Khi Hà Nội về khuya, hầu hết mọi người đều tìm về tổ ấm, mái nhà của mình để chìm trong giấc ngủ. Thế nhưng ở đâu đó trên nhiều tuyến phố vẫn có hàng chục người phải ngủ ngoài đường với vài mảnh chăn mỏng manh…
Hà Nội vốn hào hoa, tấp nập và phát triển với sự ồn ào, náo nhiệt nhưng đằng sau lại có những mảnh đời kém may mắn hay nói đúng hơn họ là những người vô gia cư, không gia đình, không nhà cửa. Với họ vỉa hè là giường, các tuyến phố là nhà.
Để hiểu hơn về cuộc sống của những người vô gia cư, những người phải chọn vỉa hè, trụ ATM hay bất cứ nơi nào có thể ngã lưng làm giường, chúng tôi đã phải sống, phải chống chọi với cái lạnh cắt da cắt thịt khi thời gian đã trôi sang ngày hôm sau.
Không nhà cửa, không có hoặc xa gia đình những người vô gia cư phải chọn vỉa hè làm giường trong cái lạnh cắt da cắt thịt.
Cứ đi rồi sẽ cảm nhận và thực tế chúng tôi đã “sờ tận tay, thấy tận mắt” cuộc sống về đêm của những người kém may mắn. Với họ cuộc sống giống như những chuỗi ngày dài của sự cô đơn, khổ cực, thậm chí nhiều người còn ví von một cách chua cay rằng: Đó là niềm "hạnh phúc" mà ít người từng trải nghiệm…
Những giấc ngủ đã quen với tiếng xe máy, ô tô "gầm rú" bên tai hoặc cũng có thể giấc ngủ chẳng bao giờ trọn vẹn.
Gặp cụ Tài (người ở Thanh Sơn – Phú Thọ) đang nằm ngủ ngon lành ở hiên nhà vệ sinh công cộng tại trạm trung chuyển xe buýt Long Biên cũng là lúc cụ đang chuẩn bị trải chăn chiếu xuống ngủ. Cụ Tài móm mém nói: “Ở quê chẳng có việc gì làm nên đành lên Hà Nội mưu sinh bằng nghề nhặt rác kiếm sống. Ban ngày với chiếc xe đạp cũ nhưng vô cùng quý giá, tôi đi long dong hết phố này đến phố khác để mưu sinh, tối lại về đây ngả lưng”.
Cụ Tài cuộn tròn trong chiếc chăn cạnh nhà vệ sinh công cộng.
Chiếc xe đạp là tài sản duy nhất nên cụ phải khóa cẩn thận.
Theo quan sát của chúng tôi, chiếc xe đạp là tài sản duy nhất của cụ được khóa cẩn thận vào thành cột inox, còn những chiếc chăn được một số người tốt bụng cho cụ cách đây 2 tháng. Nói về thu nhập cụ chia sẻ: “Mỗi ngày chỉ được dăm bảy chục ngàn thôi, ngoài trang trải cho ăn uống sinh hoạt thì cụ còn gom góp mỗi tháng cũng được hơn 1 triệu đồng để làm vốn để lo hậu sự sau này”.
Rời điểm trên, chúng tôi có mặt tại bốt Hàng Đậu, tại đây những người vô gia cư làm nhiều nghề khác nhau như: Nhặt rác, buôn đồng nát, đánh giầy, làm thuê, thậm chí là những bác xe ôm cũng chọn góc khuất nào đó để ngả lưng.
Đầu đường Nguyễn Biểu, một người nằm cuộn tròn trong chiếc chăn mỏng tang.
Đầu đường Nguyễn Biểu, một người đang nằm ngọn lỏn và cuộn tròn trong chiếc chăn mỏng manh dưới cái lạnh se sắt những ngày đông Hà Nội. Dường như mọi sự ồn ào của những chiếc xe máy, ô tô đã quá đỗi quen thuộc trong những giấc ngủ của người đàn ông kia hoặc cũng có thể giấc ngủ chập chờn đang bủa vây thể xác…
Bác Vinh (người gốc ở Nghệ An) đã nhiều năm nay sống bằng nghề làm thuê, ai thuê gì làm nấy và cũng chừng ấy năm bác chọn vỉa hè, trụ ATM hoặc bất cứ một góc khuất nào đó để ngả lưng sau ngày làm việc vất vả.
"Ngủ ở vỉa hè mà không bị đuổi là may mắn lắm rồi".
“Thuê nhà cũng được nhưng tiền làm ra chẳng thể đủ nên đành ngủ ngoài đường thôi. Trời lạnh thế này chỉ mong người ta không đuổi tôi đi và cho ngủ vỉa hè là may lẳm rồi”, bác ngậm ngùi nói.
Thức trọn một đêm với những người vô gia cư, với những mảnh đời kém may mắn phải chọn vỉa hè làm giường trong cái lạnh tê tái mới thấu hiểu và trân trọng những giá trị quá đỗi thông thường nhưng đó lại là niềm khát khao của biết bao người đang phải sống lang thang không nhà, không cửa…