Đời sống

Đổi tiền lẻ: Ngân hàng thờ ơ, giao dịch chui chặt chém

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo không in thêm tiền mới mệnh giá nhỏ, dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động rầm rộ với mức phí “cắt cổ”.

Cấm vẫn... tấp nập

Tại các kiốt bán hoa quả, hương, vàng lễ trước cổng chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội), người có nhu cầu dễ dàng đổi được tiền lẻ mệnh giá nhỏ tiền (500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng). Phí đổi tiền tùy thuộc vào mệnh giá tiền và tiền cũ hay mới, như tiền 500 đồng loại mới, tỷ lệ đổi là 3,5/10 (trả 100.000 đồng để đổi lấy 35.000 đồng tiền 1.000 đồng tỷ lệ đổi là 7/10 (100.000 đồng đổi được 70.000 đồng); 2.000 đồng tỷ lệ đổi là 8/10... Với tiền cũ, tỷ lệ đổi ở mệnh giá 500 đồng là 7/10, tiền 1.000 đồng là 8/10, tiền 2.000 đồng là 9/10...

Dịp Tết Nguyên đán 2014, NHNN sẽ không in tiền mới mệnh giá nhỏ để tránh gây lãng phí (do chi phí in tiền mệnh giá nhỏ rất lớn); Góp phần giảm việc sử dụng chưa phù hợp loại tiền này tại các đền, chùa, di tích, gây những hình ảnh phản cảm, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa trong đời sống tín ngưỡng dân gian và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam. NHNN đề nghị cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền lẻ ăn chênh lệch.

Đổi tiền lẻ: Ngân hàng thờ ơ, giao dịch chui chặt chém 1
Dịch vụ đổi tiền lẻ hoạt động rầm rộ mỗi dịp Tết.

Chị Hảo, một người bán hàng ở đây vừa lục tìm loại tiền cần đổi cho khách vừa nhanh mắt quan sát xung quanh cho biết, so với mấy năm trước, phí đổi tiền lẻ năm nay cao hơn rất nhiều vì “tiền mới không in nữa”, chị Hảo phân trần.

Không chỉ tại các khu vực cổng chùa, phủ... mà trên các trang mạng, dịch vụ đổi tiền cũng diễn ra công khai. Trên các trang rao vặt như rongbay, enbac, rồi hàng loạt những trang web chuyên đổi tiền như doitienle, doitienlegiare, doitienle... đều có những lời quảng cáo hấp dẫn về dịch vụ đổi tiền lẻ: “Phí thấp nhất thị trường, giao hàng tận nơi, có ưu đãi cho người đổi nhiều...”.

Liên hệ với số điện thoại 01644642xxx trên trang web doitien..., được biết phí đổi tiền lẻ thấp nhất là 5%, cao nhất là 200%. “Tiền mệnh giá 50.000 đồng, 20.000 đồng thì phí đổi chỉ 5%, nhưng tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng thì phí phải cao vì năm nay không in mới, tiền 2.000 đồng phí đổi 15%, 1.000 đồng phí đổi 20%, 500 đồng phí phải trên 100% nhé. Còn tùy đổi nhiều hay ít, đổi thời điểm nào nữa, càng gần Tết phí càng cao”, người đổi tiền cho hay.

Khi chúng tôi tỏ ra ngần ngại về việc hiện hoạt động đổi tiền ăn chênh lệch bị cấm, nên liệu giao dịch này có bị phạt không, người đổi tiền tỏ ra cáu kỉnh: “Giờ người dân cần tiền lẻ, tiền mới đi lì xì, lễ chùa đầu năm, nhưng cứ thử vào ngân hàng đổi như quy định xem có được không? Có cầu thì có cung, chúng tôi cũng mất đủ loại phí mới có được nguồn tiền mới, thì phải ăn chênh lệch chứ?”.

Khó đổi từ ngân hàng

Theo thông tin từ (NHNN), do dịp Tết Nguyên đán năm nay sẽ không in tiền mệnh giá từ 2.000 đồng trở xuống và sẽ đưa tiền lẻ đã qua sử dụng ra lưu thông để phục vụ nhu cầu của người dân. Ngày 2/1, chúng tôi tới chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cầu Giấy để hỏi thủ tục đổi tiền lẻ và nhận được cái nhìn hơi ngỡ ngàng của nhân viên giao dịch, sau đó là câu trả lời: “Hiện chúng tôi chưa chuẩn bị nguồn tiền lẻ để phục vụ nhu cầu đổi tiền dịp Tết”.

Tại chi nhánh Techcombank trên đường Hoàng Quốc Việt, nhân viên hướng dẫn giao dịch cho biết, ngân hàng không thực hiện đổi tiền lẻ cho cá nhân mà chỉ đổi cho cơ quan, doanh nghiệp. “Nếu cơ quan, doanh nghiệp của chị có yêu cầu, phải làm công văn và không mất phí đổi”, nhân viên này hướng dẫn.

Theo chị Mai Quỳnh, kế toán công ty TNHH Lâm Việt, năm nào chị cũng đổi tiền lẻ, tiền mới về chia cho các nhân viên trong công ty, vì chị là người thường xuyên giao dịch với ngân hàng. Thông thường, ngân hàng dành lượng tiền lẻ cho nhân viên và khách VIP (những khách giao dịch thường xuyên với lượng tiền giao dịch lớn tại ngân hàng), chỉ khi nào lượng tiền dồi dào, thì ngân hàng mới đổi cho khách giao dịch lẻ.

“Cũng phải thôi, nhân viên ngân hàng có biết bao việc phải làm, nhất là vào dịp cuối năm, lấy đâu ra nhân sự mà ngồi đổi tiền lẻ cho từng người dân có nhu cầu. Năm nay, nếu lượng tiền lẻ đã qua sử dụng dồi dào như thông báo của NHNN thì chắc cũng chỉ những khách đến giao dịch mới được đổi tiền và cũng phải những ngày cận Tết, khi nhu cầu của khách VIP, nhân viên của họ đã đủ thì mới đến lượt những khách lẻ này”, chị Quỳnh dự đoán.

aFamily

      © 2021 FAP
        4,067,412       673