Đời sống

Bi hài xung quanh chuyện đám cưới... giữa đường

Rạp cưới dựng giữa đường cản trở giao thông qua lại, gia chủ ngang nhiên đặt biển báo bắt mọi người vòng đường khác, thậm chí đặt biển... công trường đang thi công trước rạp cưới để chặn đường. Bức tranh mất mỹ quan ấy khiến nhiều người không khỏi bức xúc.

Khi rạp cưới thành... "hầm đường bộ"

Cũng như mọi năm, cứ vào thời điểm gần Tết Nguyên đán thì cũng chính là khoảng thời gian rất nhiều nhà có "chuyện hỷ". Với những gia đình nông thôn thì việc tổ chức một đám cưới tại nhà không mấy khó khăn nhờ nhà cửa, đất đai rộng rãi. Nhà nào có hơi nhỏ một chút cũng có thể dễ dàng "ké thêm" nhà hàng xóm vài mâm cỗ.

Tuy nhiên, đối với những gia đình ở đô thị thì quả thực chuyện đón khách khứa sao cho thuận tiện là một câu hỏi khó. Đó cũng chính là lý do nhiều nhà không còn cách nào khác là phải dựng rạp giữa đường. Cũng theo đó mà biết bao chuyện bi hài xảy ra.

Bi hài xung quanh chuyện đám cưới... giữa đường 1
Rạp cưới lấn hết đường, chỉ còn một lối nhỏ đủ cho xa máy lách qua

Có lẽ không đâu mà việc dựng rạp ăn cỗ giữa đường lại "phổ biến" như ở Hà Nội. Vào mùa cưới cao điểm, có ngày, đi từ đầu phố đến cuối phố cũng bắt gặp 2, 3 rạp cưới được dựng hiên ngang giữa đường. Nhà mặt phố thì chiếm dụng hết cái vỉa hè hoặc lấn xuống đến quá nửa con đường, nhà trong ngõ thì ôi thôi cả rạp cưới "nuốt gọn" hết con đường.

Thông thường, rạp cưới được gia chủ dựng trước hôm cưới chính 1 ngày. Lúc này, các phương tiện lưu thông trên đường bất đắc dĩ được đi qua một chiếc "hầm đường bộ" bằng phông bạt kéo dài vài mét. Tuy nhiên, đến ngày cưới chính, khi nhà chủ đã bày bàn ghế vào rạp thì con đường coi như bị chặn hoàn toàn, chỉ còn người đi bộ hoặc phương tiện nhỏ là còn lách qua được.

Trong một con ngõ trên phố Mai Động vào cuối tháng 12, một rạp cưới như vậy từng khiến bao người đi đường khóc dở mếu dở vì được phen lạc đường khi phải đi đường vòng tránh đám cưới.

Số là nhà bà Nguyễn H.M hôm đó cho con gái về nhà chồng. Lúc đầu gia đình cũng định thuê nhà hàng để tổ chức đám cưới, tuy nhiên cuối cùng lại quyết định dựng rạp ngay gần nhà để mời cỗ cho tiết kiệm. Con ngõ quá nhỏ nên khi rạp cưới được dựng lên thì không còn thừa đủ chỗ cho một chiếc xe đạp lách qua chứ đừng nói đến xe máy. Thế là nhà bà liền làm một chiếc biển báo đặt ngay đầu ngõ, trên đó ghi: "Phía trước là rạp cưới, vui lòng đi lối này" kèm theo một dấu mũi tên chỉ sang bên phải.

Nhiều người đi đường thấy biển báo đám cưới thì cũng thông cảm mà đi vòng theo hướng dẫn. Khổ nỗi, theo hướng mũi tên chỉ đường là một con ngõ loằng ngoằng, nhiều ngã rẽ, khiến không ít người lạc đường, mất hàng tiếng đồng hồ mới tìm được lối ra.

Bi hài xung quanh chuyện đám cưới... giữa đường 2
Rạp cưới trở thành "hầm đường bộ" tạm thời

"Có phải ai cũng có tiền mà vào nhà hàng đâu. Với cũng chả mấy khi nhà có việc lớn thế này. Sau đứa lớn này tôi cũng chỉ còn một thằng con nữa phải lo việc cưới xin thôi. Chắc mọi người cũng thông cảm. Trong con ngõ này ai chả dựng rạp ngoài đường", bà M. hồn nhiên nói.

Những lời giải thích có phần hơi... cùn của bà M. ấy vậy mà dường như lại là thực tế đang diễn ra khá phổ biến. Điển hình như nếu ra đường vào một ngày đẹp, bạn có thể vô tình "đụng" phải vài cái rạp cưới giữa đường như vậy. Nếu chưa đến giờ mời cỗ thì chủ nhà có thể vẫn cố gắng xếp gọn bàn ghế đủ để 1 chiếc xe máy đi qua. Tuy nhiên, đến giờ "động đũa" của khách khứa thì không ai bảo ai, cứ tự động đi theo dấu mũi tên.

Và trong lúc các vị khách đến mừng cưới phải ăn vội ăn vàng cho xong bữa cỗ giữa phố thì người đi đường cũng phải chặc lưỡi vòng sang ngã khác để nhường chỗ cho đám cưới. Vô hình chung, cái rạp cưới giữa đường lại làm giảm đi ít nhiều sự vui vẻ, thoải mái của cả chủ nhà lẫn khách khứa tới mừng cho hạnh phúc lứa đôi.

Đến đại gia cũng dựng rạp cưới lấn đường

Việc người dân ở các khu phố đô thị vì điều kiện không cho phép nên phải dựng rạp giữa đường thì có thể hiểu được, tuy nhiên, không ít nhà đại gia cũng... đua theo phong trào lấn đường làm đám cưới này.

Những người dân ở phường Hòa Phú, TP. Thủ Dầu Một (Bình Dương) có lẽ vẫn chưa quên được trại cưới "hoành tráng" chiếm hết 2/3 đại lộ Trần Quốc Toản vào ngày 28/7/2013. Rạp cưới được cho là của một đại gia bất động sản đã ngang nhiên lấn chiếm gần hết đường.

Bi hài xung quanh chuyện đám cưới... giữa đường 3
Rạp cưới chiếm dụng 2/3 lòng đại lộ

Để chiếm dụng hết mặt đường trước nhà làm nơi đãi tiệc, chủ nhân tiệc cưới đã dùng các biển báo “công trường đang thi công”. Hai bên đường dẫn vào nơi đãi tiệc dày đặc xế hộp đậu từ vỉa hè tràn xuống lòng đường.

Bi hài xung quanh chuyện đám cưới... giữa đường 4
Biển báo “công trường đang thi công” ngang nhiên được sử dụng vào mục đích riêng

Phần đường hẹp còn lại, ngoại trừ xe 2 bánh, các loại xe khác phải chạy trái chiều mới có thể tiếp tục lưu thông. Địa điểm dựng rạp cưới cách trụ sở UBND phường Hoà Phú vài trăm mét. "Khách đến dự cưới có một số cán bộ địa phương", một người dân cho biết.

Đường nhỏ dựng rạp nhỏ, đường to thì dựng rạp to, dường như "đám cưới giữa đường" đang trở thành một phong trào tùy tiện, làm mất cảnh quan nơi công cộng.

Không chỉ dựng rạp, nhiều nhà còn tận dụng ngay lòng đường làm bãi giữ xe cho khách, khiến con đường càng trở nên chật cứng.

Chị Nguyễn Thanh Hoa, một người đi đường, bức xúc: "Tôi không hiểu họ nghĩ gì mà cứ thi nhau làm đám cưới giữa đường như vậy. Đường phố chứ có phải nhà hàng, nhà riêng đâu mà dựng rạp chiếm hết lối đi. Chưa kể khách khứa cũng vừa ăn cỗ, vừa phải nơm nớp lo sợ có tay xế nào chệch tay lái khi đi qua hay không".

Không chỉ đón khách, tổ chức cỗ bàn, không ít gia chủ còn lắp hẳn hệ thống karaoke ngay trong rạp, mở nhạc tưng bừng làm người dân xung quanh buộc phải trở thành thính giả bất đắc dĩ.

Rõ ràng, dựng rạp ra ngoài đường phố thì rộng rãi, thoải mái lại "hạt dẻ", tiện mọi đường cho nhà gia chủ nhưng lại phiền hà đủ đường cho người tham gia giao thông. Phong trào đám cưới giữa đường không chỉ cản trở giao thông, thể hiện sự thiếu tôn trọng với cộng đồng mà còn làm mất mỹ quan đô thị.
aFamily

      © 2021 FAP
        3,886,739       571