Sức khỏe

Có con từ... bụng người khác, phải làm sao?

Có phải mang thai hộ là tinh trùng của người chồng được đi "du lịch" như nhiều người vẫn nghĩ?

ThS-BS Vương Thị Ngọc Lan, giảng viên Đại học Y dược TP HCM, đánh giá việc cho phép mang thai hộ sẽ mở ra cánh cửa hy vọng cho những trường hợp hiếm muộn đặc biệt ở Việt Nam.

Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan kể cách đây 2 năm, có một phụ nữ tìm đến với mong muốn nhận được sự giúp đỡ để có một đứa con. Chị kể mình bị biến chứng khi sinh và đứa nhỏ đã mất, chị thì bị cắt bỏ tử cung và phải nằm hôn mê 3 tuần trong bệnh viện.

Đã 3 năm trôi qua sau sự việc đau lòng và gia đình chồng cũng không nhắc gì đến chuyện có cháu nhưng tự bản thân chị cảm thấy rất áp lực vì chồng là con duy nhất trong gia đình. Lúc đó, việc mang thai hộ chưa được cho phép ở VN, còn việc ra nước ngoài thực hiện thì khả năng tài chính của chị lại không cho phép.

Mang thai hộ dựa trên kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

BS Lan cho biết trong quá trình thăm khám và điều trị của mình, chị nhận ra rất nhiều người muốn được làm mẹ, muốn được mang thai đứa con của mình nhưng chỉ vì hoàn cảnh đặc biệt mà phải nhờ đến sự giúp đỡ của người khác.

“Tôi nghĩ chỉ một số ít trường hợp cần nhờ đến kỹ thuật mang thai hộ khi hoàn cảnh bắt buộc chứ không phải vì thích mà lạm dụng như nhiều người lo ngại”, BS Lan đánh giá. Bác sĩ Vương Thị Ngọc Lan cho biết việc cho phép mang thai hộ sẽ là lối ra cho những người có hoàn cảnh như người phụ nữ trong câu chuyện trên.

Một công đoạn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM): đưa phôi vào máy hạ nhiệt độ xuống -150OC - Ảnh: T.T.D.

Một công đoạn thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM): đưa phôi vào máy hạ nhiệt độ xuống -150OC - Ảnh: T.T.D.

Cụ thể ở ba nhóm đối tượng cần nhờ đến sự can thiệp của kỹ thuật mang thai hộ, theo BS Lan là: những người bị dị tật bẩm sinh không có tử cung, những người phải cắt tử cung vì tai biến sản khoa và những người mắc các bệnh lý nội khoa, được chỉ định không nên mang thai.

ThS-BS Hồ Mạnh Tường, thư ký Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP HCM, nhận định: “Đây là một biểu hiện rất tích cực của những nhà làm luật trong thời gian qua”.

Nhiều phụ nữ hiếm muộn rất mong có người mang thai hộ để có được một đứa con - Ảnh: THUẬN THẮNG

Nhiều phụ nữ hiếm muộn rất mong có người mang thai hộ để có được một đứa con - Ảnh: Thuận Thắng

BS Hồ Mạnh Tường và BS Vương Thị Ngọc Lan cho rằng kỹ thuật mang thai hộ dựa trên kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

BS Vương Thị Ngọc Lan cho biết khi mang thai hộ thì noãn là của người vợ, tinh trùng là của người chồng, thụ tinh xong thì đưa phôi vào cơ thể người mang thai hộ. “Về kỹ thuật thì không có gì phức tạp”, BS Tường nhận định.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu - phó chủ tịch Đoàn luật sư TP HCM, các văn bản dưới luật phải quy định rõ về mặt pháp lý, tâm lý, y tế cho những người mang thai hộ để tránh những tranh chấp sau này.

Có thể đối diện với nguy cơ tranh chấp con

“Có thể có những nguy cơ tiềm ẩn đối với người mang thai hộ”, BS Vương Thị Ngọc Lan đánh giá. BS Lan đưa ra những tình huống như người mang thai hộ gặp biến chứng sau sinh và phải cắt bỏ tử cung, như vậy người này không thể có con sau đó nữa.

“Và có thể họ lại trở thành một đối tượng cần mang thai hộ”, BS Lan nói. Tuy nhiên, BS Lan cho rằng những tình huống, những nguy cơ như vậy tuy không nhiều nhưng cũng có khả năng xảy ra. Những cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ cũng có thể đối diện với nguy cơ tranh chấp con nếu người mang thai hộ không thể có con sau khi sinh con hộ và muốn nhận lại đứa con mình sinh ra.

Lúc này đứa trẻ sẽ đứng giữa sự tranh chấp bởi giấy chứng sinh của bệnh viện là tên người mang thai hộ nhưng ADN của bé lại thuộc về một cặp vợ chồng khác.

Đăng ký khám bệnh tại khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) - Ảnh: Hữu Khoa

Đăng ký khám bệnh tại khoa hiếm muộn Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) - Ảnh: Hữu Khoa

Theo BS Ngọc Lan, những thông tư hướng dẫn của Bộ Y tế cần phải cụ thể hóa những vấn đề này để tránh các tranh chấp có thể xảy ra.

Những cặp vợ chồng và những người mang thai hộ cần tìm hiểu kỹ về việc mình sẽ làm ở cả góc độ y khoa và pháp luật. Đó là lời khuyên của BS Hồ Mạnh Tường. “Nên tìm hiểu kỹ trước khi thực hiện sẽ tránh được các nguy cơ có thể xảy ra”, BS Tường nói.

Làm sao nếu có biến cố xảy ra?

PGS-TS Lưu Thị Hồng, vụ trưởng Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), nói: “Khi bàn thảo dự luật này đã có những ý kiến cho rằng có trường hợp nhờ mang thai hộ nhưng sau đó gia đình nhờ mang thai có biến cố, không chịu nhận con. Hoặc có trường hợp người mang thai hộ không chịu trao trả con. Luật đã quy định những trường hợp này sẽ do tòa án giải quyết các tranh chấp”.

Thái Lan sẽ cấm dịch vụ mang thai hộ. Bé Gammy bị bệnh Down bị cha mẹ người Úc bỏ rơi - Ảnh: Bangkok Post

Thái Lan sẽ cấm dịch vụ mang thai hộ. Bé Gammy bị bệnh Down bị cha mẹ người Úc bỏ rơi - Ảnh: Bangkok Post

Luật pháp VN chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, và chỉ cho nhờ mang thai/mang thai hộ giữa họ hàng thân thích. Tuy nhiên, thực tế có những người không có chị em gái hoặc chị em gái không đủ điều kiện giúp mang thai hộ thì giải quyết ra sao?

Thứ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Viết Tiến nói quá trình hỗ trợ sinh sản là một quá trình dài, các bác sĩ hoàn toàn đủ thời gian và điều kiện thẩm định việc nhờ và mang thai hộ có yếu tố thương mại hay không.

Theo ông Nguyễn Viết Tiến, có ba cơ sở y tế là Bệnh viện Phụ sản trung ương ở miền Bắc, Bệnh viện Trung ương Huế ở miền Trung và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ ở miền Nam được phép hỗ trợ các gia đình cần nhờ người mang thai hộ.

Lan Anh

Người lao động

mang thai hộ, mang thai, người phụ nữ, phó chủ tịch, tai biến sản khoa, dị tật bẩm sinh, Bệnh viện Từ Dũ, cắt bỏ tử cung, đoàn luật sư TP HCM, bệnh vi


      © 2021 FAP
        17,368,115       543