Xã Long Hậu (huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) lâu nay được xem là thiên đường của quýt hồng. Dịp cận tết, “lộc hồng” này lại trĩu cành, chuẩn bị bán tết.
Đến xã Long Hậu vào tháng 12 âm lịch, du khách sẽ ngỡ ngàng trước một thiên đường quýt hồng đương chín. Ông Nguyễn Tấn Phát, một nông dân tại xã Long Hậu cho biết: “Quýt hồng đã được trồng ở huyện Lai Vung từ hơn 100 năm trước. Nhờ khí hậu, nước, đất phù hợp, quýt hồng nơi đây luôn cho nhiều trái to, tròn, mộng nước hơn quýt những vùng khác. Đa phần quýt hồng quả to mà người mua thấy bày bán từ Bắc vào Nam, đều có nguồn gốc từ đây”.
Một trời quýt hồng...
...Với những chùm quả trĩu cành.
Quýt hồng khoảng 2 năm “tuổi” thì bắt đầu cho trái. Một cây quýt trưởng thành có thể cho từ 200 - 400 kg trái/năm (4 - 5trái/1kg). Hoa quýt trổ đều vào tháng năm. Sau khi hoa thụ phấn, trái sẽ kết đầy trên cành. Đôi khi người nông dân phải hái bỏ bớt một phần trái non, tránh cành bị nặng khi trái lớn dần và gãy. Hiện nay người nông dẫn cũng biết cách xử lý cho hoa ra trái mùa và trái chín đúng thời điểm mong muốn.
Những quả quýt khi còn xanh, bên cạnh những quýt đã chín vàng. Người nông dân có thể xử lý cho cây ra hoa vào các tháng khác nhau, để có quýt bán quanh năm trong cùng một mảnh vườn.
Trái từ gốc đến ngọn.
Khoảng 20 tết, ngoài đường xã, xe tải của thương lái sẽ đến đậu chật đường. Dưới con sông Thông Giông của xã, ghe thuyền của thương lái cũng ra vào kín lối để thu mua quýt và chuyển đi khắp mọi miền đất nước. Đây là thời điểm vui nhất của nông dân nơi này.
Mối đe dọa lớn nhất của quýt Lai Vung là quýt ngoại lai có nguồn gốc không rõ ràng. Ông Phát kể, những năm trước, quýt ngoại tràn vào Việt Nam, làm quýt nội địa mất giá, nông dân lỗ nặng. Cũng may ba năm nay, mọi người biết cảnh giác, cuối năm nông dân Lai Vung lại có thể cười tươi đón tết. Thêm nữa, quýt Lai Vung đã được nhận chứng chỉ VietGap (Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ở Việt Nam) nên “lộc hồng” ngoài tiêu dùng trong nước, còn được “chắp cánh” xuất ngoại.
Cây vừa 2 năm tuổi cũng đã cho quả nặng cành.
Phải dùng cây chống đỡ cho cành không gãy.
Ông Phát cũng dặn dò, để chọn đúng quýt Việt và ngon, người mua chú ý vào đặc điểm sau của quả: trái to, da dù có sần cũng không chai cứng, không lỗ sâu, màu sáng đều, thân thụng.
Vì là vùng trồng quýt lâu đời, nên những cô - cậu bé mới lớn cũng đủ khả năng làm nông dân, chăm bón vườn như người lớn.
Cậu bé này đang sống cùng bố mẹ ở Bình Dương, nhưng mỗi dịp hè, tết lại về nhà ông bà ở Lai Vung để được làm nông dân nhí.