Đời sống

Nỗi khổ của đứa trẻ mồ côi bỗng dưng được phong làm "thánh"

Từ ngày được phong làm “thánh”, cậu bé 9 tuổi này phải liên tục tiếp những đoàn người thập phương đến nhờ chữa bệnh. Suốt ngày phải làm đi làm lại thao tác xoa đầu, vuốt thân mà ngay chính bản thân em cũng không biết nó có công năng gì.

Vì mải “ban phước”, chuyện học hành ở lớp của em giảm sút trầm trọng. Ban giám hiệu nhà trường đã cảnh báo “thánh nhí”, nếu vẫn tiếp tục “chữa bệnh” chắc chắn năm học tới phải lưu ban.

Nỗi khổ của đứa trẻ mồ côi bỗng dưng được phong làm "thánh" 1
“Thần y” Quân hồn nhiên chữa bệnh cho mọi người.

Theo tìm hiểu, bé Phùng Minh Quân đã bị chính bố mẹ ruột mình nhẫn tâm bỏ rơi. Sau đó, Quân được vợ chồng ông Phùng Văn Độ (xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất) nhận về nuôi dưỡng. Cha mẹ nuôi của Quân là những người lao động nghèo vất vả, sinh kế luôn đè nặng trên đôi vai nhưng ông bà vẫn hết lòng chăm lo cho Quân.

Chính vì vậy, cậu bé Quân cũng trắng trẻo khôi ngô như bao đứa trẻ khác và được cha mẹ tạo điều kiện cho ăn học. Thế nhưng, khi Quân học đến lớp 4 thì được mọi người biết tới như một “thần y” được “thánh nhập” vào để cứu nhân độ thế. Tin đồn cậu bé có khả năng thần kỳ cứ ngày một được bay xa hơn, có những người từ tận miệt Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp khi nghe tiếng cũng lặn lội tới mong được “ban ơn”.

Khi được hỏi về cách chữa bệnh của bé Quân, chị Bích Liên (43 tuổi) một người sống trong ấp Ngô Quyền (xã Bàu Hàm 2) cho biết: “Chuyện thằng Quân trị được bệnh là hoàn toàn không đúng, tôi đã từng qua đó mấy lần nhưng căn bệnh hen suyễn không hề có dấu hiệu gì bớt cả. Chắc là vì nghèo quá vợ chồng họ (Chỉ ông bà Độ- PV) đã dựng lên chuyện này để chuộc lợi mà thôi”.

Cùng chung với ý kiến của chị Liên, chú Tư (57 tuổi, một người hàng xóm nhà ông Độ) còn khẳng định: “Tôi chứng kiến nó lớn lên từ khi ba mẹ nó xin về nuôi, hàng ngày nhìn thằng nhỏ lớn lên vui vẻ mình cũng thương. Trước đây nó hay qua nhà tôi chơi với mấy đứa trẻ, nhưng giờ nó làm thánh thần rồi thời gian đâu mà chơi. Nhìn nó phờ phạc sau mỗi ngày chữa bệnh làm tôi cũng thấy lo lắng cho tương lai của nó không biết đi về đâu”.

Chưa kể, từ ngày “hóa thánh”, việc học của Quân cũng tỷ lệ nghịch với đoàn người rồng rắn tìm đến để thăm bệnh. Cô Ngô Thị Chinh (Hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Bình Trọng, nơi Quân đang theo học) cho biết: “Từ khi bước vào lớp 4, Quân thường có những dấu hiệu bất thường. Em thường không tập trung, học lực xuống trầm trọng.

Sau đó, khi người dân đồn đại về việc Quân biết trị bệnh cứu người chúng tôi đã xuống tận nhà tìm hiểu. Thực chất, em không hề có khả năng trị bệnh gì cả, tất cả là những tin đồn nhảm, mê tín dị đoan. Có người dân còn báo với nhà trường, họ tận mắt chứng kiến cha mẹ Quân chở những đồ lễ người dân mang tới cúng bái mang ra chợ bán lấy tiền”.

Theo cô Chinh, nếu cứ tiếp diễn như vậy, nhiều khả năng Quân sẽ bị lưu ban trong năm học này. Nhà trường đã nhiều lần mời ông bà Độ đến trường để trao đổi về việc học của con, khuyên ông bà nên chấm dứt việc cho Quân chữa bệnh để chú tâm vào việc học. Cả hai ông bà đã viết cam kết không cho Quân làm công việc chữa bệnh nữa.

Khi được cô giáo chủ nhiệm hỏi, Quân cho biết, em không hề biết trị bệnh gì cả, em chỉ muốn đi học mà thôi. Nhưng ba mẹ lại nói em biết chữa bệnh cứu người. Nhiều hôm đi học về mệt mỏi em vẫn phải thức tới khuya để sờ đầu, sờ chân cho người khác”, cô Chinh buồn phiền cho biết thêm.

Nhìn hình ảnh cậu bé cứ liên tục chạy đi chạy lại, xoa đầu, vuốt…cho bệnh nhân khiến chúng tôi không khỏi xót xa. Nhìn đôi mắt thất thần, giọng nói thều thào không nên hơi, dường như “thần y nhí” đang quá mệt mỏi với công việc này. Vậy nhưng cậu bé hình như không có quyền quyết định.

Mỗi khi người bệnh tìm đến, người mẹ lại nói: “Thôi người ta tới rồi con cố giúp cho họ đi", lúc ấy Quân lại phải lê những bước chân mệt mỏi và ra “vuốt” như để cho xong việc. Không cần nghĩ xa, chỉ cần nhìn bằng mắt thường, việc xoa đầu, vuốt thân mà khỏi được bệnh đã ẩn chứa sự khôi hài. Có chăng, sự đồn thổi quá mức đang biến một đứa bé đỗi bình thường phải làm “thánh sống” mà thôi.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,321,559       485