Thông tin ngày 1/3 tới đây, giá nhiều loại sữa sẽ tiếp tục tăng khiến nhiều cha mẹ lo lắng, đổ xô đi "tích trữ".
Giá sữa rục rịch tăng, cha mẹ chạy nước rút mua hàng
Ngay từ cuối năm 2013, nhiều nhãn hàng sữa tăng giá, rồi ngày 25/2 vừa qua một vài nhãn sữa trong nước cũng "nhấp nhổm", rồi thông tin ngày 1/3 tới giá sữa lại tiếp tục "nhảy múa" khiến người tiêu dùng lo ngại.
Một số dòng sản phẩm như Frisolac và Dutch Baby tăng giá từ ngày 25/2. Trong đó, Frisolac Gold 1 và Frisolac Gold 2 tăng từ 220.000 đồng/hộp lên 255.000 đồng/hộp 400g và 545.000 đồng/hộp 900g. Frisolac Gold 3 tăng từ 215.000 đồng/hộp lên 235.000 đồng/hộp 400g, từ 430.000 đồng/hộp lên 486.000 đồng/hộp 900g, sữa Enfa Grow từ 284.000 đồng/hộp lên 300.000 đồng/hộp. Enfa Grow A+ số 3 loại hộp 900g có giá 458.000 đồng thay vì mức giá trước đây là 420.000 đồng (tăng 9%).
Sữa Enfa Mama A+, hộp 400g, tăng lên 235.000 đồng/hộp thay vì 200.000 đồng/hộp như trước đây (tăng 17%). Sữa Ensure Gold 900g dành cho người lớn, trước đây là 640.000 đồng/hộp, hiện tại là 660.000 đồng/hộp (tăng 3%). Các sản phẩm bán chạy như Dielac Alpha 1 loại 400gr tăng từ 210.000 đồng lên mức 235.000-240.000 đồng/hộp, Dielac Alpha 123 tăng thêm 20.000 đồng, vượt mức 200.000 đồng/hộp 400gr.
Dù biết mua trước có dăm bảy đường không nên, nhưng với nhiều ông bố bà mẹ thì "găm hàng" là một biện pháp cần thiết phải làm.
Với cái giá cứ ngày một nhích dần như vậy, nhiều ông bố, bà mẹ tại Hà Nội đã tranh thủ những ngày cuối của tháng 2 đi mua sữa cho con để dự trữ.
Chị Linh Ngọc (Tân Ấp, Hà Nội) chia sẻ: “Mình mới sinh con được 3 tháng, trước chẳng để ý nhưng sau khi quen dần với công cuộc bỉm sữa mình mới thấy đúng là tốn kém thật. Đặc biệt, nuôi con tốn hơn khi người mẹ không có sữa. Trước cứ nghe mọi người than rằng sữa lên 30.000 đồng/hộp, mình cứ thấy tăng thế có đáng là bao, tăng bằng mình ăn một bát phở chứ mấy, giờ mới thấy cái ‘đáng là bao’ đó quan trọng như thế nào. Trước thông tin ‘sẽ còn tăng giá nữa’, mình quyết định mua luôn 1 thùng cho con ăn dần, tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy”.
Không chỉ chị Ngọc mà nhiều bậc phụ huynh khác cũng có tư tưởng mua sẵn sữa để dự trữ đối phó với đợt tăng giá tới.
Chị Hải Yến (Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội) chia sẻ: “Mấy hôm nay, khi nghe các chị đồng nghiệp chia sẻ thông tin rằng sữa sắp tăng giá mà tôi ngỡ ngàng. Trước tôi mua Enfa Grow cho con, giá hộp sắt đắt nên gia đình tiết kiệm mua hộp giấy, giá là 284.000 đồng hộp hơn 600gr. Giờ giá đã tăng lên 300.000 đồng có lẻ. Giá vậy đã là không hề rẻ ấy vậy mà nghe thông tin tới tháng 3, sữa lại tiếp tục tăng".
Giải pháp của chị đưa ra ở đây là mua sẵn 1 thùng cho con uống dần trong lúc giá sữa đang có xu hướng tăng.
Tuy nhiên, mua sẵn một lượng sữa lớn ngoài việc giúp người tiêu dùng tiết kiệm thì việc này cũng nảy sinh những hạn chế nhất định.
Nhiều người chọn mua hộp giấy để tiết kiệm nhưng loại này cũng tăng giá.
Chị Huyền Đinh (Cầu Giấy, Hà Nội) kể lại việc đã từng "ém hàng" của mình: "Rút kinh nghiệm từ lần trước, lần này tôi không mua cả hai thùng cho con nữa, tôi chỉ mua sẵn 5 hộp cho con phòng đợt tăng giá này. Trước đây, cũng trong hoàn cảnh sữa sắp tăng giá, vợ chồng tôi quyết định rút hầu bao một khoản tiền lớn để mua cả hai thùng sữa cho con. Nhưng đúng lúc con đi nhà trẻ, bé lại thích ăn cơm, cháo, ít ăn sữa, thế là có nguyên cả thùng sữa hết hạn sử dụng mà chúng tôi đành bấm bụng bỏ đi".
Chị Dinh – chủ một cửa hàng sữa bột trên phố Hàng Buồn cho biết: “Cả tuần nay, nhiều ông bố bà mẹ mua cùng 1 lúc 1-2 thùng sữa để dành cho con. Nhiều hôm, cửa hàng chúng tôi bị cháy hàng vì sức mua của người tiêu dùng tăng mạnh”.
Người tiêu dùng e ngại với gà dù giá “siêu mềm”
Thông tin mới nhất từ Cục Thú Y (Bộ NN-PTNT), tính đến hết ngày 25/2, cả nước có 67 ổ dịch tại 21 tỉnh có dịch cúm gia cầm H5N1. Số gia cầm mắc bệnh, chết là hơn 60.000 con.
Dù nhiều ban ngành đã nhanh chóng vào cuộc để kiểm soát gà vịt song có không ít người bán rong gà vẫn ngang nhiên “lách dịch”. Tại các chợ cóc, cảnh người mua kẻ bán gà dường như không còn nhiều như trước. Gà dường như ít người quan tâm dù giá rất mềm. Một cân thịt gà từ 90.000 đồng.
Chị Nhã (Hàng Bông, Hà Nội) nói: "Tôi biết, thịt trắng như thịt gà tốt cho sức khỏe hơn thịt đỏ nhưng dường như dịch cúm ngày càng lan rộng khiến tôi rất e ngại khi mua và ăn gà vào thời điểm này. Cả tháng nay, tôi không mua gà rồi".
Người tiêu dùng e ngại với gà dù giá “siêu mềm” (Ảnh: Chí Toàn)
Trước thông tin dịch cúm gia cầm đang bùng phát, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác. Người dân cần tự bảo vệ mình bằng cách nói không với gia cầm trái phép, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nếu sử dụng, người tiêu dùng cần nấu thật kỹ gà trước khi ăn vì virus cúm gia cầm sẽ bị tiêu diệt khi nấu chín. Tuyệt đối không ăn tiết canh, quả trứng gà, vịt có màu lạ. Lưu ý, khi chọn mua gia cầm nên chọn ở địa chỉ uy tín có đóng dấu kiểm dịch rõ ràng.
Bên cạnh giá gà giảm, giá các mặt hàng thực phẩm khác vẫn khá ổn định. Cụ thể, su hào 2.000 đồng/củ, rau cải cúc 3000 đồng/mớ, cà chua có giá từ 7.000 đồng/cân, rau cần tăng từ 4.000 đồng/mớ, rau cải chíp 16.000 đồng/cân, cải xanh 7.000 đồng/cân, cải bắp 5.000 đồng/cân, cải xoong 6.000 đồng/mớ...
Bên cạnh giá gà giảm, giá các mặt hàng thực phẩm khác vẫn khá ổn định
Thịt nạc vai 90.000 đồng/cân, xương đuôi 60.000 đồng/cân, thịt lợn sấn, vai có giá từ 95.000 đồng/cân, xương ống 30000 đồng/cân, sườn 110.000 đồng/cân, thịt bò bắp có giá từ 270.000 đồng/cân.
Giá các mặt hàng thuộc nhóm hàng hải sản ổn định. Cụ thể, tôm sú từ 420.000 đồng/cân, ghẹ từ 550.000 đồng/cân, ngao 20.000 đồng/cân, hàu 55.000 đồng/cân, cá chép 75.000 đồng/cân.
Giá vàng tăng nhẹ
Sáng hôm qua, thị trường vàng bất ngờ hứng khởi, tăng khá mạnh và vượt mức 36,50 triệu đồng/lượng (chiều bán ra). Tuy nhiên, tới chiều, giá vàng đảo chiều, giảm nhẹ, chỉ còn hơn 36,40 triệu đồng/lượng. Sáng nay, giá vàng thế giới phục hồi giúp giá vàng thế giới tăng khoảng 30.000 đồng/lượng.
Vào lúc 8h50, giá vàng của công ty Sài Gòn SJC, giá vàng đang tăng 30.000 đồng/lượng so ngày hôm qua. Giá vàng SJC Hà Nội được niêm yết ở mức: 36,39 triệu đồng/lượng – 36,47 triệu đồng/lượng (mua vào –bán ra). Vàng SJC Hồ Chí Minh: 36,39 triệu đồng/lượng – 36,45 triệu đồng/lượng. Vàng SJC Đà Nẵng: 36,39 triệu đồng/lượng – 36,47 triệu đồng/lượng. Vàng SJC Nha Trang: 36,38 triệu đồng/lượng – 36,47 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty vàng bạc đá quý Doji, giá vàng cũng tăng rất nhẹ. Giá vàng SJC bán lẻ tại cả Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đều niêm yết ở mức 36,40 triệu đồng/lượng – 36,45 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tại công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận, giá mua vào niêm yết ở mức cao hơn một chút. Giá vàng SJC giao dịch ở mức: Mua vào 36,46 triệu đồng/lượng – bán ra 36,52 triệu đồng/lượng. Giá vàng Phượng hoàng PNJ-DAB: Mua vào 34,82 triệu đồng/lượng – bán ra 35,22 triệu đồng/lượng. Vàng nữ trang 24k: 34,42 triệu đồng/lượng – 35,02 triệu đồng/lượng.
Thị trường tiền tệ đứng im sau khi giảm từ 5 đồng tới 10 đồng/USD hôm qua. Tỷ giá USD được niêm yết ở mức gần như không đổi so.
Tại ngân hàng Vietcombank, giá USD đứng im. USD được giao dịch phổ biến ở mức: Mua vào 21.080 đồng/USD, bán ra 21.120 đồng/USD.
Giá USD tại Eximbank chưa có sự biến đổi và niêm yết ở mức: 21.060 đồng/USD – 21.120 đồng/USD (mua vào – bán ra).
Giá USD tại Vietinbank ít biến động, giao dịch ở mức: 21.065 đồng/USD – 21.120 đồng/USD.
Giá USD tại BIDV cũng có diễn biến tương tự và giao dịch ở mức: 21.080 đồng/USD, bán ra 21.120 đồng/USD (mua vào – bán ra).
Tại Sacombank, giá USD chưa có sự điều chỉnh. Tỷ giá niêm yết ở mức 21.060 đồng/USD – 21.130 đồng/USD (mua vào – bán ra).
Do sự chênh lệch giá không đáng kể nhưng chất lượng lại được đánh giá chủ quan là “vượt trội” hơn hẳn, đã khiến người tiêu dùng chuyển hẳn sang loại thịt bò ngoại nhập cho những bữa ăn của mình.