Các nhà khoa học Anh tại Bệnh viện Nhi Great Ormond Street và Viện Sức khỏe Trẻ em thuộc ĐH London đang nghiên cứu khả năng tái tạo mặt nhờ tế bào gốc lấy từ mỡ của chính bệnh nhân.
Trước đây, nhóm nghiên cứu đã thành công trong việc tái tạo mặt, đặc biệt là tai cho trẻ em bị khuyết tật ở tai, bằng cách lấy sụn từ sườn để thiết kế bộ khung cho tai mới. Lần này, nhóm nghiên cứu lấy tế bào gốc từ một mẫu mỡ nhỏ của bệnh nhân và đặt chúng vào bộ khung siêu nhỏ được gọi là POSS-PCU. Các tế bào tiếp tục được xử lý bằng thuốc kích thích để chúng biến thành tế bào sụn trước khi được đưa vào dưới da bệnh nhân.
Các nhà khoa học cho rằng kỹ thuật mới này có thể giảm phản ứng phụ khiến tai mới ít bị cơ thể bệnh nhân đào thải. Phương pháp này cũng tránh can thiệp sâu so với việc tạo hình khung tai bằng lấy từ sụn ở sườn bệnh nhân. Một trong những tác giả nghiên cứu, TS Patrizia Feretti, cho rằng đây là bước đột phá trong y học tái tạo. Theo đó, một bộ phận bên trong tăng trưởng giống như đứa bé lớn lên.
Nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Nanomedicine.
tạo hình, tế bào gốc, bộ khung, y học tái tạo, mỡ bệnh nhân