Đời sống

Dịch sởi quay lại Hà Nội, có nguy cơ lan nhanh

Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết dịch sởi đã quay trở lại, chủ yếu là do trẻ em bỏ tiêm vắc xin.

Theo thông báo của trung tâm Y tế dự phòng, sau 3 năm không có dịch, từ tháng 12/2013 đến nay, Hà Nội đã ghi nhận 40 trường hợp mắc bệnh sởi (tháng 12/2013 có 10 trường hợp; từ 1/1 đến 6/2/2014 có 30 trường hợp).

Trong tổng số 40 ca sởi đã được xét nghiệm khẳng định dương tính tại Hà Nội, có tới 40% các trường hợp mắc bệnh trước đó chưa được tiêm vắc xin phòng sởi, 12,5% trường hợp mắc bệnh trước đó đã được tiêm 1 mũi vắc xin sởi trước 1 tuổi; các trường hợp còn lại chủ yếu là người lớn không rõ tiền sử tiêm chủng.

Trong số này, chủ yếu là trẻ em dưới 5 tuổi (78%) trong đó trẻ em dưới 1 tuổi chiếm 57,5%; trường hợp nhỏ nhất là trẻ mới được 6 tháng tuổi, lớn nhất là 31 tuổi. Số bệnh nhân tập trung đông nhất là tại BV Xanh Pôn với 55 trường hợp, tiếp đến là bệnh viện Nhi TƯ 20 trường hợp, bệnh viện Nhiệt đới TƯ 7 trường hợp, Bạch Mai 2 trường hợp...

Bệnh nhân phân bố rải rác tại 36 phường của 9 quận. Cụ thể, Hai Bà Trưng (7), Thanh Xuân (6), Hoàng Mai (6), Đống Đa (6), Ba Đình (5), Long Biên (4), Hoàn Kiếm (3), Cầu Giấy (2), Hà Đông (1).

Dịch sởi quay lại Hà Nội, có nguy cơ lan nhanh 1
Bệnh sởi sẽ làm phát ban toàn thân sau 3-7 ngày quá trình tiến triển bệnh.

Theo Giám đốc trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội - Tiến sĩ Nguyễn Nhật Cảm, trong những tuần gần đây, thành phố tiếp tục ghi nhận nhiều trường hợp sốt phát ban nghi sởi. Sởi lây lan qua đường hô hấp nên nguy cơ tiếp tục lan rộng rất cao. TT sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác giám sát, điều tra lấy mẫu triệt để để kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống.

"40% bệnh nhi mắc sởi chưa tiêm phòng nên công tác tuyên truyền, vận động người dân chủ động cho con đi tiêm chủng phòng bệnh đầy đủ, đúng lịch là rất quan trọng", TS Nguyễn Nhật Cảm nói.

Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) lưu ý, hiện tại Hà Nội và Sơn La đã có 2 ca tử vong do sởi. Ngoài ra, nhiều ổ dịch sởi đã xuất hiện tại các địa phương Yên Bái, Lào Cai, Sơn La, phần lớn người mắc là trẻ dưới 15 tuổi.

Nguyên nhân do chất lượng tiêm và số lượng tiêm vắc xin phòng sởi chưa được bao phủ đầy đủ. Tất cả mọi người chưa mắc bệnh hoặc được gây miễn dịch chưa đầy đủ đều có nguy cơ bị nhiễm bệnh, vì thế, cách tốt nhất là tiêm vắc xin phòng sởi.

PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng Khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: bệnh sởi bắt đầu với các triệu chứng ban đầu như sốt nhẹ, sau đó sốt cao 39-40 độ mệt mỏi kèm viêm kết mạc, chảy nước mũi, ho. Ban đỏ xuất hiện từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh.

Vi rút sởi gây bệnh làm suy giảm miễn dịch khiến có nguy cơ xảy ra các biến chứng nặng như: viêm màng não, viêm phổi, viêm tai giữa, tiêu chảy.

Vì thế, khi thấy dấu hiệu sốt cao kèm theo phát ban (đỏ toàn thân), có triệu chứng viêm long (ho, hắt hơi, chảy mũi, mắt lèm kèm, hoặc mắt đỏ)… thì cần phải đến ngay cơ sở y tế khám và điều trị.

Đối với những trường hợp nhẹ, được hướng dẫn điều trị tại nhà, người bệnh vẫn cần tránh gió lạnh, nghỉ làm việc, ăn thức ăn mềm, cần hạn chế tiếp xúc và thường xuyên đeo khẩu trang.

aFamily

      © 2021 FAP
        3,869,529       681