Đời sống

Nhập khẩn cấp vaccine phòng thủy đậu

Theo thông tin từ Bộ Y tế ngày 20-2, dịch bệnh thủy đậu vẫn tiếp tục lây lan mạnh, không chỉ Hà Nội mà nhiều địa phương khác cũng có số ca mắc tăng nhanh chóng. Do tất cả các điểm tiêm chủng hiện đều đã hết vaccine phòng bệnh này nên Bộ Y tế đang khẩn cấp xét duyệt hồ sơ để nhập vaccine.

Nhập khẩn cấp vaccine phòng thủy đậu 1
Vaccine thủy đậu sẽ được cung cấp đầy đủ phục vụ công tác tiêm phòng.

Dịch lây lan mạnh

Trao đổi với báo chí sáng 20-2, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế cho biết, dịch bệnh thủy đậu hiện đang gia tăng mạnh và lây lan rộng ở nhiều địa phương, gồm cả khu vực miền Nam và miền Bắc. Bệnh viện Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh từ đầu tháng 2 đến nay tiếp nhận khá nhiều người lớn, trẻ nhỏ mắc bệnh, ngày cao điểm lên đến gần 100 ca khám thủy đậu. Trong thời gian này, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP Hồ Chí Minh cũng tiếp nhận trên 600 ca thủy đậu vào điều trị. Ở Hà Nội, nhiều bệnh viện như Bệnh viện Da liễu Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương, khoa Nhi- Bệnh viện Bạch Mai… đều tiếp nhận rải rác bệnh nhân thủy đậu với số lượng khám có xu hướng tăng từ đầu năm đến nay.

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, so với dịch sởi thì bệnh thủy đậu trên địa bàn thành phố hiện vẫn ở giai đoạn ghi nhận ca mắc rải rác, chưa bùng phát thành dịch. Tuy nhiên, nếu như dịch sởi khó bùng phát dịch lớn vì tỷ lệ tiêm vaccine sởi ở Hà Nội vài năm gần đây đạt tỷ lệ khá cao thì ngược lại, số trẻ được tiêm vaccine phòng thủy đậu đạt tỷ lệ thấp hơn nhiều. Đây là bệnh dễ lây nhất là với những trẻ chưa được tiêm phòng. Hơn nữa, nếu như số ca mắc sởi hiện tập trung chủ yếu ở nhóm trẻ em thì với thủy đậu, số ca mắc bệnh đang gặp ở mọi lứa tuổi. Do vậy, nguy cơ bùng phát dịch thủy đậu trong mùa đông xuân này là rất lớn.

Ông Nguyễn Nhật Cảm cho biết, thủy đậu là loại bệnh lành tính nhưng có thể gây biến chứng như sốt cao, đau đầu, đau cơ và để lại sẹo lâu lành nếu không được chữa trị kịp thời. Để phòng bệnh, biện pháp quan trọng nhất là trẻ cần được tiêm chủng vaccine thủy đậu đầy đủ, đúng lịch. Tuy nhiên, thời điểm này tất cả các điểm tiêm phòng trên toàn quốc đã hết vaccine phòng thủy đậu. Tại Hà Nội, các điểm tiêm chủng dịch vụ của Trung tâm y tế dự phòng cũng như điểm tiêm tại Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều không còn vaccine này. “Vaccine thủy đậu đã hết từ lâu và chưa biết bao giờ mới có trở lại, điều này phụ thuộc vào công ty nhập khẩu và phân phối vaccine” - ông Cảm cho biết.

Khẩn cấp nhập vaccine

Trước diễn biến đáng lo ngại nói trên, ngày 20-2, Cục Quản lý Dược – Bộ Y tế cho biết, Cục này đã có công văn khẩn gửi Sở Y tế các địa phương và các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, đăng ký lưu hành vaccine đề nghị triển khai ngay các biện pháp để sớm cung ứng đủ vaccine cho nhu cầu phòng thủy đậu. Theo Cục Quản lý dược, hiện nay có 4 loại vaccine phòng bệnh thủy đậu đã được cấp số đăng ký lưu hành tại Việt Nam, trong đó có số đăng ký đã hết hiệu lực. Cục Quản lý Dược đã có quy trình thẩm định nhanh hồ sơ đăng ký mới, đăng ký lại đối với các vaccine phục vụ nhu cầu phòng chống dịch bệnh. Trước mắt, Cục Quản lý Dược đã xét duyệt khẩn cấp và có Công văn số 2108/QLD-KD ngày 18-2-2014 để Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 nhập khẩu 77.600 liều Varicella Vaccine - GCC đáp ứng nhu cầu phòng bệnh thủy đậu và sẽ tiếp tục cho nhập khẩu nếu có nhu cầu.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn liên hệ với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vaccine chủ động lập dự trù để đảm bảo đủ vaccine, tránh xảy ra tình trạng thiếu vaccine, biến động giá dẫn đến khó khăn trong kiểm soát bệnh thủy đậu. Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các đơn vị đăng ký vaccine khẩn trương chuẩn bị hồ sơ đăng ký mới, đăng ký lại các loại vaccine phòng bệnh thủy đậu để được xem xét theo quy trình thẩm định nhanh đúng quy định.

TS Trần Đắc Phu cho biết, lý do thiếu vaccine phòng bệnh thủy đậu hiện nay là do vaccine này không nằm trong danh sách 11 vaccine thuộc Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. Hiện Việt Nam chưa sản xuất được vaccine này mà phải nhập khẩu, phổ biến nhất là loại vaccine của Bỉ, Pháp với giá khoảng 400.000 đồng một mũi. Vì mức giá khá cao, mặt khác người dân chưa có thói quen chủ động đi tiêm vaccine dịch vụ nên các đơn vị nhập khẩu vaccine không dám nhập nhiều vì sợ không bán được. Khi dịch bùng phát mạnh, nhiều người đổ xô đi tiêm dẫn đến tình trạng cháy hàng. TS Trần Đắc Phu cho biết thêm, những trường hợp đã mắc bệnh thủy đậu thì sẽ không bị mắc lại nên không cần tiêm phòng nữa.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,320,176       74