Ở cái tuổi "nghỉ hưu" nhưng những cụ già phố Hội vẫn miệt mài lao động, một phần vì miếng cơm manh áo, phần vì muốn giữ một cái gì đó xa xưa cho phố Hội.
Thân già hiu hắt đợi khách
Chúng tôi đến Hội An vào buổi chiều xuân. Đang say đắm với những tia nắng trên sông Hoài, những câu gọi ú ớ của các cụ ngồi trên chiếc ghe nhỏ làm tôi giật mình: “ Đi ghe chụp hình chú ơi, ngồi trên sông cho biết cảm giác sông nước ở Hội An như thế nào. Chứ vô đây mà không đi thì uổng lắm”.
Thân già côi cút đợi khách.
Nhìn khuôn mặt cụ già sần sùi, rám nắng tôi hỏi: “ Bao nhiêu tiền một người vậy cụ?”. Cụ già đáp một cách nhanh nhẩu: “Chú đi 2 người, tôi lấy rẻ ba chục ngàn, 1 tiếng thôi. Đi đi cho biết chú”.
Thấy cụ thật thà, chúng tôi bước lên thuyền của cụ lòng đầy phấn khích. Hỏi thăm mới biết cụ là Nguyễn Thị Xuân (70 tuổi) một người dân Hội An chính gốc. Đã hơn 30 năm nay cụ gắn liền với nghề chèo ghe kiếm sống. Bóng dáng nhỏ nhắn, đôi tay gầy nhom nhưng những động tác chèo của cụ rất uyển chuyển.
Cụ Xuân tâm sự: “Tuổi cao rồi nhưng không nghỉ được vì đây là cái nghiệp của tôi. Đau ốm thì nghỉ 1, 2 bữa thôi. Chứ khỏe thì phải làm để kiếm thêm thu nhập, với lại ở không thì nhớ con thuyền, bến nước lắm”.
Chỉ với 20 ngàn đồng/ 1 tiếng/ 1 người du khách có thể lênh đênh sóng nước sông Hoài.
Không chỉ có cụ, còn rất nhiều những phu ghe khác cũng đang ở độ tuổi xế chiều, tóc bạc trắng, khuôn mặt chằng chịt nếp nhăn, nhưng lúc nào họ cũng cười tươi với khách. Thấy thân già yếu ớt, tôi hỏi vội:“ Thế cụ chèo thấy mệt không, có nặng tay không cụ?”. Cụ Xuân rả lời tôi : “Răng mà mệt được chú hề, cái ni già mần quen rồi, vẫy vẫy vài cái là hắn đi thôi mà. Chỉ mệt khi các cô, các chú ngồi ghe tôi không thỏa mái thôi”. Giọng Quảng đặc sệt của cụ Xuân vang lên mồn một giữa miền sông nước.
Dáng dấp liêu xiêu, già nua nhưng họ vẫn tất bật với nghề.
Trên bến sông Hoài có hơn 30 chiếc ghe đợi đón khách tham quan. Đa phần những phu ghe ở đây là các cụ bà tuổi đã ngả xế chiều, vì sức lực không còn đủ để ra khơi đánh bắt cá nên họ chọn việc mưu sinh bằng cách chèo ghe cho khách du lịch.
Cũng có những cụ từ nhỏ đến lớn sống bằng nghề chèo ghe kiếm sống. Cái công việc này dường như ăn sâu vào tâm hồn và cả suy nghĩ của họ.
Trong những lúc rảnh rỗi các phu ghe hỏi thăm nhau về cuộc sống.
Cụ Đông (75 tuổi) gần 40 năm sống với nghề chèo ghe, đưa khách tham quan tâm sự: “Nhiều khi tôi muốn chuyển nghề khác nhưng cái tâm không cho phép. Đất, con người và công việc nơi đây đều là của phố cổ. Làm những công việc hiện đại kinh doanh công nhận có tiền thiệt nhưng trong lòng chúng tôi không vui”.
Tình người nơi sông nước
Mỗi ngày, các cụ ra sông, đợi khách từ sớm 6h sáng đến 22 giờ khuya mới về. Có khi họ ăn uống ngay trên thuyền để tận dụng thời gian đón khách. Được ngồi trên ghe, lênh đênh cùng sóng nước để cảm nhận vẻ đẹp Hội An đó là điều thú vị.
Rong ruổi sông Hoài để ngắm Hội An.
Những người phu ghe chính là hướng dẫn viên chu đáo nhất, các cụ chỉ về các địa danh như Chùa Cầu, rồi các tập tục, lễ hội nơi đây một cách sâu sắc và bình dị. Trong các câu chuyện của những phu ghe hiện lên vẻ đẹp chân chất của con người xứ Quảng.
Chiếc ghe nhỏ xưa nay vẫn là công cụ để đón khách đi tham quan, nó gắn liền với miến cơm manh áo của các cụ. Bà Đặng Nga (60 tuổi) dựa vào cánh ghe nhỏ để nuôi 3 đứa con ăn. Bà dậy từ lúc 4 giờ sáng, lo cơm nước cho bọn trẻ, trưa tranh thủ về lo dọn dẹp. Đến 22 giờ tối, bà mới neo ghe để về nhà.
Cứ thế, ghe và sông nước gắn liền với cuộc sống của bà. Dẫu nhọc nhằn, khó khăn, thế nhưng bà vẫn cố gắng vì tương lai của các con. “Mỗi người đều có một cái nghề riêng, dù là ít tiền, nhiều sức, nguy hiểm nhưng tôi vẫn làm. Tất cả vì con cái thôi, khi nào chúng nó ổn định và lập gia đình thì mình mới nghỉ”, bà Nga bộc bạch.
Miếng cơm manh áo của phu ghe gắn liền với chiếc ghe nhỏ.
Khi hỏi về những nguy hiểm, nhiều phu ghe ở đây trả lời thẳng thắn: “Nguy hiểm thì cũng có nhưng mình biết lường trước thì không sao. Nước sông ở đây thì hiền hòa, dễ chịu. Nên khó gặp tai nạn trong nghề nghiệp. Số lượng người vừa phải, không nên chở số lượng quá nhiều thì rất an toàn”.
Những phu ghe luôn nhường nhịn khách hàng cho nhau. Họ không giành giật, trả giá hay lôi kéo khách một cách thô lỗ. Ai mới đưa khách về thì nhường cho người khác đi, cách mưu sinh của họ rất nhẹ nhàng ít bon chen. Ông Hà (phu ghe 65 tuổi) tâm sự : “Điều đáng ý ở đây là mọi người đều yêu thương, nhường nhịn nhau. Đều là các thân già có hoàn cảnh khó khăn, ai giàu sang, hơn thua chi mà giành giật khách của nhau. Vả lại giành giật thế, thì khách cũng hoảng sợ, đâu còn vẻ đẹp nhẹ nhàng của Hội An nữa”.