Sức khỏe

Chịu áp lực nặng, trẻ dễ bị tâm thần

Biểu hiện buồn chán, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính cách, dằn vặt về kết quả học tập, thi cử… là những dấu hiệu của rối loạn sức khỏe tâm thần ở trẻ em

Ngoài những vấn đề sức khỏe tâm thần thường gặp ở trẻ em là tự kỷ, tăng động giảm chú ý, gần đây, các bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bị rối loạn sức khỏe tâm thần với các biểu hiện: mất ngủ, nôn ói, đau bụng, đau đầu… Theo các bác sĩ, nếu các vấn đề tâm lý không được giải quyết sớm thì khi lớn lên, trẻ sẽ suy nghĩ lệch lạc, thậm chí có những hành vi đáng tiếc.

Bệnh lý tâm thần rất đa dạng

Cứ đến giờ kiểm tra là Trần Ngọc Minh (11 tuổi) lại lên cơn đau bụng, thậm chí có những lần bạn bè, thầy cô giáo đã phải đưa Minh xuống phòng y tế của trường theo dõi sức khỏe vì cơn đau khiến em tím tái, mồ hôi túa ra. Có những buổi tối ngồi vào bàn học, nhìn bài vở chồng chất, Minh lại lên cơn đau đầu, đau bụng dữ dội. Thế nhưng, chỉ sau một lúc được bố mẹ cho vui chơi, xem tivi thì Minh trở lại bình thường. Sợ con bị đau dạ dày, bố mẹ đã đưa Minh đi khám, xét nghiệm nhưng không phát hiện điều gì bất thường. Cuối cùng, bác sĩ khuyên gia đình đưa con đi khám sức khỏe tâm thần. Lúc đầu, bố bé Minh miễn cưỡng nhưng sau khi nghe bác sĩ giải thích, ông mới đồng ý.

Nhiều trẻ nhỏ đến khám tại các chuyên khoa tâm thần với biểu hiện tăng động giảm chú ý, rối loạn giấc ngủ
Nhiều trẻ nhỏ đến khám tại các chuyên khoa tâm thần với biểu hiện tăng động giảm chú ý, rối loạn giấc ngủ

Bác sĩ Lý Trần Tình, Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết nói đến bệnh tâm thần, người ta thường nghĩ rằng đó là tình trạng điên loạn, hoang tưởng, dở hơi… nhưng thực chất đó chỉ là một số ít trong hàng trăm mã bệnh tâm thần. Trong khi đó, các bất thường về tâm lý như ăn kém ngon, đau đầu, mất ngủ vài tuần, buồn chán, hay cáu gắt, người mệt mỏi không rõ nguyên nhân… đều được coi là vấn đề tâm thần. Tỉ lệ này khá cao.

Với cuộc sống hiện đại, những biểu hiện sức khỏe tâm thần như bệnh nhi nói trên không phải hiếm gặp. “Do áp lực học tập, lại thường xuyên bị cha mẹ thúc ép phải được điểm tốt nên nhiều trẻ bị căng thẳng, sợ hãi, lo âu, dẫn đến bị rối loạn thực vật kèm theo các chứng như run, vã mồ hôi, đau đầu, đau bụng không rõ nguyên nhân. Thậm chí, có những cháu bé trước khi đến lớp là có các dấu hiệu nôn, đau bụng, nhức đầu hoặc có trẻ cứ nghĩ đến chuyện thi cử là vã mồ hôi, đau đầu… Không ít phụ huynh thấy vậy phát hoảng vội đưa con đến bệnh viện nhưng điều trị mãi không hết. Đây chính là những biểu hiện của sức khỏe tâm thần do tâm lý của các em không tốt dẫn đến việc kiểm soát hành vi kém” - bác sĩ Tình giải thích.

Cần nhìn thẳng vào sự thật

Theo bác sĩ Tình, điều tra tại một số trường tiểu học và THCS tại Hà Nội cho thấy hơn 15% trẻ em 6-14 tuổi gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần như tăng động giảm chú ý, trầm cảm, lo âu, rối loạn hành vi. Có khoảng 3%-10% các em cũng bị chứng tăng động giảm chú ý. Các em thường gặp các triệu chứng lo âu, trầm cảm, chống đối, đau đầu, đau bụng không rõ nguyên nhân. Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng suy sụp sức khỏe này là do các em sống trong môi trường căng thẳng như: bạo lực gia đình, cha mẹ thiếu quan tâm, các cú sốc tâm lý, áp lực học tập. Tuy nhiên, theo bác sĩ Tình, hầu hết các bậc cha mẹ và thầy cô đều không nhận thức được vấn đề ở các em, chỉ cho rằng con cái, học trò của mình hơi hiếu động, mất tập trung… “Khi công bố kết quả nghiên cứu, một số thầy cô hốt hoảng bởi cho rằng nếu như ai đó biết trường của họ có tới 15%-20% học sinh gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần thì ai dám đưa con đến trường học. Còn các bậc cha mẹ thì sợ bị cười chê là có con bị “tâm thần” nên giấu bệnh của con mà không đưa đi điều trị” - bác sĩ Tình cho biết.

PGS-TS Trần Hữu Bình, nguyên Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, cho biết ở trẻ vị thành niên, các rối loạn về sức khỏe tâm thần thường gặp là rối loạn giấc ngủ, đau đầu, đau bụng; trẻ cũng thường có biểu hiện lo sợ, nhút nhát, thụ động… “Không ít học sinh đã phải nhập viện điều trị, thậm chí tự tử, vì sang chấn tâm lý sau khi có kết quả thi đại học hoặc do làm bài không tốt. Nguyên nhân do cha mẹ, nhà trường đặt kỳ vọng quá lớn, tạo thành áp lực cho các em. Không ít những bệnh nhân vào viện điều trị rơi vào trạng thái buồn chán, trầm cảm, tuyệt vọng” - PGS Bình nói.

Theo PGS Bình, bằng việc quan sát, các bậc cha mẹ có thể phát hiện những dấu hiệu của rối loạn sức khỏe tâm thần ở con cái. Đó thường là biểu hiện buồn chán, lo lắng, rối loạn giấc ngủ, thay đổi tính cách hay dằn vặt về kết quả học tập, thi cử…

Lưu ý độ tuổi vị thành niên

Các chuyên gia cho rằng để hạn chế tình trạng trẻ em có các rối loạn về sức khỏe tâm thần, vấn đề quan trọng nhất là gia đình và nhà trường phải kết hợp chặt chẽ trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ, không nên tạo áp lực cho trẻ, nhất là trẻ đang trong độ tuổi vị thành niên, bởi đây là lứa tuổi có nhiều biến đổi về tâm sinh lý, rất dễ bị kích động, thậm chí có hành vi tự tử.

Người lao động

      © 2021 FAP
        17,400,638       729