Đời sống

Bi hài chuyện đi "xe đò trên không" đầu năm

Với nhiều hãng máy bay và việc tung ra hàng loạt vé giá rẻ, giờ đây đi máy bay thường được ví như "xe đò trên không". Cùng với đó là bao chuyện bi hài...

Bức xúc vì một vé bay bán cho nhiều khách

Trưa 14/2, một số hành khách đi trên chuyến bay số hiệu VN 1315 xuất phát từ sân bay quốc tế Đà Nẵng đi TP.HCM lúc 12h10 đã bị Vietnam Airlines (VNA) từ chối không cho bay và yêu cầu chuyển sang bay chuyến tiếp theo. Sự việc trên đã khiến các hành khách rất tức giận.

Bi hài chuyện đi "xe đò trên không" đầu năm 1
Hành khách Nguyễn Bảo Giang Châu bức xúc bày tỏ phản ứng.

Hành khách Nguyễn Bảo Giang Châu (trú tại phường Phú Thuận, Quận 7, TP HCM) cho hay, ông cùng hai người nữa đã đặt vé cho chuyến bay này từ trước Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, thế nhưng khi đến làm thủ tục để bay thì nhân viên VNA không cho lên máy bay với lý do là đã bán hết chỗ, và bán luôn cả ghế của ông rồi.

“Tôi được nhân viên này yêu cầu bay chuyến sau, lúc 14h20, và bồi thường cho tôi 300.000 đồng. Tôi bảo sẵn sàng bỏ thêm 300.000 đồng nữa để được lên máy bay nhưng họ vẫn không chấp nhận. Sự việc này làm tôi bị trễ cuộc họp quan trọng ở công ty với Tổng giám đốc trong khi ngày mai ông ấy phải về nước” – ông Nguyễn Bảo Giang Châu nói.

Theo tìm hiểu, trong chuyến bay VN 1315 trưa 14/2, VNA đã bán dư lên 3 vé, khiến 1 hành khách đã đăng ký vé trước đó phải bỏ chuyến, 2 người còn lại thì bị chậm chuyến. Sau khi sự việc này xảy ra, VNA đã có công văn trả lời hành khách: “Phiền toái này là do VNA áp dụng chính sách bán quá chỗ (Overbooking) nhằm thích ứng với tình trạng các chuyến bay luôn có một tỉ lệ hành khách đã mua vé và đặt chỗ nhưng không đi (khách bỏ chỗ vào giờ chót). Đôi khi có chuyến bay tất cả các hành khách đều có mặt, như chuyến bay của quý khách ngày hôm nay, gây nên tình trạng chuyến bay bị thiếu chỗ”!

Bi hài chuyện đi "xe đò trên không" đầu năm 2
Công văn của VNA xác nhận chính sách bán vé quá chỗ như kiểu... xe dù!

Việc VNA bán một vé bay cho nhiều khách nhằm luôn đạt lợi ích kinh tế cao nhất mà bỏ qua quyền lợi của hành khách rồi đưa vài trăm ngàn đồng mà công văn của VNA gọi là “khoản bồi thường thiện chí” đã khiến khách hàng phản ứng.

Nghiệp vụ bán vé thừa chỗ được các hãng hàng không coi là bình thường, ngay cả ở nước ngoài. Tuy nhiên, theo chia sẻ của nhiều người thì mức bồi thường cho hành khách trong trường hợp này ở các hãng hàng không nước ngoài là rất cao để đền bù cho thiệt hại, phiền phức hành khách gặp phải.

Bạn đọc tên Lâm Quốc Trung chia sẻ: "Có lần tôi đi chuyến bay từ Paris về Brest (600km) giá khoản 100€ nhưng chuyến bay bị overbooked (bán vé kín chỗ) nên tôi được bồi thường 350€, phiếu ăn nhà hàng và taxi đổi sân bay để lấy chuyến bay sau. Phải bắt các hãng hàng không ở Việt Nam có trách nhiệm hơn với khách hàng vì tiền bồi thường quá ít nên các hãng muốn sao thì làm. Theo tôi, tiền bồi thường cho overbooked, cancelled (hủy chuyến) hay delayed (hoãn giờ bay) quá 4 giờ phải bằng 3 lần giá vé mua"

Bạn Lena thì bày tỏ quan điểm: "Thực ra overbook là việc rất bình thường, các hãng hàng không quốc tế cũng đều thực hiện việc này. Tuy nhiên khi trường hợp không đủ chỗ xảy ra, họ thường linh hoạt hơn trong việc giải quyết, ví dụ như tự động tăng hạng các khách từ Phổ thông lên Thương gia để lấy chỗ trống. Trường hợp khách có việc gấp cần phải bay ngay thì hãng sẽ tặng tiền hay voucher cho người nào tự nguyện nhường chỗ. Cuối cùng không còn cách nào khác thì hành khách bị kẹt sẽ được bồi thường bằng tiền/voucher.

Như vậy ở đây thái độ phục vụ là quan trọng nhất. Mặc dù chuyện "overbook" là bình thường, nhưng hãng hàng không cũng phải thực hiện tất cả các biện pháp có thể để hạn chế ảnh hưởng đến khách hàng, vì khách hàng đã mua vé đàng hoàng đúng quy định, và chuyện trễ giờ bay có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến công việc hay cuộc sống của họ". 


Ví dụ như ở châu Âu, đối với các hành khách bị mắc kẹt vì mua phải vé máy bay overbook, các hãng hàng không có chính sách bồi thường rất rõ ràng. Hành khách được bồi thường 250 Euro (khoảng hơn 7 triệu đồng) cho chuyến bay dài 1500km hoặc ngắn hơn; 400 Euro (khoảng hơn 11 triệu rưỡi) cho chuyến bay dài từ 1500 đến 3500km; 600 Euro (khoảng 17 triệu rưỡi) cho tất cả các chuyến bay còn lại. (Theo nguồn Airpassengerrights.eu).

Được đền bù 500 nghìn vì sự cố vỡ... con lợn đất trên máy bay

Dù các tình huống xảy ra sai sót đôi khi vẫn xảy ra khiến hành khách đi máy bay không khỏi bực mình thì vẫn có những trường hợp hành khách phải xúc động và cảm kích thái độ phục vụ của nhân viên sân bay.

Đó là trường hợp của chị Lê Thị Minh Nguyệt – nhân viên Makerting tại TP. Đà Nẵng. Chuyện thật như đùa về việc chị được hãng hàng không Vietnam Airline đền bù... 500 nghìn đồng do con lợn đất bị vỡ trong quá trình vận chuyển khiến dân mạng tỏ ra vô cùng thích thú. Thái độ và cách chăm sóc khách hàng của nhân viên VNA tại Đà Nẵng cũng nhận được nhiều lời khen ngợi.

Chị Nguyệt chia sẻ: “Mình lúc ra Hà Nội có mua được một em heo siêu bự để đem vào Đà Nẵng làm đạo cụ chụp ảnh, lúc đem vào Đà Nẵng mình có nhét vào thùng giấy và chèn rất nhiều quần áo tứ phía, đồng thời báo với nhân viên check in dán tem đồ dễ vỡ, đồng thời ghi cẩn thận là “Đồ dễ vỡ xin nhẹ tay lên hộp”.

Bi hài chuyện đi "xe đò trên không" đầu năm 3
Được đền bù 500 nghìn cho con lợn đất bị vỡ khiến chị Nguyệt vô cùng bất ngờ

Lúc vào đến sân bay Đà Nẵng, hai vợ chồng lấy đồ thì bị thiếu một kiện, chính là thùng chứa chú heo này. Khi ngơ ngác chưa đến 1 phút đã có nhân viên ra lập biên bản, đồng thời trả lời ngay lập tức là thùng đó đang bị kẹt lại ở Hà Nội, và muộn nhất là 6h sẽ có người giao đồ tại nhà.

5h30 mình nhận được điện thoại từ sân bay nói sẽ nhận được đồ và taxi chở đồ đến. Khi nhận được thùng đồ, mình đã có cảm giác không ổn vì thùng xẹp hơn lúc mình đóng hàng. Mình liền tháo ra thì em heo bị vỡ vụn như trong hình có túi đỏ. Mình liền ghi vào biên bản và nhờ anh taxi xác nhận, sau đó gọi về số của nhà ga sân bay ở Đà Nẵng. Nhân viên này thực sự rất bối rối vì chưa có kinh nghiệm gì cho vụ này, rất nhã nhặn bảo rằng sẽ liên lạc lại cho hai vợ chồng.

Thực ra hai vợ chồng chẳng có hi vọng nào cả vì đồ thì đã vỡ rồi, VNA cũng không phải là người đóng gói cho mình nên chỉ báo cho nhân viên cho đủ thủ tục vậy thôi.

Chiều hôm sau, một nhân viên nữ rất lịch sự gọi cho mình, nói rằng mong mình thông cảm và nói hãng đền bù cho hai vợ chồng là 500k, hỏi rằng mức này vợ chồng mình có hài lòng không? Sự trách nhiệm của các nhân viên VNA tại Đà Nẵng thực sự làm vợ chồng mình rất hài lòng, thậm chí là áy náy.

Khi mình lên sân bay, ra chỗ quầy vé, chưa nói lý do thì phát hiện ra nhân viên VNA ở đây đều... biết cười. Thái độ của nhân viên VNA Đà Nẵng khi làm thủ tục đền bù cho mình cũng rất nhanh chóng.

Câu chuyện đến đây là hết, em heo đã hi sinh nhưng mà bù lại mình lại thấy vui vì phát hiện ra nhân viên VNA tại ĐN siêu dễ thương và trách nhiệm!”.

Bi hài chuyện đi "xe đò trên không" đầu năm 4
Câu chuyện của chị Nguyệt nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng mạng

Câu chuyện này sau khi được chia sẻ trên mạng đã nhận được nhiều bình luận, bên cạnh những ý kiến tỏ ra bất ngờ với mức đền bù của VNA thì thái độ của nhân viên hãng hàng không này tại Đà Nẵng đã góp phần “cộng điểm” cho hình ảnh con người tại thành phố được mệnh danh là đáng sống nhất Việt Nam.

Thành viên Người Ở Lại bày tỏ quan điểm: "Vâng xin chúc mừng ạ. Biết không đáng là bao nhiêu. Nhưng chủ yếu là cách phục vụ của nhân viên làm cho khách hài lòng".

Còn bạn Chiến LVH thì tự hào: "Những điều tưởng chừng đơn giản thế này lại làm mọi người càng yêu mến Đà Nẵng hơn, hy vọng việc tốt sẽ tiếp tục được phát huy".
aFamily

      © 2021 FAP
        3,867,098       752