“Sinh con 1 tuần nay rồi mà tôi đã được nhìn mặt con đâu, chỉ vì ở trọ mà cầu thang dựng đứng quá, nên vừa sinh xong không thể đi nổi. Mỗi lần nghĩ đến con mà tôi ứa nước mắt” – chị Hoa (Hòa Bình) nghẹn ngào tâm sự.
Sinh con cả tuần vẫn chưa được nhìn mặt con
Vì bị cạn ối nên phải sinh con non từ tuần 32, con nặng 2,3 kg nhưng vẫn phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, chị Hoa (39 tuổi, ở Hòa Bình) không ngày nào là không day dứt, vì tính đến nay đã hơn 1 tuần mà chị vẫn chưa được nhìn thấy mặt con. Ngày còn được nằm trong viện thì bệnh viện chưa cho vào thăm con. Khi ra ngoài thuê trọ thì tuy ngay cổng bệnh viện, nhưng mỗi lần đi lên xuống cầu thang là chỉ được độ 2 bậc, chị lại đau bụng ngồi bệt xuống rồi nhờ người dìu lên phòng. “Vì vừa sinh song, vết mổ còn rất đau, cầu thang lại vừa bé vừa dốc, nên tôi không thể nào đi xuống được. Nhiều khi nhớ con, muốn vào nhìn mặt con nên cố gắng xuống mà đến nửa chừng cũng đành phải quay lên” – chị Hoa cho biết.
Chị Tám (quê ở Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) vẫn chưa hết sợ hãi khi nhớ về ngày đi sinh đứa con thứ 2. Với cơ địa bị huyết áp cao và tiền sản giật, đứa đầu đã sinh non, nên chị cũng chuẩn bị trước tinh thần sinh non cho đứa thứ hai. Thế nhưng chị cũng không thể ngờ rằng, mới đến 26 tuần chị đã dọa sinh, lên cơn co giật, phải chuyển từ trạm xá lên bệnh viện huyện Cẩm Xuyên, rồi từ bệnh viện huyện lên bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Nhưng do trường hợp của chị quá nguy hiểm, nên bệnh viện tỉnh lại chuyển lên bệnh viện Phụ sản Trung ương. Gia đình chị vốn đã khó khăn, chủ yếu là nương rẫy, thu nhập không đủ chi nên càng thêm khó khăn.
Chi phí cho chuyến xe cấp cứu chở chị ra đến đây cũng đã ngót nghét 8 triệu đồng, rồi chi phí sinh mổ, thuê nhà trọ, ăn uống, sinh hoạt… tất cả trở thành gánh nặng đè lên đôi vai vợ chồng nghèo khi đứa con nặng chưa đầy 1,1kg vẫn phải nằm trong phòng Tích cực 1 (phòng dành cho trẻ yếu nhất). Hàng ngày, chị vắt sữa đều đặn để chồng mang vào cho con.
Tâm sự với chúng tôi, chị không giấu nổi vẻ xót xa: “Ai có con sinh non mới hiểu được nỗi xót xa của chúng tôi như thế nào. Mỗi lần vào thăm, nhìn con bé xíu và ứa nước mắt. Đứa lớn nhà tôi cũng mới hơn 2 tuổi phải để ở nhà với bà nội, 2 vợ chồng ra đây chờ đứa bé được ra, vừa thương đứa bé trong viện, vừa nhớ đứa lớn ở quê, chỉ mong sao con sớm ra để về nhà”.
Đẻ non lại sinh đôi, nỗi vất vả bộn bề
Với vóc người nhỏ nhắn, khi vừa mang thai mà lại là thai đôi nên chị Lệ (Hà Nam) đã được dự đoán trước là nhiều khả năng sẽ sinh non. Nhưng không ngờ chị sinh non trước tận 2 tháng, hai bé trai ra đời, một bé nặng 1,7kg, một bé nặng 1,5kg. Các bác sĩ đều đánh giá là con to so với tuổi thai, thế nhưng hai bé đều vẫn phải nằm lồng kính. Hai vợ chồng chị thuê nhà gần bệnh viện để hàng ngày tiện vào thăm nom con.
Sau 1 tuần, một bé đã được ra với mẹ, nhưng nhiều người không khỏi ái ngại khi nhìn cảnh đứa bé phải cùng bố mẹ ở trong khu trọ chật chội, ẩm thấp và bức bối. Căn phòng chưa đầy 5m2 nhưng chất đầy đổ sơ sinh với đủ thứ tã, bỉm, sữa, chăn, gối… Bà nội muốn lên chăm cháu nhưng cũng chẳng có chỗ nên đành ở nhà. Hàng ngày, vừa chăm đứa mới được ra, vừa vắt sữa mang vào cho đứa bé vẫn nằm trong phòng hồi sức, ngần ấy thôi cũng đã vất vả lắm rồi. Mọi việc đều do hai vợ chồng xoay xở, cơm nước, giặt giũ đều do các ông chồng đảm nhiệm hết.
Gia đình chị Vĩnh (Ba Vì) cũng mang thai đôi, sinh non một bé được 8 lạng, một bé được 1,1kg. Nhìn đứa con bé bỏng xót xa bao nhiêu, vợ chồng chị càng quyết tâm cố gắng bấy nhiêu. Sinh con đã hơn 1 tuần nhưng lại chưa có sữa, hàng ngày, vợ chồng chị phải lặn lội đi khắc các dãy trọ và trong bệnh viện để xin sữa cho con. Đứa lớn nhà chị Vĩnh chưa được đầy 2 tuổi, anh chị bị lỡ kế hoạch nên có thêm đứa thứ hai, ai ngờ chị sinh đôi, lại sinh non, con sinh ra nhẹ cân quá nên có lẽ quá trình chăm sóc còn dài.
Chia sẻ với chúng tôi, chị tâm sự: “Mỗi lần vào thăm con là xót xa đến tận cùng. Nhìn đứa con bé bỏng mà ứa nước mắt thương con. Bây giờ, chỉ mong sao điều tốt đẹp sẽ đến, hai đứa bé sẽ nhanh chóng khỏe mạnh và ăn uống, phát triển bình thường, để chúng tôi được đưa con về đón Tết cùng gia đình”.
Còn nhiều lắm những phận đời éo le, còn nhiều lắm những nỗi gian nan, vất vả in hằn trên gương mặt khắc khổ của họ mà chưa thể nào kể hết. Để san sẻ nỗi khó nhọc với những người vợ có con sinh non, các ông chồng hàng ngày chỉ quan tâm đến những việc lớn, nay cũng cặm cụi giặt quần áo cho vợ, lặn lội mang từng giọt sữa đi chăm nuôi con thơ…