Các nhà khoa học Mỹ tại Học viện Y khoa St. Louis thuộc ĐH Washington phát hiện một số người béo phì không có những biến chứng về chuyển hóa dinh dưỡng trong cơ thể vốn liên quan tới bệnh đái tháo đường, bệnh tim và đột quỵ như người ta thường nghĩ, ngay cả khi họ tăng cân.
Trong công trình được công bố trên tờ Journal of Clinical Investigation, nhóm nghiên cứu đã yêu cầu 20 người béo phì tăng khẩu phần ăn thêm 1.000 calo/ ngày, đặc biệt là dùng thức ăn nhanh dưới sự giám sát của chuyên gia dinh dưỡng để thể trọng tăng 6% trong vòng vài tháng. Sau đó, họ được yêu cầu ăn ít lại để giảm cân.
Một số người béo phì không có biến chứng về chuyển hóa dinh dưỡng. Ảnh: Top Santé
Trong khoảng thời gian này, các nhà khoa học xem xét liệu rối loạn chuyển hóa có xảy ra và trầm trọng thêm không và khảo sát khả năng gia tăng mức độ nguy cơ đái tháo đường, bệnh tim và đột quỵ. Nhóm nghiên cứu phát hiện có 1/4 trong số người này vẫn có sự trao đổi chất bình thường trong cơ thể dù họ có tăng cân. Mỡ cũng không tích tụ quá nhiều trong gan của nhóm người này so với số 3/4 còn lại. Các nhà khoa học giải thích rằng khác biệt là do chức năng về gien trong mô mỡ. Theo đó, hoạt động của các gien liên quan gia tăng khi những người vốn có sự chuyển hóa bình thường tăng cân. Hoạt động này không tăng đáng kể ở những người vốn đã bị rối loạn chuyển hóa.