Đời sống

Người con trai “xót thương” khi mẹ sống dưới gầm cầu

“Chúng tôi phận làm con cũng thấy xót thương khi mẹ sống dưới đó lắm chứ, nhà tuy hẹp nhưng còn gác trên nữa mà bà có chịu về ở đâu”, anh Quang con trai bà Lụa nói.

“Chúng tôi chẳng biết làm sao cả”

Như chúng tôi đã thông tin ở bài trước về trường hợp của bà Nguyễn Thị Lụa (61 tuổi) hiện đang sống dưới gầm cầu Cót (Yên Hòa – Cầu Giấy – Hà Nội), bà Lụa cho rằng đã 3 cái Tết này bà phải đón Tết dưới gầm cầu…

Người con trai “xót thương” khi mẹ sống dưới gầm cầu 1
Bà Lụa cho rằng mình đã đón 3 cái Tết dưới gầm cầu, và cái Tết này nữa là 4.

Người con trai “xót thương” khi mẹ sống dưới gầm cầu 2
2 người con, có nhà cửa nhưng bà Lụa nhất định không chịu về nhà ở.

Rất nhiều người và ngay cả chúng tôi khi đi làm cũng tưởng chừng bà Lụa là người ngoại tỉnh, không nơi nương tựa, sống lang thang và phải trú ngụ dưới gầm cầu từ ngày này qua ngày khác. Nhưng, điều ngạc nhiên hơn cả là ngôi nhà của con trai bà Lụa chỉ cách gầm cầu chưa đầy 50 mét.

Người con trai “xót thương” khi mẹ sống dưới gầm cầu 3
"Gia tài" của bà Lụa.

Chứng kiến cảnh trên ai cũng thấy tò mò và khó hiểu. Người thì oán trách hai người con của bà Lụa, người thì lắc đầu ngán ngẩm cho rằng bà Lụa không bình thường?

Người con trai “xót thương” khi mẹ sống dưới gầm cầu 4
Bà Lụa đang bước về ngôi nhà của mình.

Theo bà Lụa vào số nhà 287 Nguyễn Khang đập vào mắt chúng tôi là sự xập xệ, tối tăm và chất đầy những túi nilon, bìa giấy, củi gỗ…

Vừa đi bà Lụa vừa nói: “Đây là nhà của con tôi, nhà bé và chật lắm chỉ có 9 mét vuông thôi. Bây giờ tôi chỉ về đây dọn dẹp, thu dọn rồi lại ra gầm cầu ngồi tiếp. Tết nhất rồi mình cũng phải dọn dẹp cho sạch sẽ chút”.

Gặp người con trai bà Lụa tên Quang đang ngồi với vợ khá trẻ trong căn phòng chật hẹp, khi trò chuyện anh Quang cũng tỏ ra ngán ngẩm và đau đầu trước hành động của chính mẹ mình.

Người con trai “xót thương” khi mẹ sống dưới gầm cầu 5
Cuộc sống của bà Lụa cứ lặng lẽ trôi đi...

“Chúng tôi phận làm con cũng đau đầu lắm, bao nhiêu lần ngăn cản bà ra đó ở nhưng bà có về đâu. Bà nói là nhà chật nhưng tôi đã thiết kế thêm cái gác trên nhưng không chịu”, anh Quang nói.

Còn chị con dâu của bà Lụa phân trần: “Phận làm con mà để mẹ đi ở ngoài đó chúng tôi cũng xót và thấy bức xúc vô cùng, nhất là hàng xóm, người dân nhìn vào nữa. Người hiểu thì còn thông cảm chứ người không hiểu người ta chửi vào mặt chúng tôi”.

Chính quyền can thiệp nhưng không được?

Chiều 24 Tết, sau khi rời “căn nhà” của bà Lụa chúng tôi đã có buổi làm việc với chính quyền phường Yên Hòa (Cầu Giấy – HN) về vụ việc trên.

Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Hải Yến (Phó chủ tịch phường Yên Hòa) xác nhận có trường hợp như chúng tôi đã thông tin.

Tuy nhiên theo bà Trần Hải Yến thì bà Lụa chỉ ở dưới gầm cầu mới 3 tháng nay chứ không phải 3 năm.

Người con trai “xót thương” khi mẹ sống dưới gầm cầu 6
Biên bản làm việc giữa các cơ quan chức năng phường Yên Hòa và gia đình bà Lụa.

Theo đó, ngày 25/12/2013 phía Phường Yên Hòa đã có buổi làm việc với bà Lụa và anh Quang. Trong biên bản có ý kiến của anh Quang như sau: “Gia đình không để bà đi ra ngoài đó (gầm cầu – PV) nhưng bà cứ tự đi ra ngoài đó ngủ. Bản thân tôi cũng muốn bà về nhà ở hoặc vào một trung tâm dưỡng lão nhưng bà không đồng ý”.

Ông Lê Văn Toàn (Phó trưởng C.A phường) có ý kiến: “Yêu cầu gia đình thu xếp, vận động bà về nhà. Trường hợp không thực hiện sẽ đưa đi trung tâm thu gom người lang thang của thành phố”.

Người con trai “xót thương” khi mẹ sống dưới gầm cầu 7
Trong khi đợi các cơ quan chức năng và gia đình tìm phương án thì Tết này bà Lụa lại đón giao thừa dưới gầm cầu.

Cũng trong cuộc họp bà Lụa phân trần: “Tôi không phải là người lang thang, mặc đủ ấm, ngủ có màn, không cần ai quan tâm”.

Trong chiều ngày 24 Tết (tức sau 1 tháng kể từ khi phía phường Yên Hòa) lập biên bản thì bà Lụa vẫn ở dưới gầm cầu Cót.

Nói về phương án giải quyết thời gian tới thì bà Hải Yến cho biết: “Chúng tôi sẽ phối hợp với Công an để vào cuộc một cách quyết liệt chứ không thể để bà Lụa sống ở đó được trong khi nhà cửa có”.

Khi chúng tôi xuất bản bài báo này thì Tết đã đến, hàng triệu người đã đoàn tụ, sum vầy với gia đình trong bữa cơm tất niên ngày cuối năm. Còn với bà Lụa thì chắc hẳn vẫn thui thủi một mình với gầm cầu với sông Tô Lịch “huyền thoại” trong sự cô đơn, quạnh quẽo của tuổi già… 

aFamily

      © 2021 FAP
        4,152,464       286