Sức khỏe

Những thiên thần của Yersin

(NLĐO) - Trại chăn nuôi Suối Dầu thuộc Viện Vắc-xin - Sinh phẩm y tế Nha Trang (IVAC) được bác sĩ Alexandre John Emile Yersin thành lập từ năm 1896 với mục đích điều chế huyết thanh từ ngựa để cứu người. Suối Dầu hiện là trại ngựa phục vụ y học lớn nhất Đông Nam Á với hơn 300 con.

Với hơn 110 năm hiến máu để bào chế huyết thanh phòng chống dịch hạch, uốn ván, bạch hầu, ho gà, thương hàn, kháng dại, nọc rắn... góp phần cứu chữa hàng trăm ngàn người, những chú ngựa ở Suối Dầu được cán bộ, nhân viên trại chăn nuôi này và người dân địa phương xem như những thiên thần của bác sĩ Yersin.

Nằm tại huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa, nhìn từ xa, trại Suối Dầu nổi bật giữa cách đồng cỏ bên hàng cây vươn lên trời xanh, phía dưới là dãy chuồng ngựa mái đỏ san sát. Rạng sáng, 6 nhân viên của trại đã ra đồng cắt khoảng một xe tải cỏ về “phục vụ điểm tâm” cho đàn ngựa.

Ông Trần Thanh Tĩnh chăm sóc ngựa cưng. Ảnh: K.N

Ông Trần Thanh Tĩnh chăm sóc ngựa cưng. Ảnh: K.N

Trong trại, đàn ngựa lao xao hí vang đòi ăn trong 3 dãy chuồng. Ngựa Suối Dầu đến từ Ninh Thuận, Lâm Đồng và các tỉnh phía Bắc với nhiều kích cỡ, màu sắc. Mỗi ngày, một chú ngựa cần 15-18 kg cỏ và 3 kg thức ăn tinh đầy dưỡng chất. Sau bữa sáng, đàn ngựa được lùa ra đồng cỏ rộng hàng chục hecta, thỏa sức tung vó.

Thạc sĩ Nguyễn Văn Minh - Trưởng trại Chăn nuôi Suối Dầu, người đã gắn bó 23 năm ở đây - cho biết: “Chúng tôi ai cũng quý ngựa, chăm sóc chúng như con cái mình. Con nào bỏ ăn, mệt mỏi là anh em lo sốt vó. Ngựa cũng tình cảm lắm. Con nào được ra đồng thì mừng rỡ hí vang, con chưa đến lượt thì tỏ ra ủ dột. Chúng tôi phải sắp xếp sao cho mỗi lần thả ra đồng hay đi lấy máu đều cho cả dãy chuồng cùng đi”.

Với 30 năm gắn bó với nghề chăm sóc ngựa ở Suối Dầu, ông Trần Thành Tĩnh rành rẽ tính tình, thói quen từng con. Đàn có đến 300 con ngựa nhưng ông có thể điểm mặt vanh vách mỗi con. Con này hiền lành khi lấy máu, tiêm thuốc, không cần 2 người giữ ra sao; con kia nhát gan, phải vỗ về, an ủi thế nào..., ông đều rõ.

“Khó nhất là những chú ngựa chứng, rất hung hăng. Anh em gọi đùa chúng là “ngựa cấp tá”, ai tiếp xúc cũng đều nếm mùi thương đau, người bị đá gãy xương, kẻ bị cắn rách ngực… Thế nhưng, nguyên tắc ở đây là tuyệt đối không được đánh ngựa” - ông Tĩnh khẳng định.

Mỗi tháng, một chú ngựa cho khoảng 3-4 lít máu. Sau khi xử lý, 20% huyết tương được tách ra, đưa về IVAC để các nhà khoa học điều chế huyết thanh; 80% là hồng cầu được pha thêm dung dịch PBS để truyền lại cho chính con đã hiến máu.

“Ngựa hiến máu ở Suối Dầu được xét duyệt, sàng lọc rất kỹ, phải là con 4-6 tuổi, nặng 230 kg trở lên, không dị tật bẩm sinh, không mắc bệnh ngoài da, đạt các chỉ số tối thiểu về hồng cầu, bạch cầu… Ngựa mới nhập trại phải cách ly theo dõi nửa năm, được lập hồ sơ theo dõi sức khỏe, tâm lý, có chế độ nuôi dưỡng từng thời kỳ. Sau khi tiêm kháng nguyên để tạo kháng thể chống lại độc tố một loại bệnh theo chỉ định trước, 2 tháng sau, ngựa mới có thể cho máu” - thạc sĩ Minh giải thích.

Hằng năm, Suối Dầu sản xuất 10.000-12.000 lít huyết thanh thô các loại. Trung bình, mỗi chú ngựa cho 60 lít huyết thanh/năm. Quy trình sản xuất huyết thanh thô ở đây được kiểm soát bởi hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008.

“Hiện nay, IVAC có thể sản xuất các loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ mang đất (SAV-naja), rắn lục tre (SAV-tri), uốn ván (SAT), dại (SAR)… “Huyết thanh kháng uốn ván do IVAC sản xuất chiếm 80%-90% thị phần trong nước. Các loại SAT, SAR, SAV còn xuất sang Lào, Malaysia, Uzbekistan…, hứa hẹn cứu được nhiều người” - ông Minh hào hứng.

Người lao động

      © 2021 FAP
        20,786,584       1,284