Sức khỏe

Thuốc góp phần gây tai nạn

Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ cao các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ tác dụng phụ không mong muốn khi dùng thuốc của người điều khiển phương tiện cơ khí

Xe đang chạy bỗng dưng lao xuống ruộng, tài xế ngủ gục để xe tông vào con lươn hoặc đâm vào nhà dân, người điều khiển máy móc bị máy cuốn nghiền nát cánh tay... Những tai nạn này có thể do một nguyên nhân mà chúng ta dù biết nhưng ít để ý. Đó là sử dụng dược phẩm trong lúc lái xe hoặc đang vận hành máy móc.

Coi chừng bị “thọc gậy bánh xe”!

Điều khiển phương tiện giao thông là một kỹ năng phức tạp và liên hợp, đòi hỏi chúng ta phải có sức khỏe, tâm trạng và tinh thần tốt. Thế nhưng, những kỹ năng này có thể bị dược phẩm “thọc gậy bánh xe”.

Để chữa những rối loạn hoặc bệnh tật mắc phải như dị ứng, lo âu, thấp khớp, cảm cúm, trầm cảm, đái tháo đường, tim mạch, đau cơ..., người ta sử dụng dược phẩm. Những loại thuốc này có thể được bác sĩ kê đơn hoặc không cần kê. Nó cũng có thể là các loại dược thảo hay thực phẩm chức năng... Tất cả đều có thể gây ra những phản ứng như buồn ngủ, rối loạn thị giác, xây xẩm, chuyển động cơ thể chậm chạp, mất khả năng tập trung,  nôn mửa, bất tỉnh...

Những tai nạn giao thông xảy ra thường do người lái xe xử lý kém hoặc phán đoán saiẢnh: TẤN THẠNH

Những tai nạn giao thông xảy ra thường do người lái xe xử lý kém hoặc phán đoán sai. Ảnh: TẤN THẠNH

Thông thường, người ta dùng nhiều loại dược phẩm cùng lúc cho một hoặc nhiều loại bệnh. Sự kết hợp thuốc này có thể gây ra vấn đề đối với một số người. Càng lớn tuổi, tác động nguy hại càng cao do sinh lý cơ thể đã bị biến đổi. Càng nhiều thuốc được sử dụng cùng một lúc thì rủi ro tác động vào việc điều khiển phương tiện giao thông càng cao. Cho dù sử dụng bất cứ loại dược phẩm nào khi lái xe, tài xế cũng đang đặt tính mạng của chính mình và những người khác vào rủi ro do bị dược phẩm làm thay đổi tinh thần, trạng thái.

Khi phản xạ kém do tác động của dược phẩm, tài xế sẽ mất năng lực để nhìn và xử lý theo các bảng hiệu giao thông, không nhìn rõ người băng qua đường và các chướng ngại vật... Những tai nạn giao thông xảy ra thường do tài xế xử lý kém hoặc có những phản ứng, phán đoán sai.

Mập mờ, lấp liếm… tác dụng phụ

Lật lại “hồ sơ” về tác dụng phụ của các loại thuốc bắt buộc kê toa và những vụ tai nạn giao thông, người ta bỗng giật mình vì thầy thuốc đã không khuyến cáo người bệnh không được lái xe khi đang sử dụng các loại dược phẩm này.

Mặt khác, các hãng sản xuất dược phẩm chỉ muốn nêu lên những mặt “ăn tiền” của thuốc, còn các tác dụng phụ thì lại mập mờ, lấp liếm. Chẳng hạn, các loại thuốc statins hiện được các hãng dược phẩm “hô phong hoán vũ” như là viên đạn thần kỳ dùng để dẹp loạn cholesterol. Tuy nhiên, có bao nhiêu hãng dược phẩm chịu “thú tội” cho bà con nhờ rằng tác dụng phụ của statins có thể làm lú lẫn, mau quên, đau cơ...? Câu trả lời là rất ít! Nhiều nghiên cứu cho thấy tỉ lệ cao các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ tác dụng phụ không mong muốn ở những người dùng thuốc.

Tuy nhiên, cũng không phải hễ cứ bệnh tật, uống thuốc vào rồi lại không được lái xe. Nên hoặc không nên lái xe chỉ tùy thuộc tác động của thuốc và nhờ vào sự hiệu chỉnh của thầy thuốc. Chẳng hạn, thầy thuốc có thể điều chỉnh liều lượng để thích hợp với người lái xe hoặc điều chỉnh thời gian dùng thuốc, đổi thuốc khác ít gây xây xẩm hơn...

Các bạn lái xe cũng phải có trách nhiệm tự bảo vệ mình nếu đang sử dụng dược phẩm. Khi được kê thuốc, cần hỏi về những tác dụng phụ, đồng thời nhắc lại cho bác sĩ tất cả loại thuốc mà bạn đang dùng để tránh sự tương tác thuốc xảy ra vốn gây bất lợi khi lái xe.

Để an toàn, khi sử dụng một loại thuốc nào đó lần đầu tiên, bạn không nên lái xe và hãy xem phản ứng của thuốc như thế nào. Bạn tự thẩm định loại thuốc mà mình vừa uống bằng cách trả lời những câu hỏi sau đây: Bạn có cảm thấy buồn ngủ không? Bạn có bị mờ mắt, rối loạn thị giác không? Bạn có cảm thấy cơ thể yếu và vận động chậm không, nếu có thì chúng xuất hiện khi nào?

Hiện nay, nhu cầu đi lại bằng các phương tiện giao thông công cộng ngày càng gia tăng nên mọi người cần cẩn trọng. Riêng các bạn tài xế càng phải có trách nhiệm với hành khách. Không thể đem tính mạng của hàng chục, hàng trăm hành khách trên xe ra đùa giỡn với lưỡi hái của tử thần! 

Thuốc kháng trầm cảm có thể gây ra hành vi bạo lực và có lẽ là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng “mất dạy”, côn đồ, bạo lực - thậm chí gây án mạng - chỉ vì cái va quệt mà chúng ta thường thấy trên đường phố. 

Người lao động

      © 2021 FAP
        20,818,610       514