Sức khỏe

Người “rất khỏe” chỉ chiếm 12,18%

Tại buổi hội thảo tổng kết công tác vệ sinh lao động và y tế học đường năm 2013 do Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và môi trường TP HCM tổ chức sáng 17-1, BS Phạm Thị Ngọc Loan, phó giám đốc trung tâm, cho biết theo kết quả đo kiểm môi trường tại 1.187 cơ sở kinh doanh, có khá nhiều mẫu không đạt

Một cuộc kiểm tra khác trên 177 cơ sở thuộc nhóm có yếu tố nguy cơ cho thấy tuy có 95,50% cơ sở thực hiện khám sức khỏe định kỳ cho người lao động nhưng chỉ có 34,20% cơ sở có tổ chức khám bệnh nghề nghiệp. Tỉ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp tại TP HCM cũng rất đáng chú ý. Qua kiểm tra năm 2013 về các bệnh bụi phổi silic nghề nghiệp, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, nhiễm độc benzen và các hóa chất khác, điếc nghề nghiệp, nhiễm độc chì vô cơ, nhiễm độc hóa chất trừ sâu, sạm da nghề nghiệp, viêm loét da - viêm móng và quanh móng nghề nghiệp trên tổng số 11.982 trường hợp, có đến 2.016 trường hợp cần theo dõi, 64 trường hợp xác định và 30 trường hợp cần trưng cầu giám định.

Trong năm qua, trung tâm cũng phối hợp với hệ thống y tế dự phòng các quận - huyện để khám sức khỏe định kỳ cho 134 đơn vị. Kết quả cho thấy có đến gần 30% người lao động có sức khỏe dưới mức trung bình, trong đó 6,38% thuộc loại rất kém. Người lao động có sức khỏe vào loại rất khỏe chỉ chiếm 12,18%, khỏe là 32,95% và trung bình là 27,22%.

Theo BS Loan, tuy đã có nhiều chương trình nhằm bảo vệ sức khỏe người lao động như chương trình “Nâng cao sức khỏe nơi làm việc”, “Phòng chống bệnh nghề nghiệp”, “Chăm sóc sức khỏe lao động nhập cư”... cùng các hoạt động truyền thông, hoạt động liên ngành nhưng công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, việc xử lý vi phạm các quy định về vệ sinh lao động chưa đủ mạnh để người sử dụng lao động quan tâm, nhất là vi phạm về quản lý môi trường lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp; việc xã hội hóa các dịch vụ y tế lao động chưa có những quy định cụ thể, biện pháp chế tài về đánh giá, giám sát và quản lý; còn thiếu bác sĩ chuyên môn về vệ sinh lao động và bệnh nghề nghiệp; việc hiểu và áp dụng quy định về vệ sinh an toàn lao động của người sử dụng lao động còn hạn chế.

Về chương trình y tế học đường, kết quả khảo sát tại 90 điểm trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT của 24 quận, huyện cho thấy: có 6/460 mẫu kiểm tra không đạt yêu cầu về nhiệt độ, 457/460 mẫu không đạt về tiếng ồn..., đặc biệt có tới 1336/3211 mẫu tại các lớp học không đạt tiêu chuẩn về ánh sáng. Khảo sát này cũng cho thấy tỉ lệ tật khúc xạ và bệnh răng miệng khá cao với 32,15% học sinh THCS và 36,52% học sinh THPT mắc tật khúc xạ; ngoài ra 33,52% học sinh tiểu học cũng mắc bệnh răng miệng, tỉ lệ này ở các nhóm tuổi khác là 20%.

Người lao động

kiểm tra sức khỏe, người lao động, quy định về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe


      © 2021 FAP
        20,809,349       430