Thịt heo ôi hư bỏ tủ đông hàng tháng trời, nhưng nhờ được “tắm” hàn the nên khi rã đông nhìn vẫn tươi ngon.
Trưa 8-2, một phụ nữ phụ bán tại sạp thịt heo của bà Lý ở khu chợ tự phát thuộc ấp Xuân Thới Đông 1 (xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn, TP.HCM) nhúng các xâu thịt vào xô nước đã pha một chất bột màu trắng. Sau chưa đầy ba phút, toàn bộ số thịt này có màu đỏ tươi. Chúng tôi dùng giấy thử hàn the thử nghiệm thịt ngay sau khi mua ở sạp bà Lý cho thấy giấy có màu cam đỏ, tức trong thịt có chứa hàn the.
Một tháng cũng không hư
Trước đó trưa 15-1, chúng tôi cũng chứng kiến bà Lý và bà Thảo (ở sạp đối diện) đeo găng tay cao su và lần lượt nhúng các xâu thịt (khoảng 200kg) vào các xô nước đã được pha một loại bột màu trắng. Thịt heo ở hai sạp này chủ yếu được giết mổ từ các lò lậu, được chứa sẵn trong một tủ đông lớn, sau đó “tắm” hóa chất rồi đem bán.
Trưa 16-1, bà Lý mở tủ đông lấy từng bịch thịt có màu đỏ thẫm quăng xuống nền nhà, bà cầm miếng thịt đông lạnh lên giới thiệu với mối hàng: “Đồ của tui lấy về bao để một tháng luôn. Năm nào hai mươi mấy tết tụi tui cũng để 5-10 con heo trong tủ, ra giêng mới bán”. Còn bà Thảo góp lời: “Cứ lấy miếng thịt buổi chiều của em để đến hôm sau (ở nhiệt độ thường) cũng không hôi”. Khoảng hai năm nay, bà Thảo và bà Lý dùng hàn the để bảo quản thịt, thời điểm “tân trang” thịt heo thường vào buổi trưa mỗi ngày.
Qua mối quen giới thiệu, chúng tôi có mặt tại sạp bán thịt heo của bà Châu (khoảng 50 tuổi) trên đường Hoàng Minh Đạo (bên cạnh chợ Nhị Thiên Đường, P.5, Q.8). Bà Châu ngoài bán lẻ còn bỏ mối hàng trăm ký/ngày. Trong đó, có mối nhận hàng của bà về bán tại các quán cơm bình dân. Hỏi thịt rẻ nhất, bà Châu nói “luôn có hàng”, giá chỉ từ 50.000 đồng/kg. Bà Châu nói hàn the mua ở chợ Kim Biên có mùi khó ngửi, riêng hàn the của bà thì có mùi nồng nặc hơn, chỉ cần nhúng thịt vào chậu nước đã pha sẵn hàn the và muối. Bà này huỵch toẹt: “Không được xát hàn the lên mà chỉ có rửa mới ngon và đẹp thịt. Xát lên là hư thịt ngay”.
Theo bà Châu, bà đã dùng hàn the bảo quản thịt hơn ba năm nay. “Tui ướp được 3-4 năm, mới hôm qua tui mới lên lấy 8kg nè, sử dụng mấy ngày hết là lên lấy tiếp” - bà Châu nói. Nơi bà Châu mua hàn the là tiệm Xuyến, bán hóa chất tại khu vực chợ Kim Biên. Bà Xuyến giới thiệu có hai loại hàn the: hàng ngoại nhập và hàng Việt Nam, giá bán lẻ 25.000 đồng/kg. Bà Xuyến tiết lộ: “Về hòa với nước xong, lấy thịt nhúng vô là thịt đỏ tươi lại ngay. Có hai loại, muốn xài loại nào cũng được, giá đều như nhau”.
Còn người đàn ông bán hóa chất tại cửa hàng Lan Giám cho hay: “Ở đây chỉ bán hàn the công nghiệp của Mỹ, hàng trắng mịn giá 18.000 đồng/kg, còn hàng của Việt Nam là loại bảo quản thực phẩm nhưng không bày ra ngoài bán vì Nhà nước cấm bán, giá 22.000 đồng/kg”. Với hàng cây (loại đóng sẵn 10kg và 25kg) có giá rẻ hơn 1.000 đồng/kg. Theo ông này, hàn the của Việt Nam được nhiều người chuộng xài hơn hàng Mỹ.
Người bán không dám ăn
Chiều 16-1, tại sạp bán thịt gần Khu chế xuất Linh Trung 2 (P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức), bà Hiệp - khoảng 40 tuổi, một đầu mối chuyên thu mua heo chết, bệnh - nói: “Tôi có nhiều hàng là do ông xã ở nhà chuyên đi thu mua các đầu mối và các lò heo, trại heo ở Bình Dương, Đồng Nai”. Theo lời bà Hiệp, đa số các mối bán lẻ ở quanh cổng Khu chế xuất Linh Trung 2 và đối diện chợ Đồng An (Bình Dương) đều lấy hàng của bà.
Một ngày bình thường nhà bà tiêu thụ 300-400kg. “Có ngày tôi thu mua 13-14 con heo chết, mà hàng ra tới đâu các mối lấy hết tới đó” - bà Hiệp cho hay. Bà Hiệp kể: “Trước kia, hàng như vậy tôi cho mấy mối cơm công ty cho công nhân ăn có sao đâu, miễn là mình về làm sạch và đun qua lửa lên là hết mùi. Mà mua loại đó mới có lời chứ mua heo nóng (mới giết mổ) giá cao vậy sao chịu được”.
Chiều 20-1, vợ chồng bà Loan (quê Nghệ An) bày bán gần trăm ký thịt heo ở sạp trên đường Hoàng Minh Đạo (gần chợ Nhị Thiên Đường, Q.8). Cầm miếng thịt khoảng 5kg, bà Loan nói: “Muốn bảo quản được lâu phải lấy vải lau khô sau đó rắc hàn the lên rồi bỏ vào tủ đông, có thể để cả tháng cũng không sao, thịt bỏ ra vẫn tươi nguyên”. Nếu thịt có mùi hay màu da bị xanh, bà Loan bày cách phải lọc cắt bỏ sạch da rồi rửa bằng nước và nước muối, sau đó để thịt khô rồi rắc hàn the vào thì “không phải suy nghĩ gì nữa”. Bà Loan còn chỉ cách lên chợ Kim Biên mua hàn the: “Lên đó, phải hỏi lấy cả cây (loại 10kg và loại 20kg) mới rẻ, chứ mua lẻ thì giá mắc”.
Còn ông Quang bán thịt heo ở khu vực chợ Việt Lập (P.An Bình, thị xã Dĩ An, Bình Dương) cho biết người buôn bán sử dụng hàn the hoặc các chất bảo quản không rõ tên tuổi, nguồn gốc, người mua tinh ý thì thấy thịt ướp hóa chất có màu hồng bầm, dùng tay nhấn vào sẽ không thấy độ đàn hồi và độ hít. Thậm chí, đối với thịt “quá đát” khi dùng tay nhấn vào có khi thấy nước tươm ra do ướp hóa chất nhiều. “Loại hàn the đó độc lắm nên người ta cấm xài lâu rồi, ăn nhiều sẽ rước bệnh vào thân” - ông Quang nói. Trong khi đó, bà Thảo bán thịt bò ở Q.12 vừa mới giải nghệ cho biết mỗi ngày lấy khoảng 10kg thịt thì mối cho luôn chất bột màu trắng để tẩm ướp cho thịt có màu đỏ tươi và bảo quản được lâu hơn. “Loại thịt ướp rồi rất độc vì đã có hóa chất. Tôi đi bán vậy chứ không dám ăn” - bà Thảo nói.
PGS.TS Nguyễn Hữu Đức: Có thể gây ung thư Hàn the là một chất sát trùng yếu, được dùng trong y tế nhưng hiện ít được dùng vì có thuốc khác sát trùng tốt hơn. Do tính sát trùng nhẹ, hàn the khi dùng ướp thịt cá sẽ làm chậm quá trình phân hủy khiến thịt cá có vẻ tươi ngon lâu hơn. Đặc biệt, hàn the giúp các loại thực phẩm như bún, phở, bánh cuốn, giò chả và các loại thực phẩm khác dai, giòn và bảo quản được lâu hơn. Hàn the không có trong danh mục các chất phụ gia được Bộ Y tế cho phép dùng trong chế biến thực phẩm do tính độc hại của nó đã được xác định. Hàn the có thể tích lũy trong cơ thể, tùy liều lượng có thể gây nên những triệu chứng cấp tính và mãn tính, gây nôn mửa, đau bụng tiêu chảy; với da thì gây ban đỏ. Về thần kinh, hàn the gây kích thích dẫn đến trầm cảm, hoặc kích thích màng não. Với đường niệu - sinh dục, hàn the gây hư hại cho thận, nó có thể gây hại tinh hoàn ở nam giới và rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ. Về toàn thân, hàn the có thể gây ung thư. |