Theo Bộ Y tế, đầu năm 2014 đã có khoảng hơn 500 ca mắc bệnh sởi, hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi, trong đó có nhiều ca tử vong. Làm thế nào để phòng chống bệnh sởi.
TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) đã chia sẻ về vấn đề này.
Thưa ông, Việt Nam đã từng đưa ra mục tiêu khống chế bệnh sởi, vì sao hiện tại bệnh lại bùng phát?
- Trước đây gần chục năm, Việt Nam đã đặt ra mục tiêu khống chế bệnh sởi chứ không phải thanh toán, loại trừ hoàn toàn như bại liệt hay uốn ván. Lý do là bệnh sởi lây qua đường hô hấp, nguy cơ lây nhiễm rất lớn trong cộng đồng. Hơn nữa, hầu hết những người chưa được tiêm ngừa hoặc khả năng miễn dịch với virus sởi kém đều mắc bệnh sởi. Tuy nhiên, người đã mắc sởi thì sẽ miễn dịch với bệnh sởi suốt đời.
Thời điểm này bệnh bùng phát bởi đang đúng chu kỳ dịch (từ 3-5 năm), trong khi đó hiện các bà mẹ đang “ngại” tai biến sau tiêm chủng nên bỏ một số mũi tiêm, trong đó có tiêm vaccine sởi, đặc biệt là tiêm mũi 2 nên khả năng miễn dịch của trẻ kém, trẻ dễ mắc bệnh.
Thực tế nhiều trẻ dưới 9 tháng tuổi - chưa đến tuổi tiêm phòng vaccine sởi lại mắc bệnh, Bộ Y tế có dự định hạ độ tuổi tiêm phòng vaccine sởi cho trẻ xuống dưới 9 tháng tuổi hay không?
- Lứa tuổi mắc bệnh chủ yếu là trẻ dưới 10 tuổi (75,9%), đặc biệt là trẻ nhỏ dưới 5 tuổi chiếm 60%. Riêng ở Hà Nội trẻ dưới 5 tuổi chiếm 86,7% tổng số trẻ mắc bệnh. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh là do chưa được tiêm vaccine sởi hoặc chưa nhận được đủ số mũi tiêm. Các tỉnh, thành phố có trên 30% số mắc chưa được tiêm vaccine, riêng Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh có trên 89% số mắc chưa được tiêm vaccine sởi.
Còn trẻ dưới 9 tháng tuổi bị mắc bệnh sởi là do mẹ chưa có miễn dịch sởi nên không thể truyền kháng thể sang cho con (cũng do mẹ chưa được tiêm đầy đủ vaccine sởi hoặc chưa mắc bệnh sởi). Cũng có một số trường hợp trẻ không đáp ứng được miễn dịch với bệnh sởi do cơ địa.
Trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay, trẻ sẽ được tiêm phòng sởi mũi 1 vào lúc 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại mũi 2 vào lúc 18 tháng tuổi. Đây là tuổi quy định của Tổ chức Y tế thế giới WHO. Theo các nghiên cứu, trẻ từ 9 tháng tuổi trở xuống có khả năng miễn dịch với sởi rất lớn, nếu tiêm ngừa thì khả năng tạo miễn dịch với bệnh sởi không cao. Do đó, chúng ta nên tuân thủ quy định của WHO.
Tuy nhiên, mũi 1 cũng chỉ đạt tỷ lệ miễn dịch là 80-85%, mũi 2 mới đạt 90-95%. Như vậy, cha mẹ phải chú ý để tiêm chủng đầy đủ các mũi tiêm phòng bệnh sởi nói riêng và các bệnh khác nói chung, để đạt được tỷ lệ miễn dịch cao nhất.
Kế hoạch tiêm vét vaccine sởi sẽ được tổ chức cụ thể như thế nào? Trẻ 5 tuổi chưa tiêm phòng sởi liệu có được tiêm miễn phí nữa không?
- Hiện nay, các tỉnh có thể tự “liệu cơm gắp mắm” theo tình hình bệnh tật của địa phương mình. Nếu tỉnh đã đạt tỷ lệ tiêm sởi cao thì có thể tổ chức tiêm vét cùng vào ngày tiêm chủng 24-25 hàng tháng. Tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp thì có thể tổ chức riêng một ngày. Trẻ em đã 5 tuổi chưa tiêm chủng thì vẫn được tiêm miễn phí.
Tuy nhiên, số đối tượng này cũng không nhiều vì thông thường, trẻ chưa được tiêm phòng sởi thì đã bị mắc từ lúc dưới 5 tuổi rồi. Quan trọng là các tỉnh cần bao phủ tiêm phòng sởi mũi 2 được tốt hơn.
Xin cảm ơn ông!
Nhiều ca tử vong và biến chứng do sởi
Ngày 12.2, thông tin từ Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, trong thời gian qua tại bệnh viện đã tiếp nhận 160 ca bệnh sởi, đã có 5 trường hợp tử vong do sởi và 20 ca biến chứng suy hô hấp phải thở máy tại bệnh viện. Các ca tử vong do biến chứng của sởi hầu hết là trẻ có thể trạng yếu: sinh non, suy dinh dưỡng, bị di chứng của bệnh não. Trong số các ca bệnh sởi, có nhiều trường hợp cả mẹ và con đều mắc bệnh và trẻ đã tiêm phòng sởi cũng mắc bệnh.