Vì thu nhập thấp nên đàn ông tại làng chiếu Duy Vinh, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) thường chọn đi xe. Chỉ có những người phụ nữ ở nhà lo chuyện lo gia đình, con cái và gắn bó với nghề dệt chiếu truyền thống hàng trăm năm qua.
Làng vắng đàn ôngĐến với làng chiếu Duy Vinh vào những ngày tháng 3, khung cảnh làng quê êm ả được nhuộm thêm gam màu rực rỡ từ những chiếc chiếu được phơi ven sông. Bắt đầu từ tháng giêng, đàn ông trong làng chiếu Duy Vinh lại đi xa để
mưu sinh, lâu lâu về nhà 1 lần, có người xa quê cả tháng, có người cả năm. Chỉ có những người bà, người vợ, người chị ở nhà giữ làng và kiếm sống bằng nghề dệt chiếu.
Đa số phụ nữ làng Duy Vinh chọn việc làm chiếu để mưu sinh.
Cụ Phan Thị Ngạnh ( 86 tuổi) đang phơi cói nhuộm. Cô Nguyễn Thị Hà (56 tuổi) cho biết:
“Cái nghề này thu nhập thấp nên đa số đàn ông trong làng đều đi xa để làm ăn. Còn người phụ nữ thì ở nhà vừa làm chiếu rồi chăm lo cho con cái. Dù là ít tiền nhưng đây là nghề truyền thống nên không mấy ai mà bỏ được”.
Theo cô Võ Thị Phúc (54 tuổi) thì công việc dệt chiếu tại đây làm theo hộ gia đình, hầu như nhà nào cũng làm chiếu. Nếu nhà nào có đất thì trồng cói, còn không thì phải mua cói từ chợ để làm. Với giá 300 ngàn/ bó cói, người dân có thể làm ra được 8 đôi chiếu.
Dù lưng đã còng nhưng cụ Nguyễn Thị Thi (92 tuổi) vẫn ngồi bên khung dệt.Thu nhập từ nghề dệt chiếu là như vậy nên để tìm 1 người đàn ông làm cái nghề này rất khó. Ra sông thu hoạch cói, nhuộm rồi phơi cói cho đến công đoạn dệt chiếu đều do một tay người phụ nữ làm lấy.
Các sợi cói sau khi phơi khô được bó thành 1 bó chuẩn bị dệt.Cô Đoàn Thị Thoa (thôn Vĩnh An, xã Duy Vinh) tâm sự:
“Cái làng này đa số đàn ông đi làm ăn xa. Phụ nữ vừa lo việc nhà, vừa lo dệt chiếu. Công việc đồng áng, rồi mưa gió mà không có đàn ông nên bất tiện đủ điều. Nhưng vì mưu sinh thì phải gắng thôi, tất cả đều vì con cái hết”.
Phụ nữ với nghề truyền thốngTại làng chiếu Duy Vinh đa số những người phụ nữ trong làng đều làm nghề để kiếm sống, trong đó có cả những cụ già ở độ tuổi gần đất xa trời. Mấy chục năm qua họ vẫn bám trụ và sống với nghề cho dù tiền thù lao cho 1 đôi chiếu rất thấp.
Công đoạn dệt chiếu cần 2 nhân công.Cụ Lê Thị Thi (92 tuổi) hơn 70 năm làm nghề dệt chiếu, bộc bạch:
“Tôi già rồi nhưng vẫn phải làm công việc này không nặng nhọc nhưng lại rất vui. Mình làm để giữ cái nghề cho con cho cháu chứ thu nhập ít lắm. Tôi thấy bọn trẻ bây giờ ít ai quan tâm đến công việc truyền thống, không học thì đi thành phố làm công nhân hết, đàn ông cũng bỏ làng mà đi xa kiếm sống”.Làng chiếu Duy Vinh có hơn 350 hộ dân, trong đó có 300 hộ làm chiếu, mỗi chiếc chiếu được bán với giá 50 - 100 ngàn đồng. Sau khi thu hoạch cói từ đồng ruộng về, người dân tiến hành phơi cói cho khô, rồi mới đem vào khung dệt. Để thu hút khách hàng thì các nghệ nhân nhuộm cói theo màu sắc tùy thích để bắt mắt hơn. Nếu chăm chỉ thì mỗi hộ gia đình làm được 2 đôi chiếu/ngày. Công việc này cần ít nhất 2 người, 1 người đút cói và 1 người dệt chiếu.
Cói được nhuộm nhiều màu sắc rực rỡ...
... rồi đem phơi
Cụ Phan Thị Ngạnh (86 tuổi) cho biết:
“Dù già nhưng phải gắng mà giữ cái nghề. Thân già ni không làm thì lấy gì mà ăn. 2 chị em cụ tuổi đã cao nhưng sức dệt thì vẫn còn. Ngày nào mà không đụng vô khung cửi thì ngứa tay, ngứa chân lắm. Cái nghề dệt chiếu này ăn vô máu vô thịt rồi, bỏ nghề thì chịu ren nổi”. Dạo quanh 1 vòng tại làng chiếu Duy Vinh, đâu đâu cũng thấy hình bóng người phụ nữ ngày ngày bên khung cửi, dệt chiếu. Có cả những cụ già đang ở độ tuổi xế chiều, họ vẫn kiếm sống với sức lao động yếu ớt của mình. Không có bàn tay của người đàn ông trong gia đình nên nhiều người phụ nữ nơi đây vừa nuôi dạy con, vừa gánh vác mọi việc trong gia đình.
Chiếu được phơi ven sông.
Cuộc sống ở vùng nông thôn vốn còn nhiều khó khăn, cho dù thiếu vắng bóng dáng của người đàn ông, nhưng người phụ nữ nơi đây chưa bao giờ bỏ nghề. Dệt chiếu không chỉ là công việc gắn liền với kế sinh nhai mà còn là nét đẹp truyền thống làng nghề mà người phụ nữ làng Duy Vinh muốn giữ gìn.
Em bé phụ cụ già dệt chiếu.Vừa phơi chiếu, cô Đoàn Thị Hoa vừa buồn rầu tâm sự:
“Chồng cô đi vô Nam làm ăn từ đầu tháng 2, cuộc sống nghèo túng quá nên mới tha hương cầu thực, nhiều khi ăn bữa cơm thiếu vắng người chồng nuốt cơm cũng không ngon. Xa chồng mình thấy thương mình một thì thương cho mấy đứa con tới mười lận nhưng không đi làm thì tiền đâu mà cho mấy đứa ăn học”.