ngày 2 buổi các em vẫn đến lớp đều đặn.
Nhìn lũ trẻ đang chăm chú học bài, Dung tâm sự: “Mong ước lớn nhất của em là lũ trẻ ở đây được đến trường và học tập. Chứ không phải lam lũ vì công việc mưu sinh tại làng chài, học vấn sẽ giúp các em có tương lai tươi sáng hơn”.
Cô giáo ngồi 1 chỗ để dạy học cho các em.