Đời sống

Bi hài 101 kiểu xin xỏ cảnh sát giao thông khi phạm lỗi

Để tránh bị nộp phạt, nhiều người vi phạm giao thông đã không ngần ngại sử dụng dụng mọi "độc chiêu" có một không hai.

"Xổ" ngoại ngữ giả người nước ngoài để qua mặt CSGT

Chuyện người tham gia giao thông vi phạm lỗi và bị CSGT xử phạt ở Việt Nam có khá nhiều trường hợp bi hài. Ai cũng biết phạm lỗi thì phải chịu phạt, nhẹ thì bị nhắc nhở cảnh cáo, nặng thì bị lập biên bản phạt tiền, giữ xe. Tuy nhiên, không phải người nào cũng tự giác chịu trách nhiệm với lỗi của mình mà tìm đủ mọi lý do để xin xỏ, thậm chí dùng nhiều cách thức để "lừa" CSGT.

Một trong số những "độc chiêu" gây ra nhiều tình huống bi hài là khi người vi phạm "xổ" cả tràng ngoại ngữ để giả làm người nước ngoài hòng qua mặt CSGT. Tất nhiên, người sử dụng chiêu này thường là phải khá thành thạo ít nhất một ngoại ngữ.

Mới đây, câu chuyện về thiếu nữ tên T. (SN 1995) "nói tiếng Hàn, khóc tiếng Việt" khi bị giữ xe đã khiến mọi người vừa buồn cười, vừa tội nghiệp. Khoảng 20h ngày 14/1, CSGT công an TP. Đồng Hới tiến hành tuần tra kiểm soát trên đường Trần Hưng Đạo (TP. Đồng Hới, Quảng Bình) đã dừng xe máy mang BKS 73N8 – 21.. do thiếu nữ tên T. điều khiển.

Bi hài 101 kiểu xin xỏ cảnh sát giao thông khi phạm lỗi 1
Sau một hồi nói tiếng Hàn, khi CSGT lập biên bản thì thiếu nữ chuyển sang khóc tiếng Việt.

Khi lực lượng CSGT yêu cầu thiếu nữ xuất trình giấy tờ xe thì bất ngờ thiếu nữ này chỉ nói toàn tiếng Hàn Quốc rất chuẩn. Sau đó, lực lượng CSGT yêu cầu thiếu nữ nói tiếng Anh thì thiếu nữ này chỉ đứng lắc đầu.

Thiếu nữ này không thể xuất trình bất kể một giấy tờ nào liên quan đến việc chứng minh nguồn gốc chiếc xe máy cũng như hộ chiếu.m Tuy nhiên, cô lại vô tình làm rơi chứng minh thư nhân dân mang tên T. (SN 1995) ở Nam Lý, TP Đồng Hới có hình ảnh giống mình. Trước "sự cố" này, cô khóc òa bằng tiếng Việt “xin mấy anh chị tha cho em”.

Đến lúc này thiếu nữ mới khai nhận mình nói tiếng nước ngoài bởi do chưa có bằng lái xe và khi ra đường không mang theo giấy tờ nên đã phải “nói dối” mấy chú công an để được bỏ qua lỗi của mình.

Có lẽ, "tuyệt chiêu" này bắt đầu bị một số người lạm dụng khi nghĩ rằng lực lượng CSGT vì không hiểu tiếng nên sẽ "ngại" mà cho qua. Bởi theo quy định, xử lý người nước ngoài vi phạm luật phải thuộc đơn vị cấp phòng trong khi đó những người tiếp xúc trực tiếp với họ lại là lực lượng cơ sở. Vì thế khi phát hiện người nước ngoài vi phạm luật khi tham gia giao thông thì phải giữ lại rồi mời người phiên dịch và phải thông báo cho phòng xuống làm việc… Quy trình qua nhiều khâu và thủ tục, mất khá nhiều thời gian. Bên cạnh đó, không phải CSGT nào cũng có ngoại ngữ tốt. Lợi dụng điều này, nhiều người cố tình mạo nhận là người nước ngoài để tránh bị phạt. Thậm chí, có nhiều người nước ngoài ở Việt Nam lâu, hiểu được tiếng Việt nhưng khi giao tiếp với công an họ cũng vờ như không hiểu gì.

Muôn kiểu "khổ nhục kế" xin xỏ CSGT

Chắc hẳn, lực lượng CSGT ở Việt Nam không khỏi đau đầu khi phải đối phó với muôn vàn kiểu "khổ nhục kế" của người vi phạm giao thông. Để được "tha" không phạt lỗi vi phạm, nhiều người, đặc biệt là nữ giới, thường dùng "nước mắt cá sấu" nài nỉ, viện lý do hoàn cảnh khó khăn, có người nhà đang bị bệnh, thậm chí quỳ xuống chân để làm khó người xử phạt.

Bi hài 101 kiểu xin xỏ cảnh sát giao thông khi phạm lỗi 2
Thiếu nữ Sài Gòn quỳ gối xin xỏ CSGT

Điển hình trong số đó là vụ việc thiếu nữ Sài Gòn quỳ lạy cảnh sát khi bị bắt xe được quay video và tung lên mạng ngày 19/12/2013. Theo một số thông tin cư dân mạng cung cấp, thiếu nữ kẹp 3, chạy vào trong ngõ trốn cảnh sát nhưng không thoát. Thừa nhận đã vi phạm luật giao thông, cô gái này liên tục van xin: "Chú ơi, chú ơi tha cho con". Đáng chú ý, cô gái không chỉ quỳ lạy một lần. Cứ sau một lúc năn nỉ, bám riết theo viên CSGT, cô lại quỳ gối van xin, thậm chí nắm quần viên cảnh sát để xin xỏ nhưng không được chấp nhận bỏ qua lỗi.

Video này đã tạo nên làn sóng tranh luận gay gắt trên các mạng xã hội về hành vi ứng xử của người vi phạm giao thông.

Bi hài 101 kiểu xin xỏ cảnh sát giao thông khi phạm lỗi 3
Quỳ xin cảnh sát giao thông trước sự chứng kiến của nhiều người đi đường

Đây không phải là trường hợp duy nhất mà người vi phạm quỳ gối xin CSGT. Vào một ngày cuối tháng 12/2012, cư dân mạng cũng “dậy sóng” khi một clip quay lại cảnh một cô gái trẻ quỳ xuống đường, chắp tay van xin lực lượng CSGT đừng giữ xe... được tung lên mạng. Sự việc xảy ra vào 28/12, trên đường Đồng Văn Cống, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2, TP.HCM.

Trong lúc CSGT đang lập biên bản vi phạm và một CSGT khác đến đưa túi xách trên xe cô gái xuống với ý định tạm giữ phương tiện của cô này. Do quá hoảng sợ, cô đã bất ngờ quỳ gối dưới chân các CSGT, chắp tay xin CSGT “tha” trước sự chứng kiến của rất nhiều người đi đường. Cuối cùng các chiến sĩ CSGT đã quyết định lập biên bản và cho cô gái lấy xe tiếp tục hành trình.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều trường hợp mà lực lượng CSGT lâm vào tình huống khó xử khi người vi phạm dùng "khổ nhục kế". Không chỉ có vậy, nhiều người vi phạm, đặc biệt là nữ giới, thường "nước mắt ngắn dài", vừa khóc, vừa xin tha.

Chị Trần Minh H. (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ câu chuyện về một lần mình bị CSGT dừng xe xử phạt vì lỗi rẽ sai đường: "Lúc đó, mình không thể suy nghĩ được gì, chỉ sợ bị giữ xe thì lấy gì mà đi lại. Cái xe này cả gia đình đi chung, nhỡ bị giữ xe nhiều ngày thì không biết phải làm sao. Nghĩ đến thế thôi là mình đã nước mắt lã chã rồi. Mấy anh CSGT thấy vậy thì tội liền bảo: "Bọn anh đã làm gì đâu mà em khóc, thôi đi đi". Lúc đó mình mới hoàn hồn, rối rít cảm ơn rồi phóng đi. Từ đó mình cố gắng để không bao giờ vi phạm lỗi giao thông nào nữa".

Không chỉ dừng lại ở việc khóc lóc, một số người vi phạm giao thông còn "sáng tạo" ra hẳn một kịch bản từ trước để cứ hễ bị dừng xe là lôi ra "chém". Trong một buổi cafe cùng bạn bè, Lê Hạnh M. (26 tuổi) vừa chia sẻ kinh nghiệm "thoát" phạt vi phạm giao thông, vừa hả hê tự cho mình thông minh. Cô gái trẻ giỏi ăn nói và có ngoại hình xinh đẹp này cho hay, cô đã 2 lần được CSGT bỏ qua lỗi mà chỉ cần 1 kịch bản duy nhất. Hễ bị tuýt còi, cô ngay lập tức mắt ngấn nước, điệu bộ hối hả rồi lắp bắp trình bày nhà có người bị tai nạn vừa phải vào viện, vì quá cuống nên mới vô tình vi phạm giao thông. Chính nhờ khả năng "diễn xuất như thần" nên các anh CSGT tưởng thật mà thông cảm bỏ qua.

Tuy nhiên, không phải ai nghe xong chuyện của M. cũng đồng tình với cách hành xử của cô gái này. Hồ T. H., một người bạn của M. khi nghe chuyện thì không phê phán, xong anh cũng nêu thẳng quan điểm của mình: "Nếu anh mà phạm lỗi thì anh sẽ nộp phạt theo luật thôi. Chứ ai cũng vi phạm rồi trốn tránh trách nhiệm hay tìm mọi cách xin xỏ để được tha thì còn gì là pháp luật nữa".

Rõ ràng, tâm lý chung của những người vi phạm giao thông là sợ bị phạt, sợ bị giữ phương tiện nên rất lo lắng và trình bày để xin tha. Tuy nhiên, việc nhiều người cố tình làm khó lực lượng CSGT dù phạm lỗi rành rành quả thực không phải là một hành động văn minh, thậm chí còn có thể bị khép vào tội cố tình chống người thi hành công vụ. Chính vì thế, người tham gia giao thông nên chấp hành luật giao thông và có ý thức khi điều khiển phương tiện. Nếu như bị dừng xe, xử phạt mà đúng lỗi thì việc nhận lỗi và chấp hành nghiêm chỉnh quy định xử phạt có lẽ mới thực sự là cách hành xử đúng đắn, tôn trọng pháp luật, đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người.
aFamily

      © 2021 FAP
        4,068,476       711