Sức khỏe

Phong bì bệnh viện: Khó cấm!

Nhiều bệnh viện từ lâu đã áp dụng quy định cấm đưa - nhận phong bì trong khám chữa bệnh nhưng gần như vẫn không ngăn chặn được

Những ngày qua, dư luận xôn xao khi trên mạng xã hội xuất hiện một đoạn video clip ghi lại cảnh một nữ cán bộ y tế của cơ sở 3 Bệnh viện (BV) K công khai nhận phong bì từ người nhà bệnh nhân rồi chia lại cho các đồng nghiệp. Vụ việc khiến nhiều người hoài nghi về nỗ lực “nói không với phong bì” của ngành y tế bấy lâu nay.

“Mua” sự yên tâm

Lãnh đạo Bộ Y tế từng thừa nhận dẹp nạn phong bì trong ngành y là cuộc chiến lâu dài bởi nó đã thành một thứ bệnh nan y lâu năm trong bối cảnh nhiều BV quá tải, lương nhân viên y tế còn thấp…

Thực tế cho thấy tại các BV công, tình trạng bệnh nhân đưa phong bì để cảm ơn y - bác sĩ đã trở thành một thứ luật bất thành văn. Đưa phong bì 2-3 triệu đồng cho kíp mổ, kíp đỡ đẻ hay dấm giúi ít tiền cho hộ lý, điều dưỡng là cách mà người nhà bệnh nhân hay làm để mong người thân được chăm sóc tốt hơn. Một người nhà bệnh nhân thừa nhận: “Không có mức giá chung nào nhưng ít nhiều gì cũng phải “cảm ơn” để được bác sĩ tận tình hơn”.

Bác sĩ Vũ Xuân Phú, Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương, cho rằng vì thiếu niềm tin, cảm nhận thái độ thiếu sự thân thiện của bác sĩ cũng như thấy mọi thứ không minh bạch, sòng phẳng nên người dân đành phải “mua” sự yên tâm bằng cái phong bì. Lên án hành vi nhũng nhiễu, làm khó để lấy tiền của người bệnh, vi phạm y đức nhưng ông Phú cũng nêu thực tế khó có thể tránh tiêu cực khi người nhà, người bệnh vẫn cứ lo lót, “bồi dưỡng” trong khi đồng lương của nhân viên y tế còn eo hẹp.

Theo bác sĩ Phú, thời gian qua, nỗ lực “nói không với phong bì” của ngành y song song với cải tiến quy trình, thủ tục, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh đã giúp hạn chế đáng kể vấn nạn phong bì. Tuy nhiên, ở đây cần phải nhận dạng cho rõ tính 2 mặt của “văn hóa phong bì” để xác định hành vi đưa- nhận phong bì có vi phạm pháp luật hay không. “Sẽ là mất đạo đức khi vòi vĩnh bệnh nhân nhưng thành niềm vinh dự nếu vì y bác sĩ làm tốt, làm đúng và được người bệnh tự nguyện cảm ơn” - bác sĩ Phú nhấn mạnh.

Dưới góc độ y đức, bác sĩ Phú nhìn nhận: “Có những bệnh nhân sau khi xuất viện cả tháng trời vẫn quay lại cảm ơn bác sĩ bởi họ trân trọng sự giúp đỡ của thầy thuốc. Những tình cảm như vậy nhiều khi không nỡ chối từ. Thế nhưng, nếu bác sĩ có thái độ hạch sách, ban ơn; còn người bệnh cố tình đưa phong bì cho nhân viên y tế rồi quay clip thì rất đáng lên án”.

Phải chế tài nghiêm khắc

Phân tích chuyện phong bì trong BV, BS Dương Đức Hùng, Trưởng Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng theo phong tục của người Á Đông, khi chúc mừng hay cảm ơn ai đó, người ta thường tặng quà. Nhưng ngày nay, thay vì tặng quà, người ta chuyển thành cái phong bì.

Nhiều bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân cũng chọn cách cảm ơn bằng phong bì với bác sĩ. Theo thời gian, hình thức này bị lạm dụng khiến biến mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân thành mối quan hệ mua - bán. Loại phong bì mà dư luận thường lên án đó là nhân viên y tế cố tình nhũng nhiễu, tạo áp lực đối với bệnh nhân, gây khó khăn cho họ.

Bác sĩ Hùng cho rằng cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc nhằm ngăn ngừa hành vi nhũng nhiễu, nhận phong bì. Song song đó, các BV coi trọng tập huấn về quy tắc ứng xử, giáo dục y đức, có chính sách, biện pháp chăm lo, đảm bảo được đời sống cho nhân viên y tế, tránh việc vì “cơm áo” mà nhắm mắt làm sai.

Với trường hợp người bệnh tự nguyện tặng quà, phong bì vì được bác sĩ tận tình chăm sóc thì xử lý thế nào? “Trách nhiệm của y bác sĩ là tận tâm chữa bệnh, cứu người. Nhưng đôi lúc người bệnh vì muốn cảm ơn mà nài nỉ, nhất quyết không chịu nhận lại phong bì khi mình từ chối. Khi ấy, giải pháp đơn giản nhất là công khai khoản này để cả người bệnh và tập thể khoa phòng biết, sử dụng số tiền vào việc chung như mua sắm thêm trang thiết bị cho khoa, cho người bệnh hoặc giúp đỡ bệnh nhân khác” - bác sĩ Hùng đề xuất.

Bài và ảnh: Ngọc Dung
Người lao động

      © 2021 FAP
        17,274,636       214