Bến Tre có loại bánh tét chữ mà không phải ai từng sống với nghề gói bánh tét, bánh chưng lâu năm cũng có thể làm được. Bánh tét chữ này được bà Hai Hải sáng tạo và phát triển trong gần hai mươi năm nay.
Nổi tiếng nhờ giúp người khác “rinh” giải
Năm 2009, Lễ hội Ẩm thực thuộc khuôn khổ Lễ Hội Dừa Bến Tre lần thứ I tổ chức tại nhà hàng Hàm Luông có sự xuất hiện bất ngờ của những khoanh
bánh tét nhân chữ, mà khi ghép lại với nhau người ta thấy rằng đó là dòng chữ “
Bến Tre Đồng Khởi 17-1”.
Với hình thức đẹp lạ, đúng với kỉ niệm 49 năm ngày Bến Tre đồng khởi, món ăn này đã đoạt giải nhất. Nhưng khi hỏi những cô gái đoạt giải năm đó về bí quyết, thì các cô lắc đầu nguầy nguậy: “
Chúng tôi nhờ một người dì làm giúp. Có lẽ phần thưởng này nên dành cho dì ấy”.
Theo lời kể, mọi người tìm đến nhà bà Hai Hải thì được biết bà đã làm bánh tét chữ khá lâu nhưng chưa phổ biến nên không ai đặt hàng và món ăn độc đáo này sắp đi vào quên lãng. Bà một mực không nhận tiền thưởng: “Dì làm bánh không phải vì tiền mà vì yêu nghề, yêu sự sáng tạo trong cái nghề của mình, mọi người đã biết đến bánh tét chữ thì đó là một giải thưởng cho dì rồi, không cần tiền bạc làm gì cả!”.
Bà Hai Hải và mâm bánh tét chữ đoạt giải năm 2009.
Từ nhỏ, bà Hai Hải đã theo mẹ gói bánh tét, làm bánh ít đem ra chợ bán. Bà xem đó là cái nghề suốt đời của mình nên không ngừng sáng tạo và đổi mới nó. Bà nghĩ đến một loại bánh tét có thể lồng thông điệp vào đó để gửi gắm cho người thân, và quyết định đổi mới cách làm bánh thông thường bằng việc sáng tạo ra bánh tét chữ.
Sau lần đoạt giải năm ấy, bà dường như nổi tiếng khắp Bến Tre nhờ tài làm bánh tét chữ mà ít ai có thể sao chép được. Cứ dịp Tết đến là bà tất bật làm bánh để gửi về Vũng Tàu, Đồng Tháp, Cần Thơ… theo đơn đặt hàng.
Hiện nay bánh tét chữ phát triển thành bánh có nhiều màu và hình dạng khác nhau.
Và cũng có nhiều doanh nghiệp, cơ sở làm hơn trước.
Hành trình ra đời của bánh tét chữ
Nằm trong một ấp nhỏ của xã Mỹ Thạnh An, thành phố Bến Tre, nhà bà Hai Hải đơn sơ mộc mạc với hương nếp thơm thoang thoảng. Khi chúng tôi đến, bà và gia đình niềm nở đón tiếp. Chúng tôi đã có cơ hội xem qua công đoạn làm bánh tét chữ độc quyền này.
Trong lúc bà xếp lá chuối và chuẩn bị nhân đậu xanh để khắc chữ, thì chồng bà xay lá dứa, nấu lá cẩm lấy nước để làm màu trộn với nếp. Màu làm từ những nguyên liệu tự nhiên như thế còn giúp nếp có mùi thơm. Khi nếp được xào cùng nước cốt dừa, chúng tôi nghe hương nếp hòa cùng hương dứa, hương lá cẩm bốc lên thơm phức trong cái khói nghi ngút của bếp lò xưa.
Ông Hai đang xay lá dứa để làm màu xanh cho nếp
Lá cẩm giúp nếp có mày tím, lá dứa giúp nếp có màu xanh . Lần lượt từng nồi nếp sẽ được xào với nước cốt dừa.
Khi đã cắt đầy đủ các chữ và xào xong nếp màu, bà bắt đầu công đoạn đưa chữ vào nếp. Nếu không khéo, người gói có thể khiến chữ (tức nhân bánh) bị vỡ ra hoặc lớp nếp bên ngoài sẽ “ăn mất” con chữ bên trong. Sau khi đưa chữ vào thì bà bắt đầu gói bánh. Vì bánh tét có nhân chữ nên hơi “quá khổ” so với bánh tét thường. Sau khi gói xong, bánh cần được nấu chín trong khoảng từ 4 đến 5 tiếng.
Bà Hải cặm cụi khắc chữ mà không cần khuôn đúc nào cả
Sau đó trộn nếp vào bánh và gói lại bằng lá chuối
Muốn có được những khoanh bánh tét có hình chữ cái để sắp xếp thành câu từ có nghĩa, người dùng còn phải biết cách cắt bánh nữa. Bạn nên dùng dao dài và bén, sau mỗi lần cắt bạn phải nhúng dao vào nước và lau sạch mặt dao để bắt đầu lần cắt thứ hai. Nếu để dao quá dính sau lần cắt đầu thì đến lần sau, nhân bánh sẽ dính vào dao và chữ sẽ bị “biến dạng” ngay.
Những khoanh bánh thành phẩm.
Ngày gần Tết, hầu như gia đình bà đều phải thức đến gần sáng để kịp các đơn đặt hàng gói bánh, cắt chữ, gửi bánh cho khách ở xa. Nhưng với bà Hải, đây là cái nghề mà bà tâm đắc khi góp phần mang khí xuân đến mọi nhà.