Sức khỏe

Kẻ thù của bệnh sỏi mật

Những món ăn bổ ích cho người bị sỏi mật thì ít mà các món cần phải kiêng cữ thì lại rất nhiều

Sỏi mật là bệnh đường mật có sỏi, phát sinh ở bất kỳ bộ phận nào ở hệ thống túi mật như túi mật, ống mật... Bệnh nhân thường từ tuổi trung niên trở lên, phụ nữ bị bệnh nhiều hơn đàn ông.

Dấu hiệu bệnh và nguyên nhân

Triệu chứng lâm sàng chủ yếu là đau ở vùng hạ sườn bên phải. Sỏi mật thường kèm theo viêm túi mật hoặc ống mật. Các triệu chứng lâm sàng của sỏi mật tùy thuộc vào vị trí, tính chất, kích thước to nhỏ và biến chứng của bệnh. Có thể do trạng thái tinh thần kích động, chế độ ăn uống (ăn nhiều chất nóng, uống rượu...), thời tiết thay đổi, nóng lạnh thất thường ảnh hưởng nhiều đến cơn đau tái phát.

Diễn tiến bệnh có thể chia làm 2 thời kỳ:

- Thời kỳ phát cơn đau: Bệnh phát đột ngột, rất đau vùng hạ sườn phải, cơn đau thắt kéo dài từng cơn nặng lên, đau xuyên lên vùng vai hoặc bả vai bên phải, ấn vào đau nhiều hơn. Nếu có tắc nghẽn thì da sẽ vàng, tiểu vàng; nếu nhiễm khuẩn thì sốt cao.

Người bệnh sốt cao hoặc vừa hoặc kèm cơn rét, miệng đắng, họng khô, nôn, buồn nôn, hoặc da mắt vàng, nước tiểu vàng, táo bón, lưỡi đỏ, rêu vàng hoặc vàng nhầy, cơ vùng bụng trên bên phải căng tức. Gan và túi mật to, đau nhiều sốt cao, hôn mê nói sảng, ngoài da có nốt ứ huyết, chảy máu cam... (thường kèm theo viêm túi mật).

Người bị bệnh sỏi mật mỗi ngày chỉ nên dùng không quá 200 mg cholesterol  Ảnh: BLOGSPOT.COM
Người bị bệnh sỏi mật mỗi ngày chỉ nên dùng không quá 200 mg cholesterol Ảnh: BLOGSPOT.COM

- Thời kỳ ổn định: Vùng hạ sườn phải ấn đau nhẹ, cảm giác đau âm ỉ có thể xuyên lên vai lưng từng cơn nhẹ rồi hết hoặc bụng trên đầy, chán ăn, miệng đắng, sợ mỡ, không sốt, không vàng da, rêu lưỡi mỏng trắng hoặc hơi vàng. Thời kỳ này không có triệu chứng viêm nhiễm hoặc tắc mật.

Sỏi mật theo thành phần có thể chia ra sỏi cholesterol và sỏi sắc tố mật.

Sỏi cholesterol thường do ăn nhiều mỡ động vật, nồng độ cholesterol trong máu cao có quan hệ với sự hình thành sỏi.

Sỏi sắc tố mật phần lớn do tế bào thượng bì rơi rụng trong viêm nhiễm đường mật, vi khuẩn, giun đũa hoặc trứng giun hình thành hạch tâm của sỏi.

Ăn uống khi bị sỏi mật

Khi bị sỏi mật, trong việc ăn uống, cần kiêng cữ các loại thực phẩm sau:

- Các loại thực phẩm có chứa nhiều chất đạm, tính nóng như thịt dê, thịt chó, ba ba, lòng đỏ trứng gà…

- Các loại đậu hạt có nhiều chất béo như đậu phộng, hạt điều, hạt hướng dương…

- Các loại thực phẩm nhiều gia vị kích thích, có vị cay như tiêu, ớt, hành, tỏi, cà ri, gừng, mù tạt…

- Các món ăn chiên xào nhiều dầu mỡ, khó tiêu, có sử dụng nhiều nguyên liệu có tính nóng, cay, chua, mặn quá.

Ngoài ra, một số thực phẩm có chứa độc tố như măng tre, khoai mì, cà chua còn xanh, khoai tây mọc mầm… cũng gây tổn hại cho gan, mật.

Ngược lại, cũng có một số món ăn bổ ích đối với những người bị sỏi mật như: Cháo thịt bò bằm, cháo sườn bí đao, cháo cá lóc, cháo mè, cháo sữa đậu nành, cháo bí đỏ, cháo củ sen... 

Lưu ý giảm lượng cholesterol

Người bị bệnh túi mật mỗi ngày chỉ dùng không quá 200 mg cholesterol. Sau đây là bảng liệt kê một số thực phẩm có chứa cholesterol từ thấp đến cao:

Các thực phẩm có hàm lượng cholesterol>50mg% (tức trong 100 g thực phẩm có chứa hơn 50 mg cholesterol) như:

Cá trích (52), thịt bò (59), thịt heo hộp (60), chân giò heo (60), thịt thỏ (65), sườn heo (66), thịt bò, heo xay hộp (66), cá chép (70), giăm bông heo (70), thịt bê béo (71), thịt ngựa (75), thịt vịt (76), thịt cừu (78), thịt ngỗng (80), thịt gà tây (81), thịt bò hộp (85), mỡ heo (95), dạ dày bò (95), lưỡi bò (108), sữa bột toàn phần chưa tách béo (109), thịt gà hộp (120), tim heo (140), bầu dục heo (375), phô mai (406), gan gà (440), trứng gà toàn quả (600), lòng đỏ trứng gà (1.790), não bò (2670), não heo (3100).

(Nguồn: Viện Dinh dưỡng, Bộ Y tế)

Người lao động

thực phẩm, nhiễm khuẩn, ăn uống, chất đạm, túi mật, gà tây, hạt đậu


      © 2021 FAP
        20,809,373       433