Đời sống

Các kiểu lùm xùm tiền nong của nhà văn, nhà thơ

Thông tin cây bút trẻ có tiếng trên mạng Internet Đoàn Mạnh Quang (bút danh Cusiu bị bắt vì tội lừa đảo đã khiến nhiều người “tan vỡ” và cảm thán: Nhà văn sao lại làm thế!

“Đời không như là mơ” bởi “cơm áo không đùa với khách thơ”

Ở Việt Nam, những tác giả sống đủ chỉ với nghề viết văn - thơ thì chỉ đếm được trên 1 bàn tay. Nhưng cái hào quang của nghề viết thì quá lớn.
Khi thấy một tác giả lãnh được 2,5 triệu đồng nhuận bút từ một truyện ngắn dài tầm 2.000 chữ trên báo T. thì người ta bắt đầu nhẫm tính và ước ao: “Cứ ngồi nhà viết mỗi tháng 2 - 3 truyện không ra đường, xăng xe, giao tiếp chi nhiều là sống được rồi”. Cụ thể hơn người ta tính mỗi tháng thế này: 1 truyện đăng trên báo T. - nhuận bút (tầm) 2,5 triệu; 1 truyện đăng báo Th. - nhuận bút (tầm) 2,5 triệu; 1 truyện đăng báo P. - nhuận bút 1 triệu; 1 tản văn, 1 truyện thiếu nhi đăng đâu đó - nhuận bút 1 triệu.

Vậy mỗi tháng kiếm được 7 triệu, trừ đi ít thuế (nếu có), vẫn sống tốt. Cuối năm ra một quyển sách nhuận bút tầm 8 triệu. Ôi đời nhà văn thật sướng, nhàn, có tiền, có tiếng, tha hồ ngủ nướng, lắm người thương!
Nhưng đời không như là mơ. Dĩ nhiên có người viết dược cả số lượng lẫn chất lượng nhưng đa phần tác giả phải quằn quại lắm mới ra được truyện ngắn ưng ý. Sau đó là “tịt ngòi” khá lâu. Chưa kể tác giả giờ rất nhiều, mà báo có chuyên mục văn học lại ít. Vậy là tác phẩm phải xếp hàng đợi được lên trang. Mà lỡ không hợp gu báo ấy thì ngày lên lại là dài vô hạn.
Nếu dạng viết mỗi ngày 1 truyện hay 1 chùm thơ, thường chỉ để đăng blog, trang cá nhân. Sẽ có nhiều người vào khen ngợi, nhấn like, hoặc chê bai. Nhưng tổng thể những thứ ấy không thay được cơm.
Do vậy, nhà văn nhà thơ phải đi làm kiếm tiền, theo những cách khác nhau. 
Các kiểu lùm xùm tiền nong của nhà văn, nhà thơ 1
Ảnh vui về nghề viết văn.
Nếu không làm ra tiền thì phải mượn tiền.Chuyện mượn tiền tạm được liệt kê ra hai “tính chất”: Một, đây là chuyện của mọi người, mọi nhà, mọi ngành. Hai, sẽ trả hoặc không bao giờ trả. Tác giả cũng là người, vẫn phải mượn tiền và tuân thủ theo hai "tích chất" trên.
Các kiểu lùm xùm tiền nong của "nhà văn nhà thơ"
Một bộ phận giới trẻ sống nặng nề về hư danh, thích cái hào nhoáng của nghề viết, trong khi thực lực và độ chăm chỉ thì rất ít. Thay vì kiếm tiền chân chính, đối tượng này thích ăn bám và sống bằng bề nổi.
Cách đây hơn ba năm, trang xã hội Y. ra đời. Trang này giai đoạn đầu rất ưu ái mảng sảng tác và mời gọi những tác giả có tên tuổi lẫn những cây viết trẻ tham gia. Nhân tài hội tụ, người ta gặp nhau, quen nhau, hẹn nhau và trong số ấy có người mượn tiền nhau. Cây bút M. xuất hiện trên facebook và các mạng xã hội khác với hình ảnh như một nhà thơ, nhạc sĩ lãng mạn, tốt tươi.

Ngày ngày người ta thấy M. đăng thơ, đăng ảnh ngồi đánh đàn, đêm đi ca hát hò, nhậu nhẹt quán này quán nọ. M. đến giờ vẫn khoác dáng vẻ chàng thi sĩ - nhạc sĩ - ca sĩ xứ ngàn hoa. Nhưng khi nhiều chủ nợ gặp nhau, họ mới vỡ òa: “Hóa ra M. cũng mượn tiền bạn và chưa trả à?”. Giá như M. bớt làm thơ, chụp ảnh, bớt đi cà phê nghe hát nhạc live và chịu đi làm thì hình ảnh M. chắc là đẹp hơn.
A. Ng. là một cây bút chưa có tên tuổi, chủ yếu viết blog - để chửi đời và nêu quan điểm là chính. A. làm nhiếp ảnh. Khi thấy người ta vác ba lô lên đường rồi viết văn, A. cũng đi, "viết văn nổi tiếng hơn chụp ảnh". Nhìn vào thông tin cập nhật, người ta thấy A. hay đi đây đó, tìm chỗ yên tĩnh để viết tiểu thuyết.

Tối tối uống bia một mình, giăng status triết lí, sầu đời. Rất nhiều cô bé tuổi teen theo dõi facebook của A vì ngưỡng mộ. Mặt khác, A. hỏi mượn tiền khắp nơi cho những khoản ăn uống, đi lại hằng ngày, thậm chí bán máy ảnh. A. có đặc điểm chỉ mượn những khoản lặt vặt, với những lý do "dễ thương", chính đáng chả ai không cho vay như: “năm trăm ngàn để chờ lương”, hoặc “năm chục ngàn vì đi cà phê quên đem tiền”.

Những chuyện như thế cứ lặp lại mà không bao giờ thấy A. trả ai đồng nào. Giá như A chưa từng bán máy ảnh, chăm chỉ làm nhiếp ảnh thì mọi chuyện đã khác. Bây giờ mà A. có ra được tiểu thuyết thì hình ảnh một A. nợ nần không tài nào tẩy xóa được.
Còn với tác giả T.A - một biên kịch có tiếng trong lĩnh vực sân khấu, điện ảnh chia sẻ về thời gian mới vào nghề: "Lúc ấy kịch bản có thể bán với giá 4 - 5 triệu/tập, nhưng tôi là tác giả mới nên bị “trung gian” ép giá còn 1 - 2 triệu/tập. Thậm chí khi phim ra không thấy tên mình đâu trong phần “Tác giả kịch bản”, phải làm dữ lên thì mấy tập sau mới thấy tên mình được đứng chung”. Đây là tình trạng mà nhiều cây viết trẻ phải chịu đựng: người có máu mặt ăn bớt tiền người mới vào nghề
Cách đây không lâu, giới viết lách đã luận bàn rất nhiều về vụ lùm xùm giữa biên kịch - nhà văn nữ tên Tr. với một sinh viên. Nội dung ồn ào của câu chuyện: Tr. được cho là "đầu nậu kịch bản", kêu gọi bạn bè viết chung. Xong tên chỉ mình cô đứng dù cô chẳng viết gì. Dĩ nhiên, tiền bạc cũng không được như ý giữa hai bên. 
Những trường hợp kể tên, họ biết rõ uy tín và địa vị của mình ở tầm nào để mà tận dụng. Với họ, uy tín không để giữ mà để xài. Câu chuyện của cây viết Cusiu là một điển hình dạng này. Cusiu không hề bất đắc dĩ hay vô ý mà hoàn toàn biết uy tín của mình như thế nào và vận dụng nó ra sao, với ai.
Đời viết lách là thế, sang trọng. Nhưng khi phải để tiền bạc dính vào, nó lại bớt sang đi.
Các kiểu lùm xùm tiền nong của nhà văn, nhà thơ 2
Hình ảnh này khiến nhiều người chua xót, rớt nước mắt - vì nhiều lẽ
Tạm kết: Tác giả ở mọi lĩnh vực nói chung cũng là người bình thường, nếu không đầy đủ vật chất, bạn nên sống thật với hoàn cảnh của mình. Hư danh không bao giờ tồn tại lâu. Nếu yêu văn chương bạn cứ yêu tác phẩm, đừng vội yêu người. Như thế tốt cho cả hai. 
aFamily

      © 2021 FAP
        4,052,757       602