"Tổng cộng là 9 năm mới làm đám cưới. Nhưng số phận nghiệt ngã, hai vợ chồng chỉ sống với nhau được có vài tháng thì anh ấy qua đời do tai nạn” – chị Dung bắt đầu câu chuyện về mối tình của mình.
Anh mất đã 3 năm, nhưng trên đầu giường ngủ của chị vẫn đặt bức ảnh anh chụp tự thuở nào. Chị bảo, chị để anh ở đó để anh nhìn thấy và che chở cho các con. Nhiều người biết đến chị qua ca sinh đôi kỳ diệu từ tinh trùng của người chồng đã khuất. Nhưng ít ai biết được, chính giá trị của tình yêu - thứ mật ngọt đã ươm nên mầm sống hôm nay mới là khởi nguồn của câu chuyện cổ tích…
Đằng đẵng đợi chờ
Có lẽ nếu có một cuộc bình chọn cho chuyện tình kỳ diệu và đẹp nhất năm 2013 thì câu chuyện của người mẹ trẻ Hoàng Thị Kim Dung xứng đáng đoạt giải nhất. Ngày 9/12/2013, chị Dung đã sinh thành công 2 bé trai kháu khỉnh Hoàng Hải và Hoàng Đức tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Kỳ diệu hơn, ca sinh nở được thực hiện bằng việc cấy ghép từ tinh trùng của người cha đã mất 3 năm trước đó. Động cơ nào để một người vợ trẻ quyết tâm lưu giữ một phần thân thể chồng rồi từ đó ươm lên những mầm sống thần kỳ? Tôi ngồi cả buổi chiều để lắng nghe những hồi ức sâu lắng của chị.
“Chúng em quen nhau từ những năm đầu đại học, nhưng phải 2 năm sau mới bắt đầu yêu. Ra trường mất thêm 5 năm đằng đẵng chờ đợi vì 1 đứa đi học nước ngoài. Tổng cộng là 9 năm mới làm đám cưới. Nhưng số phận nghiệt ngã, hai vợ chồng chỉ sống với nhau được có vài tháng thì anh ấy qua đời do tai nạn” – chị Dung bắt đầu câu chuyện về mối tình của mình một cách ngắn gọn với nụ cười ngượng ngùng.
Chuyện tình của chị Dung họa may chỉ có ở những tuýp người “cổ điển”. Chắc chị cũng là một mẫu người như thế? Chị tủm tỉm: "Em mang tiếng “Tây học”, nhưng lại là dân kỹ thuật (chị theo ngành Cơ khí động lực – ĐH Bách khoa) thế nên chắc không lãng mạn như các cô gái khác. Chỉ có điều đã yêu ai là yêu sâu lắng, yêu thật lòng".
Sau hai năm đầu đại học, chị Dung đã đón nhận tình yêu của người bạn trai đồng hương xứ Nghệ. Chị bảo, em quen anh ấy vì chơi cùng nhóm bạn chung, ở quê nhà hai đứa lại gần nhau. Chính những ngày còn đi học là quãng thời gian chúng em được gần nhau nhất. Học xong đại học, anh ấy ra trường đi làm, còn em nhận được học bổng toàn phần nên sang Pháp du học. 5 năm ở trời Tây, em chỉ về phép duy nhất 1 lần. Bọn em chủ yếu liên lạc với nhau qua Yahoo Chat. Anh ấy là kỹ sư Toán tin nên công việc cả ngày chủ yếu là làm việc trên máy tính. Em cũng thường xuyên phải tìm tài liệu trên mạng.
Tuy xa nhau, nhưng cứ mỗi sáng thức dậy thì việc đầu tiên là online để gặp người yêu. Chào hỏi nhau xong thì ai vào việc người nấy. Thỉnh thoảng giải lao thì bật cửa sổ Webcam ngắm người yêu một chút rồi thôi. Suốt 5 năm bọn em cứ yêu online như vậy.
Nụ cười vĩnh cửu
“Có một sự trùng hợp, khi chúng em yêu nhau thì với cả 2 đều là mối tình đầu”, chị Dung bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm với chồng – anh Hồ Sỹ Ngọc – những ngày anh còn sống. "Bọn em đều là dân kỹ thuật nên chẳng lãng mạn như người ta. Ngày còn học đại học, hai đứa đi chơi với nhau cũng ít. Họa hoằn lắm có đi thì toàn đi chung cả nhóm bạn. Đến khi ra trường, em nhận được học bổng, anh ấy cứ động viên em đi học cho bằng được. Em hỏi, anh không sợ em đi Tây rồi yêu người khác mất à? Anh Ngọc chỉ cười".
Hồi ấy, chị biền biệt xứ người, dù chưa phải vợ chồng chính thức nhưng hễ thấy nhà người yêu có việc là anh Ngọc xắn tay vào lo như người nhà. Chị kể, em trai chị bị ốm phải lên Hà Nội nằm viện, anh ấy đi đi lại lại cả tháng trời chăm sóc. Mọi thứ cứ thế trôi đi trong 5 năm cho đến khi chị hoàn thành xong luận án Tiến sĩ và về nước làm đám cưới.
Ngày nhận tin anh bị tai nạn và mất, chị choáng váng muốn xỉu, nhưng vẫn đủ tỉnh táo để có một quyết định gây bất ngờ cho cả nhà, đó là việc đề nghị các bác sĩ giữ lại mẫu tinh trùng của người chồng quá cố. Liên tiếp hàng chục cú điện thoại chị gọi sang Pháp – nơi chị từng du học để xin tư vấn về lưu giữ mẫu sinh học tế bào người. Rồi lại vất vả đi tìm bác sĩ, bệnh viện tại Việt Nam nhận giúp đỡ. Cuối cùng thì chị cũng tìm được tới đúng nơi mình cần.
Nhiều người hỏi: Tại sao trong lúc bối rối ấy mà chị vẫn đủ thời gian để suy nghĩ về việc đó? Chị chỉ cười: “Vì em yêu anh ấy”.
Việc làm của chị không gặp trở ngại từ hai bên gia đình, nhưng từ bạn bè lại khá nhiều người phản đối. Có người mắng chị: “Mày còn trẻ, nên tìm một người đàn ông mà làm chỗ dựa cho bản thân và con gái. Nếu bây giờ mày đẻ thêm nữa thì sẽ rất khó lấy chồng và nuôi con càng thêm vất vả”.
Nhưng họ đâu có hiểu, chị chẳng nghĩ rằng mình sẽ có thêm một người đàn ông nào nữa. Mọi lời phản đối đều trở nên thừa thãi khi nghe chị tâm sự: “Hồi em có thai cô con gái lớn, anh Ngọc đã từng ao ước có thêm một đứa con trai. Hai cu con này chính là ước nguyện cuối cùng của anh ấy”.
Còn tôi, tôi cũng chẳng ngạc nhiên thêm nữa khi suốt 3 năm qua, bức ảnh của anh vẫn ngự trị nơi đầu giường. Và có lẽ anh sẽ vẫn còn ở đó mỉm cười cho tới khi những đứa trẻ hôm nay khôn lớn.