Những chiếc bánh chưng chay và quà Tết được nhóm từ thiện mang đến đã phần nào giúp những cư dân của “xóm chạy thận” có một cái Tết ấm áp.
Ngay từ những ngày giáp Tết, nhóm thiện nguyện Hương Từ Tâm (miền Bắc) đã tự tay gói những chiếc bánh chưng chay và quyên góp tiền để mua quà Tết tặng “xóm chạy thận”.
Chị Vân, đại diện nhóm thiện nguyện chia sẻ, nhóm có 30 thành viên tích cực, thường đi làm từ thiện ở nhiều nơi. Tết này, nghĩ đến những người kém may mắn, sống lay lắt với bệnh tật ở “xóm chạy thận”, các chị cùng gia đình làm bánh chưng chay, quyên góp tiền để mua quà Tết tặng họ.
“Xóm chạy thận” ở con ngõ 93 và 121 phố Lê Thanh Nghị (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) có 116 người, hầu hết là bệnh nhân nghèo mắc bệnh suy thận từ các tỉnh xa như Ninh Bình, Sơn La, Yên Bái, có người ở tận miền Trung đổ về. Cư dân ở đây, theo cách họ nói đùa, đã “nhập hộ khẩu” ở các viện Bạch Mai, Bưu Điện, Hòe Nhai, Giao thông vận tải, người ít cũng một vài năm, người lâu nhất cũng hơn 20 năm.
Khi nhắc đến Tết, những bệnh nhân trong “xóm chạy thận” đều ngán ngẩm, chẳng ai mong có Tết cả. Mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, phải lọc máu liên tục 3 lần/tuần, có tháng lọc 13, 14 lần, cuộc sống của họ như đèn dầu trước gió, chưa biết sẽ tắt khi nào. Khái niệm Tết, từ lâu đã không còn tròn vẹn với họ.
Với nhiều người trong xóm, việc về quê ăn Tết là quá xa xỉ, phần vì nhà xa quá, đi đi về về hai lượt tốn kém, vượt quá khả năng chi trả của họ, phần vì về nhà đồng nghĩa với việc không được lọc máu, khả năng “đi” sẽ cao hơn. Căn bệnh quái ác này không cho phép họ rời xa bệnh viện quá 3 ngày. Những bệnh nhân ở các tỉnh lân cận Hà Nội thì chỉ tranh thủ về quê ăn Tết 1 ngày, hôm sau lại lên để lọc máu; ai ở xa thì ăn Tết ngay tại xóm trọ.
Chấm vội nước mắt, một bệnh nhân ngoài 60 tuổi, quê Quảng Ninh chia sẻ: “
Tết, ai cũng muốn về quê đoàn tụ với gia đình, nhưng từ khi bị căn bệnh này chưa có Tết nào tôi được hưởng niềm vui trọn vẹn cả. 6 năm nay tôi ở Hà Nội, có năm, hai đứa con cũng lên thăm, ở với tôi được vài hôm, còn lại toàn lang thang ăn Tết với mấy người hàng xóm. Tết này, 28 Tết tôi còn phải lọc máu, các con bảo đã gom đủ tiền để 29 Tết sẽ thuê taxi cho mẹ về rồi mùng 2 lại lên “chạy” máy tiếp, nhưng chưa biết có về được không. Sức tôi thì yếu, đi hơn 300 cây số, sợ không trụ được, nhỡ “đi” luôn ở nhà thì thương chúng nó...”
Chỉ dám đứng bên ngoài để xem nhóm từ thiện biểu diễn văn nghệ, chị Tiến, một bệnh nhân cũng có thâm niên 6 năm ăn Tết bệnh viện phân trần: "Mình bị viêm phổi cả tháng nay chưa khỏi, cứ ho suốt. Bị bệnh này, máu không tự thải chất độc ra được, người yếu lắm, dễ bị các bệnh cơ hội tấn công. Mình ốm đã đành rồi, phải tránh cho mọi người nữa".
Chị Tiến đang học dở đại học năm thứ hai thì phát bệnh. Cứ nghĩ chữa 1 năm là khỏi, chị đã bảo lưu kết quả, chờ ngày đi học tiếp, nhưng đến giờ, trường đã hủy bảo lưu, chị vẫn chưa khỏi ốm, cũng chẳng làm được nghề gì ngoài mấy việc lặt vặt để nuôi thân.
Chị Tiến (28 tuổi) đã chạy thận 6 năm không dám vào ngồi cùng mọi người vì sợ lây ốm cho họ.
Hai “vợ chồng” chị Ngô Diệp Yến (Bắc Ninh) và anh Ngô Văn San (Bắc Giang) Tết này cũng ở luôn Hà Nội. Cùng là bệnh nhân chạy thận, sống trong xóm 4 năm, cảm mến nhau, họ nương tựa vào nhau mà sống. Chị Yến sức khỏe yếu, từ vài năm nay không làm được gì ngoài việc lặt vặt, còn anh San vẫn nhúc nhắc làm mộc kiếm sống. Nhà không quá xa, nhưng anh chị không dám về ăn Tết vì lo đi lại, vận động nhiều sẽ dễ suy tim.
"Vợ chồng" chị Yến - anh San rất quấn quýt nhau.
Còn trẻ (mới ngoài 30), chị Yến có vẻ rất lạc quan. Thấy ánh mắt thương thương người đối diện nhìn mình, chị hồn nhiên bảo chúng tôi: “
Trông xanh xao thế thôi, chứ chị không chết sớm được đâu! Chị tính rồi, anh chị còn chống chọi với căn bệnh “nhà giàu” này ít nhất 30 năm nữa. Trong xóm có cô chạy thận hơn 20 năm vẫn còn sống đấy!”
Hồi hộp chờ đến lượt mình nhận quà.
Chị Yến lạc quan khi nói về bệnh tình của mình. Đón quà Tết vào tay, Tạ Thị Hiền (sinh năm 1989) cười rất tươi. Nhà Hiền ở tận Hà Tĩnh, nghe nói là nghèo lắm, cha mẹ chẳng có điều kiện chăm sóc, hỗ trợ tiền nên Hiền lay lắt sống một mình ở Hà Nội đã 6 – 7 năm. Em chạy việc lặt vặt, bán nước nuôi thân và kiếm tiền chữa bệnh. Mỗi năm, Hiền chỉ về quê 1 lần để thăm cha mẹ và đổi bảo hiểm đã hết hạn.
Tạ Thị Hiền vui vẻ nhận quà Tết.
Quà Tết chỉ giản dị là cân đường, chiếc bánh chưng chay, giò chay, dầu ăn, nước tương...
... mứt Tết và một chút tiền mặt, nhưng cũng đủ mang niềm vui đến cho những bệnh nhân hiểm nghèo. Với nhiều bệnh nhân ở “xóm chạy thận”, cái khó khăn, vất vả và nỗi đau bệnh tật thì chẳng cần phải bàn thêm, nhưng điều lạ là hầu hết họ đều lạc quan. Cái Tết dẫu không hoa đào, cây quất, không sung túc nhưng với họ vẫn đầy ý nghĩa, như lời một nữ bệnh nhân chia sẻ: “
Mỗi giây phút còn đang sống trên đời, với chúng tôi đều quý giá vô ngần, đó chính là Tết”.
Những món quà nhỏ trao tay...
... mang theo cả tấm lòng rộng mở, cả niềm vui sẻ chia với những người kém may mắn.
Mỗi giây phút còn đang sống trên đời, với họ, đó chính là Tết.