Ngày cơ cực, chị đặt Tú Anh vào đôi quang gánh, mang ra chợ để thế chấp với chủ hàng. Tội nghiệp Tú Anh, cứ ngày ngày được thế chấp như thế, ngồi ngoan ngoãn ở góc quán đợi mẹ.
Thật tình cho đến giờ chúng tôi vẫn không hiểu chị lấy đâu ra ngần ấy sức mạnh để đi qua muôn nỗi trầm luân cay đắng của đời mình và trở thành một tỷ phú như hôm nay, ngồi ung dung nhai trầu trong căn biệt thự đẹp vào hàng nhất thành phố Thái Bình này...
“Các chú tìm mẹ cháu ạ? Mẹ cháu có nhà đấy, cháu xin phép đi có việc một chút”. À, thì ra đây là Tú Anh, đứa con trai mà trong bộ phim năm xưa là một đứa bé được gọi là Chiền, cậu đang ngồi chơi với bà ngoại, giọng bà ngoại trầm trầm: “Cháu có tên là Tú Anh. Nhưng bà bảo cái tên Tú Anh nó Hà Nội quá! Mình thì người nhà quê - bố cháu là Chiện, bà gọi cháu là Chiền. Thằng Chiền một thời ít bạn vì tiếng đồn khắp vùng mẹ nó là người hủi”.
Giờ đây thằng bé Chiền đang là giám đốc một công ty kinh doanh có tiếng ở Thái Bình, đã có vợ và hai con. Nhưng đó là cả một câu chuyện dài.
Vừa châm ấm chè xanh nghi ngút khói, chị Hằng vừa cười cười: “Cứ như là giấc mơ các cậu nhỉ?”. “Còn hơn cả giấc mơ chứ chị”. “Không, giấc mơ của chị vẫn còn đấy. Những viên gạch chị đóng suốt đêm với đôi bàn tay cụt ngón mà anh Thủy quay từ 30 năm trước là để xây ngôi nhà kia, nay chị vẫn để đấy lưu niệm chứ không phải là ngôi biệt thự này”.
Rồi chị quày quả dẫn chúng tôi ra góc vườn. Ngôi nhà hai tầng xây từ dạo đó vẫn còn đứng đó như chứng tích của một thời. Gió bấc vẫn lùa lạnh buốt. Chị Hằng sờ lên từng góc tường của ngôi nhà cũ và ký ức hiện về cũng tê buốt như giá rét!
Đứa con bị thế chấp và ông lão chài lưới...
Năm 1967, vừa tốt nghiệp trường tài chính kế toán, chị xung phong vào chiến trường. Ba năm sau, năm 1970, sau những cơn sốt rét hành hạ suýt chết, chị trở ra miền Bắc, làm ở Cục Thu bội chính (thuộc Bộ Tài chính). Năm 1972, bị sức ép của một trận bom Mỹ ném xuống khi đang ở Hoài Đức (Hà Tây cũ), chị bị mất sức và về quê chồng ở Bắc Ninh sinh sống.
Cuộc sống cơ cực đến nỗi Tú Anh, con trai duy nhất của chị, phải gửi về Thái Bình sống với bà ngoại. Rồi người chồng cũng phụ bạc, theo người đàn bà khác.
Chị tìm về Thái Bình với mẹ và con trai bé bỏng. Ngần ấy đau đớn với một người đàn bà ngỡ là quá đủ. Căn bệnh mới hành hạ chị với những ngón tay bị sưng lên nhức buốt không thể cử động được.
Từ quê chồng về với quê mẹ, không hộ khẩu, không giấy tờ, có bệnh cũng không biết khám chữa ở đâu, và cứ thế khi ngón tay sưng lên, nhức không chịu nổi, chị nung đỏ con dao sắt gí vào phần xương thịt bị lở loét kia rồi bôi bồ hóng vào để... sát trùng!
Từng ngón tay bị chính chị cắt cụt như vậy. Cả thôn, cả xã bảo chị bị hủi! Con trai bé bỏng cũng bị bạn bè ruồng lánh vì mẹ nó là một người hủi.
Xã cho dân quân đến bắt chị giải lên... bệnh viện phong. Ở đó, vị bác sĩ già khám cho chị nói rằng chị không phải bị hủi mà bị chứng viêm tắc động mạch ngoại vi dẫn đến hoại tử. Nhưng ai có thể hiểu được bệnh tình của chị. Chỉ nhìn vào bàn tay không còn ngón, lở loét của chị là người làng lánh xa, bảo chị là con hủi.
Chị mang con trai lên Nam Định cho con tránh tiếng là con của bà mẹ hủi. Ngày ngày, chị đặt Tú Anh vào đôi quang gánh, mang Tú Anh ra chợ để thế chấp với chủ hàng.
Chị bảo: “Cháu không có vốn, cháu để con trai cháu ngồi ở đây rồi lấy chịu hàng hóa rau dưa mang đi bán, bán xong cháu sẽ trả đủ tiền và chuộc con về”. Tội nghiệp Tú Anh, cứ ngày ngày được thế chấp như thế, ngồi ngoan ngoãn ở góc quán đợi mẹ bán xong về “chuộc” con.
Có chút vốn, không phải mang con đi thế chấp nữa, chị cho Tú Anh đi học. Và với chút vốn liếng dành dụm sau khi mang con rời khỏi quê để tránh tiếng hủi, chị về lại Thái Bình, mua được một khoảnh ao làm tấc đất cắm dùi.
Chị dựng túp lều tựa vào mấy bụi chuối ở góc ao. Nhưng cuộc sống cùng cực ấy khiến chị tuyệt vọng. Viết mấy chữ gửi lại cho mẹ: “Con chết rồi, mẹ gửi Tú Anh vào trại mồ côi”.
Chị ra sông Thái Hạc tự vẫn. Nhưng một ông lão làm nghề chài lưới trên sông đã cứu chị. Vớt chị lên, ông cho chị 1.000 đồng (thời giá bấy giờ tương đương 1 tạ gạo), bảo chị: “Sống mới khó, chết thì dễ”.
Thoát chết lần ấy, chị nghĩ rồi mình cũng sẽ chết vì bệnh tật. Nhưng trước khi chết, chị cố xây cho con một cái nhà. Vậy là từ đó ngày ngày sau giờ chạy chợ chị móc đất, gánh thêm đất ruộng về tấp vào góc ao. Đêm xuống chị tự mình đóng gạch.
Hàng vạn viên gạch cho ngôi nhà mơ ước ấy đã được kể trong phim Chuyện tử tế. Nhưng không chỉ có thế. Khi những viên gạch của ngôi nhà định xây cho con được hình thành thì khát vọng sống với chị càng mãnh liệt hơn.
“Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời...”
Cái ao nhỏ đó chị thả cá, làm chuồng nuôi lợn, bán cá bán lợn chị có tiền cất vàng, mua đất. Vốn đã học qua ngành tài chính, lại nhờ duyên may qua nhiều thương vụ buôn bán, không ai nghĩ người đàn bà hủi mang con thế chấp lấy từng mớ rau đi bán dạo ấy có ngày có trong tay mấy chục cây vàng.
Ngôi nhà hai tầng của chị cất lên vào đầu những năm 1990 khiến cả xã Hoàng Diệu, thị xã Thái Bình ngày ấy ngỡ ngàng. Tú Anh lúc này đã thi đậu vào trường ĐH Kinh tế quốc dân.
Năm thứ hai đại học, Tú Anh bị bệnh thiếu oxy não. Vậy là chị lại bỏ hết tất cả đưa con đi chạy chữa hết bệnh viện này đến bệnh viện khác. Dường như ông trời cũng muốn thử thách xem nghị lực của chị đến đâu nhưng với chị Hằng, nghị lực là không giới hạn.
Mấy năm trước, Tú Anh đã trưởng thành, lấy vợ sinh con, lập công ty. Chị Hằng quyết định dựng một ngôi biệt thự to nhất vùng, dường như ngầm ý của chị muốn có một dấu mốc để bù đắp cho những năm tháng đã sống trong tủi nhục đắng cay.
Trên vuông ao năm nào, ngôi biệt thự của hai mẹ con chị mọc lên, có hồ bơi, ao cá, cây cảnh sum vầy. Nhưng ngôi nhà cũ góc vườn được xây bằng những viên gạch chị từng thức thâu đêm trong rét buốt để đóng nay chị cũng vẫn giữ gìn nguyên vẹn để nhắc nhớ con mình.
Đưa tờ báo có bài viết về con trai, doanh nhân Nguyễn Tú Anh, giám đốc Công ty TNHH phòng chống mối - khử trùng Thái Bình, chị Hằng nói: "Hạnh phúc lớn nhất của chị không phải ở ngôi biệt thự to đẹp hay những bất động sản của chìm của nổi đang có, mà chính là sự trưởng thành của cậu bé Chiền năm nào.
Và vì đã trải qua những năm tháng tận cùng khổ cực, nên giờ đây chị Hằng dù sống trong biệt thự sang trọng, xe cộ đề huề thì chị vẫn giữ lại mấy sào ruộng để làm, vẫn băm bèo thái rau nuôi cá nuôi lợn". Và một điều nữa, khi ngồi cùng chị nhắc lại những thước phim trong Chuyện tử tế, chị hỏi: “Các em có nhớ câu nói mở đầu và kết thúc bộ phim không”.
Và vì thế từ nhiều năm nay, chị đã dành một phần lớn tài sản của mình để cưu mang những mảnh đời bất hạnh, những mảnh đời mà nhìn vào đó chị Hằng thấy lại hình ảnh ngày xưa của hai mẹ con mình.