Đời sống

Đi chợ thời cúm: nơi đắt thì đông, nơi rẻ thì vắng

Giá gà ngoài chợ cóc và trong siêu thị chênh lệch nhau rất lớn. Bên cạnh đó, mặt hàng hải sản có xu hướng tăng chóng mặt.

"Thà mua đắt chứ nhất quyết không chọn hàng không nhãn mác"
Thông tin ngày 7/3, xã Biên Giới  (Châu Thành) xuất hiện thêm 1 ổ dịch cúm gia cầm. Ổ dịch được phát hiện trên đàn vịt 1.200 con của 1 người dân. Sau đó, đàn vịt đã bị tiêu hủy toàn bộ. Rồi biết bao nguồn tin cho biết người tử vong vì nhiễm cúm gia cầm khiến người tiêu dùng vô cùng hoang mang, lo lắng. Bỏ qua những suy nghĩ: “Thịt trắng là thịt tốt cho sức khỏe”, nhiều người quyết định tẩy chay loại thực phẩm này và những chế phẩm liên quan tới nó. 
Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ vẫn cố gắng hưởng thụ món ăn này, họ dường như quay lưng lại với những gánh rong, hàng ngoài chợ, họ tới siêu thị nơi có những con dấu, mác kiểm dịch rõ ràng trên sản phẩm gia cầm để mua. 
Chị Thủy (Nguyễn Hữu Huân, Hà Nội) mua gà trong một siêu thị lớn nằm trên cùng tuyến phố, chị chia sẻ: “Trước, mình thường mua gà ở ngoài chợ cóc. Bởi tại đây, thịt lúc nào cũng tươi ngon, chọn con còn sống rồi bảo họ làm sạch trước mặt, chẳng bao giờ mình mua gà trong siêu thị. Một vì giá cả đắt hơn, hai là gà siêu thị sao tươi bằng gà ngoài chợ. Thế nhưng từ ngày có thông tin cúm gia cầm, mình quyết định chọn siêu thị là nơi mua hàng bởi thịt gà và trứng đều có tem kiểm dịch”. 
Đi chợ thời cúm: nơi đắt thì đông, nơi rẻ thì vắng 1
Giá gà ngoài chợ cóc và trong siêu thị chênh lệch giá rất lớn. Bên cạnh đó, mặt hàng hải sản có xu hướng tăng chóng mặt.
Dạo qua một số siêu thị, giá gà ta dao động từ 200.000 đồng/kg. Trứng gà từ 40.000 đồng. 
Chị Ngọc, nhân viên phụ trách siêu thị chia sẻ: "Dù giá không hề rẻ nhưng hàng cứ được bày ra là hết nhanh".
Giá gà trong siêu thị cao thế nhưng vẫn đông người mua, trong khi gà tại các chợ cóc rẻ hơn nhiều nhưng người mua lại thưa thớt. Chị Dinh – tiểu thương bán gà trên chợ cóc ở Tân Ấp chia sẻ: “Cả tuần nay, tôi chả buồn đi bán hàng. Nhà ở bên kia cầu, mang gà sang bán mà cả ngày chả được con nào. Rất ít khách mua dù giá rất rẻ. Sức mua yếu phần vì kinh tế khó khăn mà một phần lớn do thông tin cúm gia cầm”. 
Chị bảo, dù vừa bán vừa trấn an khách bằng “miệng” rằng đây là gà nhà, quy trình chăm nuôi cẩn thận nhưng khách nào cũng tỏ vẻ ái ngại, hẹn lần lữa "dịp khác sẽ mua". 
Đi chợ thời cúm: nơi đắt thì đông, nơi rẻ thì vắng 2
Theo lời nhân viên của siêu thị, "Dù giá không hề rẻ nhưng hàng cứ được bày ra là hết nhanh".
Giá gà ở chợ cóc rớt giá thảm hại chỉ từ 90.000 đồng/kg. 
Chị Yến, người tiêu dùng sống ở An Dương, Hà Nội chia sẻ: “Có thông tin cúm gia cầm, mình không thể lơ là được, thà chịu đắt một chút, nhưng thịt gà, vịt hay trứng có đóng gói, nhãn mác, tem bảo đảm vẫn an toàn hơn".
Gà thì như vậy nhưng thịt bò, thịt lợn không có nhiều biến động. Thịt lợn có giá dao động từ 95.000-100.000 đồng/kg; thịt bò bắp 270.000 đồng/cân...
Nhưng riêng nhóm hải sản trong thời gian gần đây có dấu hiệu tăng chóng mặt. Trước đây, cá chép 70.000 đồng/cân thì giờ 90.000 đồng/cân, cá trắm khúc to 110.000 đồng/cân thì giờ là 120.000 đồng/cân. Tôm trước đây là 400.000 đồng/kg thì giờ là 650.000 đồng/cân.
Chị Mến – Ngọc Lâm, Hà Nội chia sẻ: “Hôm trước trời lạnh, tôi định thiết đãi cả nhà món lẩu mà tìm mãi không có hàng tôm nào. Đi hỏi thì tiểu thương nào cũng bảo tôm dịp này đắt không nhập về bán. Tìm được 1 hàng tôm ngất thì hét giá 650.000 đồng/kg".
Lý giải về điều này, chị Thương - người bán tôm cá (mặt hàng hải sản) tại chợ Hàng Da cho biết: "Do thời tiết bất thường nên đúng là  thời gian gần đây hải sản có tăng. Điều này khiến chúng tôi bán cũng khó khăn hơn trước. Có một đợt, giá tôm lấy ở chợ đầu mối quá cao khiến nhiều người bán hàng như tôi không nhập về, bởi tôi biết có nhập về cũng khó mà bán được".
aFamily

      © 2021 FAP
        4,316,915       262