Đời sống

Thú vị những nghề chỉ xuất hiện trong ngày Tết ở Đà Nẵng

Tết đối với nhiều người là một mùa để mưu sinh, kiếm đồng ra đồng vào để trang trải cho cuộc sống. Những ngày này, tại Đà Nẵng xuất hiện nhiều nghề mà ngày thường rất ít khi bắt gặp nhưng lại rất "ăn khách" vào dịp cuối năm.

Chạy dọc các con đường Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Trần Bình Trọng... ở Đà Nẵng những ngày này người ta dễ dàng bắt gặp những xe kéo chở đầy cát lư hương phục vụ người dân trong ngày Tết.

Với giá 5 ngàn đồng/1 lon cát, đây là kế sinh nhai của nhiều người vào những ngày cuối năm. Cát có màu trắng và sạch, không pha tạp chất nên rất dễ thu hút người mua. Thường thì cát lư hương được lấy từ các huyện của Quảng Nam như Thăng Bình, Duy Xuyên… vì cát ở đây trắng, không bị ô nhiễm.

Thú vị những nghề chỉ xuất hiện trong ngày Tết ở Đà Nẵng 1
Tấm bảng chào hàng cát lư hương.

Ông Nguyễn Trung Tấn (1967, quê ở Thăng Bình, Quảng Nam) cho biết: “Cát trắng được lấy từ trên đồi nên sạch lắm. Sau khi lấy về phải qua công đoạn sàng, loại bỏ rác, phơi khô rồi thuê xe kéo ra đây để bán. Trừ chi phí hết ngày cũng kiếm được vài trăm ngàn".

Thú vị những nghề chỉ xuất hiện trong ngày Tết ở Đà Nẵng 2
Cát lư hương được bày bán trông rất mịn, trắng và hợp vệ sinh.

Việc mua cát lư hương diễn ra rất nhanh chóng vì cát được định giá sẵn. Bán theo lon hoặc bao đã được định lượng, bao nhỏ thì 10 ngàn, bao lớn thì 20 ngàn. Nhiều người kinh doanh ế ẩm nên phải chuyển qua nghề bán cát lư hương để kiếm thêm thu nhập.

Chị Võ Thi An (1980), kinh doanh băng đĩa trên đường Trưng Nữ Vương tâm sự: “Năm nay băng đĩa ế ẩm quá tôi phải chuyển sang bán cát lư hương. Mặt hàng này bán rất chạy vì cuối năm thì ai cũng trang trí bàn thờ tổ tiên. Nên nhu cầu mua cát lư hương rất lớn. Nghề này trở thành miếng cơm manh áo của nhiều người trong ngày cận Tết”.

Thú vị những nghề chỉ xuất hiện trong ngày Tết ở Đà Nẵng 3
Những xe kéo chở cát lư hương rong ruổi các tuyến phố Đà Nẵng. Cát được cho vào bao, sẵn sàng phục vụ khách.

Tại các khu nghĩa địa của huyện Hòa Vang Đà Nẵng, nghề quét vôi, chạm trổ và làm mới cho những ngôi mộ cũng vào vụ. Thường thì cuối năm là dịp để người thăm mộ đi dọn dẹp phần mộ của người thân. Việc tu bổ mồ mả trong những ngày này khá phổ biến, rất nhiều nơi bị tình trạng thiếu thợ.

Anh Phan Phước Hậu ( Hòa Sơn, Hòa Vang) cho biết:“Cận tết thì họ kêu đi quét vôi mộ nhiều hơn ngày thường. Mỗi mộ thì được khoảng vài ba trăm, đủ để lo cho bọn trẻ cái Tết. Tranh thủ làm thêm lúc nghỉ trưa để chạy mối khác. Chứ ngày thường cũng chẳng có ai kêu để mà chạy”.

Thú vị những nghề chỉ xuất hiện trong ngày Tết ở Đà Nẵng 4
Nghề đánh bóng lư đồng mọc lên như nấm vào dịp cận Tết.

Những ngày này, dịch vụ lau chùi nhà cửa cũng thịnh hành và trở thành kế mưu sinh của nhiều người, đặc biệt là phụ nữ. Mỗi ngày họ có thể kiếm được vài trăm ngàn từ công việc này, thế nhưng đằng sau đồng tiền ấy là cả những niềm vui và nỗi buồn của những người lao động.

Chị Lưu Thị Trà (Phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) với thâm niên gần 10 năm dọn nhà thuê vào dịp tết giải bày: “Có tiền thì cũng mừng đó, thế nhưng, lúc dọn lỡ tay làm bể hoặc để đồ dùng không đúng chỗ cũ là khách cằn nhằn dữ lắm, những vị khách khó tính còn bắt đền nữa. Mới năm ngoái dọn nhà cho chị Hương, không cẩn thận, tôi làm bể chậu hoa nên phải tự bỏ tiền túi ra để đền lại, cái Tết đó buồn hiu luôn, tội nghiệp cho mấy đứa nhỏ không có đồ mới”, chị bồi hồi nhớ lại.

Thú vị những nghề chỉ xuất hiện trong ngày Tết ở Đà Nẵng 5
Hàng ngày người thợ phải tiếp xúc với máy mài độc hại và nguy hiểm.

Thú vị những nghề chỉ xuất hiện trong ngày Tết ở Đà Nẵng 6
Những bộ lư đồng được mài bóng loáng.


Đánh bóng lư đồng cũng là nghề có thu nhập cao và đắt khách nhất vào ngày Tết. Những ngày cuối năm, ai cũng muốn làm mới và trang trí bàn thờ của ông bà, tổ tiên nên đánh bóng lư đồng là việc không thể thiếu. Cái nghề này độc hại hơn so với nghề khác vì người thợ  phải tiếp xúc với máy mài lư đồng cả ngày. Không cẩn thận thì bụi đồng khi mài bay vào mắt rất nguy hiểm. Vì thế lúc nào người thợ cũng phải đeo khẩu trang, bao tay và kính bảo vệ để tránh trường hợp đáng tiếc xảy ra.

Mặc khác, bụi bặm và mùi hôi khi mài cũng ảnh hưởng đến sức khỏe của những người làm nghề này. Dù vất vả, nhưng nếu đắt khách thì nghề mài lư đồng cũng kiếm được số tiền kha khá. Mỗi bộ lư nhỏ công mài là 150 ngàn, bộ lớn thì 250 ngàn trở lên.

Gần 20 năm rồi, cứ mỗi dịp Tết đến, xuân về cụ Lê Văn Cân (75 tuổi) lại mang máy mài ngồi tại vệ đường Tôn Đức Thắng chờ khách. Ông Cân bộc bạch: “Ngày thường thì tôi làm cơ khí, những ngày Tết thì mang máy mài ra để mài bóng lư đồng kiếm thêm đồng bạc tiêu Tết. Ngày thường thì không ai mài lư nhưng Tết thì họ đặt hàng dữ lắm. Có khi tôi phải làm cả ban đêm mới kịp cho khách. Bình quân mỗi ngày cũng kiếm được vài trăm, vào mùa nên phải tranh thủ mấy ngày cuối năm để có Tết sung túc hơn, chứ già rồi biết làm gì ra tiền đâu”, cụ chia sẻ.

Không khí Tết đang len lỏi khắp con đường, ngõ phố và ngay cả trên khuôn mặt, nụ cười rạng rỡ của những đứa trẻ. Thế nhưng, những người dân nghèo vẫn lầm lũi mưu sinh cho dù cái Tết nguyên đán đang đến rất gần. Đối với họ, Tết chỉ về khi có được thu nhập kha khá từ những nỗ lực trong lao động.
aFamily

      © 2021 FAP
        4,245,657       325