Chiều 10.5, ông Trịnh Việt Dũng - Kiểm soát viên thị trường, Phòng chống hàng giả (Cục Quản lý thị trường) cho biết, đơn vị vừa nhận được văn bản của Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc kiến nghị kiểm tra hoạt động của Mumuso Việt Nam.
Hình ảnh so sánh mỹ phẩm tại Hàn Quốc và sản phẩm được bán ở Mumuso Việt Nam do trang tin SBS đăng tải.
Động thái này của Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc được đưa ra sau khi truyền thông Hàn Quốc thông tin, mặc dù mang danh thương hiệu đến từ Hàn Quốc nhưng trụ sở chính của Mumuso lại đặt tại Thượng Hải (Trung Quốc). Chưa hết, trên nhiều sản phẩm của Mumuso cũng ghi rõ, xuất xứ đều từ Trung Quốc.
“Sau khi tiếp nhận văn bản, Cục quản lý thị trường vẫn đang kiểm tra hồ sơ, giấy tờ pháp lý của thương hiệu này” – ông Dũng thông tin.
Sản phẩm của Mumuso Việt Nam giống hết thương hiệu nổi tiếng tại Hàn Quốc. Ảnh: Hà Phương
Trước câu hỏi của PV về việc nhiều sản phẩm của Mumuso Việt Nam giống hệt với các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng trên, ông Dũng cho rằng: Nếu đúng Mumuso Việt Nam có hành vi làm nhái các sản phẩm này thì cũng khó xử lý bởi chủ của thương hiệu tại Hàn Quốc bị làm nhái không có đơn khiếu kiện.
“Chủ thương hiệu tại Hàn Quốc phải có đăng ký bảo hộ sản phẩm tại Việt Nam. Nếu phát hiện vi phạm bản quyền thì chủ thương hiệu có đơn kiện, từ đó chúng tôi mới có cơ sở kiểm tra, xử lý” – ông Dũng nói.
Trước câu chuyện một số thương hiệu nước ngoài nhưng bán hàng Trung Quốc lừa dối người tiêu dùng, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan - nguyên Tổng Thư ký và Phó Chủ tịch của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cho rằng, trên thực tế, một số chuỗi cửa hàng có thể phân phối hàng hóa của các nước khác nhau chứ không bắt buộc một loại hàng hóa của một quốc gia cụ thể nào, miễn các mặt hàng này có hóa đơn, chứng từ đầy đủ.
“Tại những chuỗi cửa hàng, người bán thường xen kẽ các loại hàng hóa có nguồn gốc khác nhau. Người tiêu dùng cần đọc kỹ hướng dẫn, kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm này trước khi mua” – bà Lan nói.
Bà Lan nhận định: Gần đây, truyền thông trong nước đã phản ánh tình trạng một số công ty của Trung Quốc nhái các thương hiệu Hàn Quốc, Nhật Bản để bán hàng, lừa đảo người tiêu dùng. Bà Lan nêu ví dụ, một số công ty có thể đăng ký kinh doanh tại Hàn Quốc nhưng sản phẩm của họ không phải là sản phẩm Hàn Quốc.
“Từ câu chuyện này, các cơ quan quản lý nhà nước cần kiểm tra việc cấp giấy phép đăng ký kinh doanh của các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam. Sau khi kiểm tra, chúng ta sẽ kiểm soát được việc doanh nghiệp bán bao nhiêu phần trăm hàng Hàn Quốc, Nhật Bản hay cả Trung Quốc” - bà Lan nói.
MUMUISO, mumuso việt nam, doanh nghiệp Hàn Quốc, Phòng chống hàng giả, Cục Quản lý thị trường