Đời sống

Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết

Mỗi độ Tết đến, những quả “tay Phật” có giá bạc triệu lại bán rất chạy. Mỗi hộ gia đình trồng phật thủ có thể thu về bạc tỷ mỗi năm nhờ loại cây quý này.

Xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức (Hà Nội) nổi tiếng với nghề trồng cây phật thủ - một loại quả có hình dáng giống như bàn tay Đức Phật. Theo quan niệm xưa, phật thủ tượng trưng cho phúc lành, thường dùng để thờ Phật và gia tiên, có hương thơm thanh tịnh và tác dụng lưu giữ thần, Phật trong nhà để phù hộ cho gia chủ. Phật thủ được bán quanh năm, nhưng hút khách nhất vào dịp gần Tết nguyên đán.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 1
Những vườn phật thủ bạc tỷ.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 2
Vốn là vùng đất thuần nông, chuyên canh cam, quýt, khoảng chục năm trở lại đây, bà con nông dân xã Đắc Sở đã học tập mô hình, kinh nghiệm trồng và lấy giống ở Bắc Giang đem về địa phương mình.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 3
Cây “tay Phật” đã mang phúc lành đến cho vùng quê Đắc Sở. 

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 4
Hợp thổ nhưỡng, hợp người chăm, cây phật thủ ở Đắc Sở phát triển tốt, ra được quả đẹp, to và đều vụ hơn.

Ngoài ý nghĩa tâm linh, phật thủ còn là một loại quả rất bền, có thể để được 6 đến 8 tháng mà không bị hỏng. Lúc mới mua, quả có màu vàng chanh. Để một thời gian thì quả chín ngả sang vàng rực - màu giàu sang, phú quý - và tỏa hương thơm rất dễ chịu. Ngón tay phật thủ càng to, mọng thì càng để được lâu.

Lúc mua, người chơi có thể cắt cành dài một chút, còn nguyên lá rồi cắm vào bình hoa thủy tinh hoặc pha lê, dưới đổ nước sạch. Một thời gian sau, phật thủ sẽ nảy rễ màu trắng như cây thủy tiên. Người ta cũng dùng phật thủ làm thuốc chữa bệnh hoặc làm mứt. Quả phật thủ, vì vậy rất được giá.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 5
Càng nhiều "ngón tay", phật thủ càng đẹp, càng đắt giá.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 6
Phật thủ "sinh đôi" rất hiếm và được giá hơn những quả đơn.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 7
Cây cho quả quanh năm, người trồng có thể bán túc tắc cho các mối buôn cả năm, chẳng bao giờ sợ ế.

Vào vụ Tết, thời điểm nhu cầu tiêu thụ mạnh, lại được giá nhất trong năm, người nông dân mới chính thức “hốt bạc”. Trung bình mỗi vườn khoảng 1 mẫu (3.600 m2) sau khi trừ các chi phí, mỗi năm đem lại thu nhập từ 500 – 700 triệu cho chủ vườn. 

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 8
Những quả phật thủ đẹp như thế này khi bán tại vườn đã có giá bạc triệu.
 
Anh Nguyễn Tuấn Tú và vợ, chị Nguyễn Thị Giang (thôn Sơn Hà) chia sẻ, có hai cách để bán phật thủ là “trắng lá” và thầu quả. Với cách bán “trắng lá”, chỉ vườn chỉ cần ước tính khoảng giá (nếu vườn đẹp, sai quả, giá không dưới 500 triệu/vườn) và thương lái sẽ tự thu hoạch theo nhu cầu. Đến khoảng 20 - 23 tháng Chạp, thương lái sẽ trả vườn cho chủ canh tác, dù đã thu hoạch hết quả hay chưa. Cách bán này thu được nhiều tiền, nhưng ít người dám chọn vì các thương lái thường tận thu quả, kể cả quả non lẫn già, cây sẽ “kiệt sức”.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 9
Anh Nguyễn Tuấn Tú bên vườn phật thủ ước tính có giá hơn 300 triệu/vụ.

Thông thường, các hộ nông dân ở Đắc Sở chọn cách bán quả. Tùy theo chất lượng quả, mỗi vụ Tết, một vườn Phật thủ sẽ đem lại cho chủ nhân từ 300 đến hơn 500 triệu/vườn và thương lái chỉ được phép thu hoạch đúng 4.000 quả.

Đấy là giá bán đổ đồng, bán buôn, còn với những quả độc đáo, đẹp đặc biệt như có đúng 21, 25, 29, 33… ngón tay (các số theo quan niệm sinh – trụ – dị – diệt/sinh – lão – bệnh – tử của đạo Phật rơi vào chữ “sinh”), tán tròn đều, ngón mập; nếu may mắn có thêm một ngón tay “lại quả”, nghĩa là ngón cong lên, ngoảnh lại “nhìn” cuống thì cực kỳ có giá, nhà vườn sẽ đánh dấu riêng bằng một sợi dây đỏ. Những quả độc đáo này sẽ được bán theo giá thỏa thuận, mà theo anh Tú tiết lộ, thường khoảng vài triệu đồng/quả bán trực tiếp tại vườn. 

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 10
Chị Giang (bên trái) đang thu hoạch những quả đẹp nhất để riêng.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 11
Những quả này được đánh dấu bằng sợi dây đỏ. Vườn nhà nào càng nhiều dây đỏ, Tết năm ấy càng "ấm".

Anh Thanh – chủ vườn Thanh Hương, cũng ở thôn Sơn Hà cho biết, những hộ trồng phật thủ ở Đắc Sở hầu hết bán sản phẩm tại vườn, chỉ một số ít mở ki-ốt ở các chợ đầu mối, còn riêng anh “ăn chơi” làm thêm một website để quảng bá sản phẩm của mình. Ngoài bán quả phật thủ, anh Thanh còn là người đầu tiên ở làng nghĩ ra cách làm cây phật thủ cảnh. Anh cho hay, anh có vài chục cây phật thủ 1 năm tuổi được chăm sóc riêng, có độ cao vừa phải mà quả lại xum xuê, phù hợp để làm cây cảnh trưng Tết.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 12
Anh Thanh chăm chút những gốc phật thủ cảnh.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 13
Khoảng tháng 11 âm lịch, anh sẽ ghép thêm quả non vào những cây có thế đẹp nhưng chưa đủ xum xuê...

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 14
... để đến Tết, cây sẽ vừa có thế đẹp, vừa sai quả.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 15
Khoảng 20 - 25 ngày sau khi ghép...

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 16
... quả sẽ "lành" vết thương.


 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 17
Giá tại vườn của một cây phật thủ cảnh nhỏ khoảng từ 2 – 3 triệu, còn cây to, tán rộng khoảng hơn 10 triệu/cây.

Những hộ nông dân bạc tỷ chia sẻ, nhìn thì có vẻ “ngon ăn”, nhưng để kiếm bộn tiền từ cây phật thủ, họ phải đầu tư rất nhiều. Từ khi chiết cành đến lúc thu hoạch được phật thủ phải mất 1 – 2 năm, và từ khi thu hoạch được, cây chỉ có “tuổi thọ” 3 năm. Sau thời gian đó, người dân phải trồng cây mới, vì nếu có cố, chăm bón kỹ lưỡng đến đâu, cây cũng khó có thể ra quả đẹp, sai và đều được như những năm trước.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 18
Phật thủ được nhân giống bằng cách chiết cành.

Hơn nữa, đất làm vườn cũng không thể “sống đời” với phật thủ. Loại cây này chỉ ưa đất lạ, nên mỗi thửa vườn thường chỉ trồng được hai lứa cây (từ 5 – 7 năm) rồi phải chuyển sang trồng cây khác. Thế nên, tiếng là xã Đắc Sở giàu nhờ trồng phật thủ, chứ những nông dân đã gắn bó chục năm với nghề này toàn phải đi thuê đất ở các vùng đất lân cận với giá khá cao: 2 triệu/năm/sào (360 m2), hợp đồng ký 5 năm/lần và chồng tiền cả 5 năm.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 19
Vườn cây giống 1 năm tuổi của anh Thanh. Dự kiến, năm sau những cây này có thể thu hoạch được.

Chăm sóc cây phật thủ cũng rất khó vì nó đỏng đảnh, rất dễ bị sâu bệnh, lại nhạy cảm với thời tiết. Gốc cây luôn phải làm cỏ, dọn lá xung quanh cho thoáng, không được phép để gốc bị bí hay úng nước. Mùa mưa là mùa người làm vườn phập phồng nhất, vì đó chính là mùa ra hoa của phật thủ. Nếu không kịp tiêu nước, để rễ bị thối hay hoa không thụ phấn được.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 20
Từ khi phật thủ ra hoa đến lúc có quả thành phẩm mất khoảng 5 – 6 tháng.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 21
 Đó cũng là giai đoạn người làm vườn lo chống, đặt bẫy chuột, vì bọn chuột rất mê ăn quả phật thủ non.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 22
Khi đã đậu quả rồi, cũng chẳng có cách nào tác động, uốn nắn đến dáng quả cả. Loại quả này sinh ra có dáng thế nào thì sẽ mãi như vậy, nên có được những trái đặc biệt giá bạc triệu hay không, tất cả là nhờ may mắn.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 23
Phật thủ là cây thuộc họ bưởi, nhưng cành rất giòn, quả lại nặng nên phải làm giàn chống đỡ.


 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 24
Cây phật thủ rất đỏng đảnh, khó chăm sóc. Những người làm vườn phải túc trực chăm cây như chăm con mọn.

Hầu như tất cả các hộ trồng phật thủ ở Đắc Sở hiếm có khi về nhà, vườn phật thủ giống như mái nhà thứ hai của họ.Như nhà anh Tú, chị Giang chẳng hạn con cái gửi nhờ ông bà chăm giúp, hai vợ chồng quanh năm ngoài vườn.

Chị Giang nói đùa: “Càng gần Tết, hai vợ chồng càng không dám… ngủ, phải thay nhau canh vườn, chăm hơn chăm con mọn. Cả vườn phật thủ trị giá vài trăm triệu, nhỡ mà bị kẻ gian vặt trộm hay sập giàn thì công sức cả năm sập theo mất!

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 25
Hầu như tất cả các hộ trồng phật thủ ở Đắc Sở hiếm có khi về nhà, vườn phật thủ giống như mái nhà thứ hai của họ.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 26
Vườn nào cũng nuôi vài chú chó dữ “găm” ở các chốt để phòng chống trộm cắp.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 27
Anh Thanh để riêng những quả phật thủ đẹp đã có khách "xí".

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 28
Một người khách đến tận vườn để chọn được quả đúng ý mình.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 29
Thương lái đang đóng gói phật thủ bằng giấy bản mềm, đảm bảo quả không bị xước, dập trong quá trình vận chuyển.

 Những vườn “tay Phật” tiền tỷ chờ Tết 30
Giá phật thủ ở chợ đầu mối Bắc Qua - Long Biên cao hơn so với nhà vườn từ 30 - 50%.
aFamily

      © 2021 FAP
        4,011,561       1,462