Sức khỏe

Bệnh sởi trở lại

Trong khoảng một tháng trở lại đây, chỉ riêng Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM đã tiếp nhận và điều trị hơn 100 ca bệnh sởi, trong đó có nhiều trẻ bị biến chứng nặng phải thở máy

Sau nhiều năm tạm lắng, bệnh sởi bất ngờ quay lại đe dọa cộng đồng. Các bác sĩ khuyến cáo dịp cận Tết, thời tiết chuyển sang lạnh là lúc bệnh sởi lây lan.

Nhập viện dồn dập

Tại Khoa Nhiễm - Thần kinh Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1, chị P.T.H (ngụ quận Bình Tân) tất tả chăm sóc con nhỏ 4 tuổi đang nằm điều trị vì sởi ban đỏ nổi khắp người. Ba ngày trước, đón con từ trường về, chị thấy bé bị sốt, nhức đầu. Cho uống thuốc hạ sốt, chị H. đưa con đến phòng mạch tư nhưng bệnh tình vẫn không thuyên giảm nên phải đưa vào BV.

Những ngày gần đây, số trẻ con đến khám và điều trị do mắc bệnh sởi gia tăng tại các BV. Tại BV Nhi Đồng 1, chỉ trong sáng 20-1 đã có 24 trẻ vào điều trị bệnh sởi. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi Đồng 1, cho biết khoảng một tháng qua, khoa đã tiếp nhận điều trị cho hơn 100 trẻ mắc sởi và con số chưa có dấu hiệu giảm. Hiện trung bình mỗi ngày khoa này tiếp nhận và điều trị cho khoảng 15-20 trẻ mắc bệnh sởi. “Bệnh nhi này chưa kịp xuất viện thì bệnh nhi khác lại vào, nhiều lắm. Có một số ca bị biến chứng nặng, chuyển sang viêm phổi nên phải cho thở máy” - bác sĩ Khanh nói.

Trẻ mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM
Trẻ mắc bệnh sởi đang điều trị tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - TP HCM

Tại BV Nhi Đồng 2 - TP HCM, tính từ cuối tháng 12-2013 trở về trước, mỗi tháng chỉ có vài ca tới khám và điều trị vì bệnh sởi nhưng từ đầu tháng 1 đến nay, số trường hợp này đã tăng dần với khoảng hàng chục ca mỗi ngày. Còn ở BV Bệnh nhiệt đới TP HCM, số người đến khám và điều trị bệnh sởi cũng tăng. Từ khoảng đầu tháng 12-2013 đến nay, BV đã tiếp nhận và điều trị cho gần 70 trường hợp mắc bệnh sởi.

Dễ lây lan

Các chuyên gia y tế cho biết sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus sởi gây nên. Bệnh có ở trẻ em, người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh và có thể thành dịch. Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt và đôi khi viêm não sau sởi, đặc biệt ở trẻ em suy dinh dưỡng.

Theo TS-BS Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới, tại đây cũng vừa tiếp nhận điều trị 2 trường hợp người lớn mắc bệnh sởi nhưng cứ nhầm là bệnh khác. Ở bệnh sởi thông thường, thời gian điều trị khoảng một tuần sẽ thuyên giảm nhưng với những trường hợp nặng thì người bệnh có thể gặp các biến chứng với biểu hiện sốt cao, viêm não. Bác sĩ Hùng cho biết thời điểm cận Tết, thời tiết chuyển sang lạnh là lúc các loại dịch bệnh do siêu virus tấn công cộng đồng như sởi, Rubella, cúm, sốt siêu vi… Các bệnh này thường tấn công trẻ em do miễn dịch của các em yếu. Đối với người lớn, vào thời điểm miễn dịch yếu thì cũng là dịp các bệnh này xuất hiện. Đáng chú ý, một khi người lớn bị dịch bệnh xâm nhập thì thường diễn tiến nặng, thậm chí nguy cơ tử vong cao hơn ở trẻ em.

Phân tích của giới chuyên gia cho thấy thông thường trẻ từ 9 đến 15 tháng tuổi rất dễ mắc bệnh sởi và khi cộng đồng có nhiều người mắc bệnh này thì khả năng lây lan rộng. Theo bác sĩ Khanh, nguyên nhân bệnh sởi lây lan là do trẻ không được tiêm vắc-xin, đặc biệt không chú ý mũi tiêm lúc 9 tháng tuổi.

Theo các chuyên gia, trẻ mắc sởi nhẹ có thể điều trị tại nhà. Chích ngừa là biện pháp phòng bệnh sởi hiệu quả nhất. Nếu thấy trẻ có các biểu hiện sốt cao, khó thở, co giật…, gia đình cần nhanh chóng chuyển đến cơ sở y tế để bác sĩ can thiệp nhằm tránh biến chứng viêm não, viêm phổi hoặc gây điếc, mù. 

Xuất hiện nhiều nơi

Các chuyên gia nhận định có sự bất thường về bùng phát bệnh sởi. Năm 2008 tại TP HCM, dịch sởi bùng phát khiến hàng trăm trẻ em nhập viện mỗi tháng. Nhiều năm sau đó, dịch bệnh tạm lắng nhưng đến thời điểm này lại rộ lên. Theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP HCM, bệnh sởi có chiều hướng tăng từ tháng 8-2013. Hiện nó đã xuất hiện ở các quận - huyện trên địa bàn TP như: 6, 8, 12, Bình Tân, Tân Phú và Bình Chánh, Hóc Môn.

Người lao động

      © 2021 FAP
        20,805,935       664