Mới ngày mồng 2 Tết, hàng trăm người dân vẫn tấp nập dọn tài sản ra khỏi nhà.
Những vết nứt xé toác nền gạch và tường tại 3 – 4 căn nhà thuộc ấp An Ninh 2, xã An Lạc Thôn, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng, đã khiến hàng ngàn người dân vô cùng lo lắng, hoảng sợ trong buổi sáng ngày 1.2.2014, nhằm ngày mồng hai Tết Giáp Ngọ. Hàng chục hộ dân hiện đang cư ngụ dọc bờ sông Hậu thuộc xã An Lạc Thôn đã buộc phải di dời tài sản…
Theo tường thuật của các hộ dân, hiện tượng nứt đất dọc bờ sông được phát hiện tại nhà ông Minh (chủ tiệm tạp hóa Út Được) ở ấp An Ninh 2. Vết nứt chằng chịt tường nhà; đồng thời xé toạc đà nhà trên gác đúc bằng bê tông. Vết nứt khiến cột, tường đúc bê tông bị dồn, đội cả mái nhà lên…
Cách nhà ông Minh khoảng 3 căn, một hộ dân khác cũng phát hiện có dấu hiệu nứt nhà trên. Trong khi đó, một số người dân còn thấy bọt khí nổi thành hàng, dọc ven bờ sông trong nhiều giờ liền…
Ông Nguyễn Văn Mơ nói: “Kinh nghiệm chúng tôi thấy, những dấu hiệu trên báo trước nguy cơ sẽ dẫn tới sạt lở bờ sông. Mấy năm trước, cũng tại khu vực ấp An Ninh 2 này có 2 – 3 vụ nhà dân dọc theo bờ sông bị sạt lở, chìm trong đêm; may mắn, chưa vụ nào gây chết người”.
Một người khẳng định, “giờ nước ròng, chờ khuya, khoảng 2 – 3 giờ sáng, nước lên ngập 2- 3 thước, coi chừng 3 – 4 căn bị giựt sập ra sông”…
Trước tình hình trên, khoảng 10 giờ ngày 1.2, các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ bị lập úp xuống sông thông báo với chính quyền địa phương. UBND huyện Kế Sách và UBND xã An Lạc Thôn đã yêu cầu người dân thu dọn tài sản và tránh xa vùng bị sạt lở. Lập tức, thay vì vui chơi, chúc tết, hàng chục hộ dân ấp An Ninh 2 đã buộc phải huy động thêm người và phương tiện để vận chuyển đồ đạc ra khỏi nhà.
Tại khu vực chợ Cái Côn thuộc ấp An Ninh 2, hàng ngàn người dân dọn đồ đạc ra khỏi nhà, ngay trong ngày mồng 2 Tết Giáp Ngọ, với tâm trạng lo lắng, hoảng loạn.
Theo ông Trường Hoàng Khải – đại diện Công an huyện Kế Sách: “Cách đây khoảng 5 tháng, ở xã Nhơn Mỹ huyện Kế Sách, cũng xảy ra hiện tượng trên. Nhưng người dân chủ quan, không lo thu dọn tài sản, dẫn đến khi đất bờ sông sạt lở, gần chục căn nhà đổ ụp xuống lòng sông, mất sạch tài sản; may mắn, không thiệt hại về người. Vì vậy, để tránh vụ việc xảy ra như ở Nhơn Mỹ, chính quyền huyện Kế Sách buộc phải khuyến cáo người dân đề phòng trước, dù hôm nay là mồng 2 Tết”.
Ông Nguyễn Văn Hiền cho biết: “Ở khu vực này có tới hàng trăm hộ dân kinh doanh đã hàng chục năm nay. Dọc bờ sông có khoảng trên 60 hộ dân có nhà một nửa gá trên bờ, một nửa phải đóng cọc lấn bờ sông. Vì vậy, nguy cơ nhà dân sạt lở xuống sông đã từ lâu. Từ ngày đường Nam Sông Hậu mở ngang qua đây, cầu Cái Côn đã hoàn thành, Trung tâm thương mại đã được quy hoạch. Những hộ dân nguy cơ bị sạt lở đã có kế hoạch di dời, nhưng không hiểu sao, chờ mãi vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Chúng tôi mong mỏi từng ngày dự án Trung tâm thương mại sớm hoàn thành để người dân ở chợ Cái Côn thoát khỏi cảnh sống trong phập phồng, lo âu như hiện nay”.
Trong lúc đó, theo ông Trương Hoàng Khải, “muốn di dời dân, phải chuẩn bị khu tái định cư; tuy nhiên, khu tái định cư cho dân chưa chuẩn bị xong, nên các hộ dân vẫn phải chịu sống cảnh bấp bênh, lo lắng như hiện nay”…
Trước mắt chúng tôi, hàng trăm hộ dân đã tất bật dùng mọi phương tiện vận chuyển để di dời tài sản ra khỏi vùng nguy hiểm, trong sự giám sát, động viên của chính quyền và cơ quan chức năng ở địa phương. Do khu vực ấp An Ninh 2 là trung tâm kinh doanh – thương mại lâu đời (chợ Cái Côn), nên hầu hết các hộ dân đều dành phần lớn diện tích trong nhà để chứa hàng hóa; vì vậy, rất nhiều hàng hóa được vận chuyển, đến tận xế chiều (17 giờ), việc di dời tài sản của dân mới xong…
Suốt đêm mồng 2 tết, UBND xã An Lạc Thôn đã cắt cử 5 nhân viên dân phòng canh giữ hiện trường, đề phòng nước lên dẫn đến sạt lở nhà dân. Tuy nhiên, sự cố trên vẫn chưa xảy ra. Vì vậy, sang mồng 3 tết (2.2.2014), sinh hoạt của người dân đã trở lại bình thường, dù hàng chục hộ dân trong vùng nguy cơ nhà bị… hà bá ngoạm bất cứ lúc nào vẫn đứng ngồi không yên…
Khoảng 7 giờ sáng mồng 3 tết, đoàn cơ quan chức năng huyện Kế Sách đã xuống hiện trường lập biên bản vụ việc. Theo một thành viên trong đoàn, mấy ngày tới sẽ có chuyên gia địa chất xuống khảo sát và đưa ra kết luận cuối cùng về hiện tượng trên.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà – một trong những hộ dân có nhà nằm trong vùng nguy cơ bị sạt lở nói: “Chúng tôi rất lo lắng, không biết điều gì sắp tới sẽ xảy ra? Cứ nhìn mặt sông sủi bọt ùng ục mà lòng lo canh cánh. Tết này quả là một cái tết không bình yên với người dân An Lạc Thôn”. Trong khi nhiều nơi đang vui vẻ tận hưởng những ngày tết, thì với bà con ở chợ Cái Côn, xã An Lạc Thôn coi như… không có Tết.