Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ mổ lấy thai chỉ nên giới hạn dưới mức 15% để tránh tai biến và nếu không vì lý do y khoa thì không được mổ lấy thai trước 39 tuần
Trong 30 năm qua, số ca mổ lấy thai tiếp tục tăng cao trên thế giới, có nơi lên đến 70%. Riêng tại
TP HCM, tỉ lệ mổ lấy thai ở nhiều bệnh viện khoảng 40%. Xét về phương diện y khoa, mổ lấy thai có 2 loại: mổ lúc chưa chuyển dạ và mổ lúc đang chuyển dạ.
Mổ lấy thai trước khi chuyển dạ
Do các nguyên nhân: Khung chậu người mẹ bất thường như hẹp, méo; đường xuống của thai bị cản trở do bị các khối u tiền đạo, nhau tiền đạo trung tâm. Ngoài ra còn do tử cung có sẹo, mẹ bị cao huyết áp, nhiễm độc thai nghén, âm đạo bị chít hẹp bẩm sinh hay mắc phải (do nạo phá thai nhiều lần) hoặc bị rách trong các lần đẻ trước không được khâu phục hồi tốt hoặc do mổ sa sinh dục, do dị dạng sinh dục như tử cung đôi, tử cung 2 sừng. Về phía thai nhi, có thể thấy các trường hợp như thai bị suy mạn tính, thai bị suy dinh dưỡng nặng, bất đồng nhóm máu.
Mổ lấy thai khi đang chuyển dạ
Mẹ bị chảy máu âm đạo như trong nhau tiền đạo, dọa vỡ tử cung, nhau bong non, sa dây rau, thai to, dây rau quấn cổ thai nhi, thai to, ngôi thai bất thường, thai già tháng, đa thai. Nếu mẹ có các tình trạng sau cũng cần phải mổ: Trước đây đã mổ lấy thai rồi; mẹ lớn tuổi (hơn 35 tuổi) hay lập gia đình muộn; đã điều trị vô sinh lâu năm và lần này có con so; mẹ bị thiếu máu nặng, đái tháo đường không được kiểm soát; ung thư cổ tử cung...
Chị N.T.G (28 tuổi; huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) tâm sự: “Sinh đứa đầu xong, tôi nghe bạn bè nói nếu mang bầu đứa thứ 2 thì nên sinh mổ, nếu không “chỗ ấy” không còn như xưa. Mà cũng lạ, khi sinh đứa đầu xong, tôi cảm giác chuyện quan hệ vợ chồng không còn như xưa. Thôi thì lần mang bầu thứ 2 phải sinh mổ thôi để giữ chồng”... Theo các bác sĩ sản khoa, các quan niệm như thế mang tính cổ hủ, không mang tính khoa học, chỉ gặp ở một số rất ít chị em phụ nữ.
82% bác sĩ muốn thai phụ sinh mổ
Hiện nay, các bệnh viện đều có đường dây nóng nên các bác sĩ đều rất cẩn trọng. Có đến 82% bác sĩ muốn thai phụ sinh mổ vì sợ lúc sinh thường có tai biến xảy ra họ dễ bị kiện là không theo dõi sát, thiếu tinh thần trách nhiệm. Một điều đáng lưu ý nữa là ngày càng có nhiều phụ nữ muốn mổ đẻ vì sợ đau đẻ, nhất là khi sinh con so; muốn giữ sự rắn chắc của tầng sinh môn như khi chưa đẻ; không ít người còn chọn năm, tháng để sinh con nữa...
Hiện nay, việc sinh mổ theo yêu cầu ở các bệnh viện tư thường dễ dàng và tâm lý các bác sĩ cũng thích sinh mổ do đỡ mất thì giờ theo dõi cuộc chuyển dạ dài để sinh thường (chỉ mất 20-30 phút thay vì phải 12 giờ). Do nhu cầu điều trị theo yêu cầu ngày càng tăng, tại nước ta đã có những khoa sản chấp nhận thai phụ vào bệnh viện với yêu cầu được sinh mổ nên vô tình đẩy tỉ lệ mổ lấy thai lên đến 70%-80%. Trong khi việc mổ lấy thai không vì lý do y khoa được xem là vi phạm y đức.
Nguy cơ tai biến đe dọa thai nhi
Nguy cơ của mổ lấy thai thường do tai biến gây tê, gây mê, chảy máu, nhiễm trùng, tai biến trong khi phẫu thuật như tổn thương bàng quang, rách thêm vết mổ tử cung. Nếu có băng huyết thì phải cắt bỏ tử cung. Ngoài ra, sẹo mổ trên tử cung có thể bị nứt trong những thai kỳ sau. Thêm vào đó là những tai biến khác đối với người mẹ như lạc nội mạc tử cung, dính ruột, tắc ruột, tăng nguy cơ nhau tiền đạo, nhau cài răng lược, nhau bong non, thai ngoài tử cung.
Đối với thai nhi, nếu chỉ định sinh mổ đúng sẽ giúp giảm tỉ lệ tai biến. Tuy vậy, mổ lấy thai là nguyên nhân gây tai biến như: dao mổ đụng vào thai nhi (1%-9%), trẻ sinh non tăng, trẻ dễ bị hội chứng suy hô hấp cấp... Ngoài ra, trẻ sinh mổ dễ bị suy giảm miễn dịch hơn trẻ sinh thường do phải mất 6 tháng mới có hệ vi khuẩn đường ruột như trẻ sinh thường.
Sinh con đẻ cái là việc hệ trọng trong đời của phụ nữ. Do vậy, từ lúc có thai đến khi sắp lâm bồn, người phụ nữ cần được tư vấn, chăm sóc bởi thầy thuốc sản khoa có kinh nghiệm để người mẹ vừa sinh em bé khỏe mạnh vừa giữ sức khỏe cho chính mình.