Ngày 22/1, không khí lạnh từ miền Bắc khuếch tán về Nam bộ làm nhiệt độ tại nhiều nơi giảm so với trước. Người dân Nam bộ trải qua những ngày se lạnh hiếm thấy.
Cụ thể, nhiệt độ trong ngày 22-1 tại Long Khánh (Đồng Nai) là 16,4 độ C, Đồng Phú, Phước Long (Bình Phước) 16,5-17,5 độ C. Miền Tây Nam bộ nhiều nơi nhiệt độ giảm dưới 20 độ C như Mộc Hóa (Long An) 18 độ C, Cao Lãnh (Đồng Tháp) 17,7 độ C. Tại TP.HCM, nhiệt độ trung bình 18-19oC. “Đợt lạnh này đã là lần thứ tư xảy ra liên tục trong vòng hai tháng qua và là điều đặc biệt hiếm thấy trong nhiều năm qua” - thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nguyên phó phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, nhận định.
“Thời tiết này thích quá”
Thời tiết lạnh kéo dài gần một tháng qua là chuyện “xưa nay hiếm” ở TP.HCM. Trong thời tiết se lạnh, không khí đón Tết âm lịch của người dân Sài Gòn khác hẳn với mọi năm. Trong khi đó, thị trường áo ấm, khăn choàng giữ ấm cũng bắt đầu sôi động.
Cái lạnh ở Sài Gòn khiến những người quê miền Trung và miền Bắc cứ ngỡ đang đón xuân ở quê nhà. Ông Hà, 34 tuổi, quê Quảng Ngãi, cho biết: “Tết này không có tiền nên không về quê ăn tết được. Mấy ngày qua thời tiết se lạnh không khác gì ở quê vào mỗi độ xuân về. Điều này khiến mình nhớ quê quá!”.
Chiều 22-1, chúng tôi gặp nhiều đôi trai gái tay trong tay mua sắm áo quần tết ở khắp các con đường trong thành phố. “Theo như mọi năm thì tết ở Sài Gòn nóng lắm. Vì thế mình có thói quen mua áo sơmi, quần jean. Tuy nhiên dự báo năm nay thời tiết lạnh kéo dài đến tết nên mình và bạn gái phải đi mua thêm áo ấm, khăn choàng. Thời tiết mùa xuân vậy thích quá” - anh Tiến (ngụ Q.3) cười nói.
Nhiều cửa hàng bán áo quần cho biết mùa tết năm nay sức mua không khá hơn năm ngoái. Tuy nhiên, những ngày qua các cửa hàng phải nhập thêm các mẫu áo khoác, áo ấm mỏng để bán. “Nhu cầu mua mặt hàng này những ngày qua tăng lên. Do thời tiết không quá lạnh nên những chiếc áo khoác, áo len mỏng được khách hàng lựa chọn” - bà Minh Hà, chủ một cửa hàng bán áo quần trên đường Phan Đình Phùng (Q.Phú Nhuận), nói.
Trẻ mắc bệnh hô hấp
Không khí se lạnh làm cho nhiều người lớn có cảm giác thích thú, nhưng lại là “kẻ thù” của trẻ nhỏ. Theo bác sĩ Trương Công Đầy - trưởng khoa nhi Bệnh viện Đa khoa trung tâm Tiền Giang, thời tiết chuyển lạnh đột ngột làm cho trẻ mắc các bệnh về hô hấp gia tăng. Có khoảng 50% trẻ nhập viện mỗi ngày do bệnh về hô hấp như: viêm mũi, viêm họng, viêm phế quản... Riêng số trẻ đến khám tại các phòng mạch tư tăng đột biến vì phụ huynh không muốn cho con em mình nhập viện trong những ngày giáp tết hoặc do bệnh nhẹ có thể điều trị ngoại trú. Không chỉ vậy, số người lớn đến bệnh viện khám do bị bệnh hô hấp vì trời lạnh cũng tăng.
Bác sĩ Trần Thị Thu Loan, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 2 (TP.HCM), cho biết tuy thời tiết của TP.HCM lạnh kéo dài nhưng số trẻ nhập viện liên quan đến các bệnh hô hấp không tăng. Bác sĩ Loan giải thích: “Mùa cao điểm về các bệnh hô hấp ở TP.HCM là khoảng tháng 8, 9 và 10. Theo quy luật hằng năm, vào thời điểm này số ca bệnh hô hấp sẽ giảm mạnh. Tuy nhiên do thời tiết lạnh kéo dài nên tỉ lệ giảm thấp hơn so với cùng thời điểm năm ngoái”.
Bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), khuyến cáo phụ huynh không nên chủ quan. “Trời trở lạnh là môi trường có các loại virút bệnh hô hấp phát triển và lây lan nhanh. Vì vậy, nếu thời tiết này còn kéo dài thì số trẻ mắc bệnh hô hấp sẽ có xu hướng tăng nhẹ” - bác sĩ Tuấn cho biết. Quan trọng vẫn là vấn đề giữ ấm cho trẻ đúng mức. Đặc biệt kiểu thời tiết ở thành phố những ngày qua sáng, chiều tối lạnh, trưa lại nóng nên phải tránh cho trẻ bị sốc khi nhiệt độ thay đổi đột ngột. “Đối với các bé dưới 12 tháng tuổi khả năng chịu lạnh kém, ba mẹ phải giữ ấm thật kỹ như quàng thêm khăn, mang vớ, bao tay...” - bác sĩ Tuấn nói.
Người trồng mai đứng ngồi không yên
Liên tục nhiều ngày qua nhiệt độ tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đột ngột xuống thấp bất thường so với các năm trước.
Nhiệt độ lạnh quá khiến người trồng mai vàng phục vụ Tết Giáp Ngọ đứng ngồi không yên. Ông Bùi Thanh Liêm, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre), cho biết nhiệt độ chỉ 18OC, ban đêm còn thấp hơn đã khiến mai không nở được. “Mặc dù năm nay ngành nông nghiệp có khuyến cáo người trồng mai tước lá sớm thay vì tới rằm tháng chạp mới tước. Tuy nhiên, với thời tiết lạnh thế này thì cho dù tước lá sớm cũng không hiệu quả. Lẽ ra vào ngày 22 tháng chạp nụ hoa đã no tròn, bắt đầu bung vỏ trấu thì hiện nay búp còn nhỏ xíu. Chắc chắn hoa mai sẽ nở trễ chứ không thể kịp tết được” - ông Liêm nói.
Vụ hoa tết năm nay nông dân ở làng hoa Cái Mơn, huyện Chợ Lách trồng khoảng 1,6 triệu sản phẩm hoa mai, hiện đã bán được khoảng 40% cho thương lái, số còn lại sẽ rất khó bán do hoa không nở kịp. Ông Liêm cho rằng các biện pháp xông đèn ban đêm cho ấm hay tưới nước ấm cũng không giúp hoa mai nở đúng tết được. Điều này sẽ khiến người trồng mai tết thất thu.
Riêng ở huyện Tân Phú (Đồng Nai), các đợt không khí lạnh đã gây lo ngại cho người trồng điều. Trưởng phòng nông nghiệp huyện - ông Phạm Ngọc Hưng - giải thích: “Thời điểm này cây điều đang ra hoa đã gặp lạnh. Nếu từ nay qua Tết âm lịch xuất hiện sương muối và mưa rào thì người trồng điều ở các xã Phú Trung, Phú Sơn, Phú An sẽ bị thiệt hại nặng”.
Nhiều bạn trẻ ở Sài Gòn lần đầu tiên dùng khăn len choàng cổ.
Hiếm thấy trong nhiều năm liền
Bà Lê Thị Xuân Lan cho biết thời điểm Nam bộ lạnh nhất những năm gần đây là vào năm 1993. Nhiệt độ thấp nhất những ngày qua được ghi nhận tại Nam bộ là ở Long Khánh (Đồng Nai) ngày 19-1: 14,3oC (trong khi năm 1993 là 12,1oC), TP.HCM lạnh 18oC các ngày 21-1-2014, 29-12-2013 trong khi năm 1999 là 16,4oC. Tại Cao Lãnh (Đồng Tháp), nhiệt độ thấp nhất được ghi nhận là 15,8oC năm 1993, còn nhiệt độ ngày 21-1 là 17,7oC.
Tuy vậy theo bà Lan, điều đặc biệt trong mùa khô năm nay là nền nhiệt độ thấp liên tục duy trì, nắng cũng ít hơn tạo cảm giác lạnh kéo dài trong vòng hai tháng qua. “Đây là điều hiếm thấy trong nhiều năm liền” - bà Lan nói. Nguyên nhân, theo bà Lan, vẫn là do tác động liên tục của không khí lạnh tăng cường về từ phía bắc. Khi thời tiết chưa kịp nóng lên thì không khí lạnh lại bổ sung về, cứ vậy nền nhiệt độ chung luôn ở mức thấp.