Để làm rõ nguyên nhân tử vong sau tiêm văcxin Quinvaxem của bé T.L.N. (80 ngày tuổi), hội đồng giám định y khoa sáng 16-1 đã có một số kết quả ban đầu.
Chiều cùng ngày, thi thể bé T.L.N. đã được gia đình đưa đi an táng. Nhiều người thân, bạn bè không cầm được nước mắt khi chứng kiến cảnh đôi vợ chồng trẻ Trần Anh Nhật Minh và Lê Thị Ngọc Loan phải tiễn đứa con đầu lòng còn đỏ hỏn của mình.
Bên quan tài con, chị Loan lúc tỉnh lúc mê, nhiều lúc thảng thốt gọi tên con. Bà Lê Thị Nga, mẹ chị Loan, đau buồn kể: “Chồng nó đang tính đợi vợ hết ở cữ thì đưa đi chụp hình lưu niệm cho cháu, chưa kịp chụp thì thằng nhỏ mất rồi, không có di ảnh nên gia đình phải nén nỗi đau giở khăn che mặt cháu mà chụp một tấm để thờ”. Nhìn tấm ảnh thờ chụp lúc bé T.L.N. mới mất, mắt nhắm nghiền như say ngủ, người mẹ ôm ngực khóc.
Chị Loan kể bé T.L.N. lớn rất nhanh khiến ai cũng mừng, trước ngày đưa đi tiêm văcxin cháu ăn ngon, ngủ ngon, không khóc quấy. Ôm quan tài con, nước mắt chị chảy dài: “Có ngờ đâu sau khi tiêm thuốc xong thì tôi mất con”. Lấy lại bình tĩnh, chồng chị Loan nói lời cảm tạ với người thân, họ hàng: “Chuyện qua rồi nhưng mong sao cái chết của con tôi phải được làm rõ. Đừng để thêm trẻ vắn số như con tôi. Đột ngột, tức tưởi”.
Chuyển biến xấu nhanh
Sáng 14-1, gia đình đưa bé T.L.N. đến Trạm y tế P.7 (Đà Lạt) tiêm văcxin Quinvaxem. Sau khi về, bé có biểu hiện khóc quấy, càng lúc càng nhiều. Khoảng 16g cùng ngày, gia đình đưa bé quay lại Trạm y tế P.7 để kiểm tra. Thân nhiệt bé T.L.N. là 36,8 độ C, không sốt nên nhân viên trạm y tế cho rằng sức khỏe bé N. ổn định, chỉ phản ứng nhẹ sau tiêm văcxin Quinvaxem và yêu cầu gia đình theo dõi tại nhà. Đến sáng 15-1, bé T.L.N. khóc quấy dữ dội, mắt trợn ngược nên gia đình đưa lên trạm y tế và sau đó chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng cấp cứu. Lúc này bé đã tím tái toàn thân, ngưng thở và tử vong khoảng tám giờ sau khi cấp cứu. Trong đợt tiêm cùng ngày và cùng lô văcxin với bé T.L.N. có 18 trẻ khác trên địa bàn P.7. Sau tiêm văcxin, các trẻ này không có phản ứng đặc biệt.
Bác sĩ Đồng Sỹ Quang, trưởng phòng nghiệp vụ y dược Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, cho biết đoàn kiểm tra bước đầu loại trừ những nguyên nhân tử vong của bệnh nhi liên quan đến quá trình bảo quản văcxin Quinvaxem và quy trình tiêm chủng. Song đoàn kiểm tra cho rằng quá trình đánh giá tình trạng bệnh nhi của Trạm y tế P.7 chưa tốt, cụ thể giữa lời khai của gia đình và những nhân viên của trạm y tế có nhiều mâu thuẫn cần làm rõ. Theo bác sĩ Quang, đoàn kiểm tra đã niêm phong, thu vỏ lô văcxin liên quan và sẽ có kết luận cụ thể sau khi có kết quả các xét nghiệm về dịch não tủy, cấy máu. Lần này do tiên lượng được nguy cơ tử vong của bệnh nhi nên ngành y tế đã tiến hành một số xét nghiệm phục vụ điều tra chuyên môn.
Qua thông tin từ hội đồng giám định y khoa gồm Sở Y tế, Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, Viện Pasteur TP.HCM, Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM), được biết bé T.L.N. ngay sau khi sinh đã được tiêm văcxin phòng viêm gan siêu vi B và văcxin phòng ho lao BCG. Tuy nhiên, sau khi tiêm các loại văcxin này, bé N. không có phản ứng đặc biệt. Bà Phạm Thị Bạch Yến, giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, đã đến thăm gia đình nạn nhân và hỗ trợ 10 triệu đồng.
Lại loại trừ nguyên nhân văcxin!
Trao đổi về trường hợp bé trai gần 3 tháng tuổi tử vong ngày 15-1 tại Đà Lạt (Lâm Đồng) sau tiêm văcxin Quinvaxem, ông Trần Đắc Phu - cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cho biết hiện chưa có kết luận cuối cùng do còn đợi kết quả xét nghiệm máu, mẫu dịch họng... Tuy nhiên theo ông Phu, đánh giá ban đầu là chưa phát hiện sai sót về chất lượng văcxin và quy trình tiêm chủng. Về căn nguyên tử vong, ông Phu cho rằng hội đồng mặc dù chưa đủ hồ sơ, nhưng nghĩ nhiều đến nguyên nhân do bệnh trùng lặp.
Trả lời về sự quan ngại khi đã có ba ca tử vong trong vòng ba tháng đưa Quinvaxem vào sử dụng trở lại (từ tháng 10-2013), kết luận cho đến nay đều cho rằng không liên quan đến văcxin, ông Phu cho biết tỉ lệ tử vong do các bệnh trùng lặp ở trẻ dưới 1 tuổi là khá lớn, đồng thời không khẳng định được nếu không dùng Quinvaxem mà dùng các văcxin khác thì nguy cơ tử vong có hay không. Theo ông Phu, dù phản ứng mức nhẹ sau tiêm Quinvaxem rất cao (như phản ứng sốt có thể gặp ở 50% các bé được tiêm), nhưng tỉ lệ tử vong sau tiêm văcxin 5 trong 1 có thành phần ho gà toàn tế bào (như Quinvaxem) hay ho gà vô bào là tương đương nhau.
Song gần 10 năm sử dụng văcxin ho gà vô bào (tiêm chủng dịch vụ) tại VN, đến nay chưa có ca tử vong sau tiêm nào được ghi nhận. Còn văcxin Quinvaxem thì từ khi bắt đầu sử dụng, trung bình mỗi năm đều có 5-10 trường hợp tử vong sau tiêm, 40% trong đó không xác định được nguyên nhân.