Sức khỏe

Té ngã vì thuốc

Theo thống kê, thế giới có khoảng 1/3 số người trên 65 tuổi và 1/2 số người trên 80 tuổi bị té ngã ít nhất một lần trong năm

Té ngã là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây chấn thương hoặc tử vong ở người cao tuổi. Một trong những nguyên nhân gây té ngã ở người già là do tác dụng phụ của thuốc - nó khiến người sử dụng bị buồn ngủ, chóng mặt và mất thăng bằng.

Rất nhiều “hung thủ”

Bên cạnh tác dụng của các loại thuốc ngủ, cũng có khi do thuốc hoạt động “quá hiệu quả”, như một loại thuốc có tác dụng trị cao huyết áp đôi khi làm huyết áp tụt giảm quá mức, kết quả là làm cho người sử dụng bị choáng váng. Cũng có khi là do những tác dụng phụ của thuốc, chẳng hạn như các loại thuốc kháng trầm cảm sẽ làm rối loạn thị giác, người sử dụng thuốc không thấy rõ đường đi nên vấp ngã.

Khi mua thuốc, người sử dụng cần hỏi kỹ bác sĩ, dược sĩ về những tác dụng chính và phụ.

Ảnh: HỒNG THÚY

Khi mua thuốc, người sử dụng cần hỏi kỹ bác sĩ, dược sĩ về những tác dụng chính và phụ.

Ảnh: HỒNG THÚY

Các loại dược phẩm như thuốc trị cao huyết áp, đau thắt ngực, Parkinson, lợi tiểu, táo bón, kháng trầm cảm, rối loạn nhịp tim... sẽ có các tác dụng phụ như làm huyết áp giảm quá nhanh, nhất là khi đứng dậy từ vị trí ngồi hoặc nằm, có thể gây chóng mặt, ngất xỉu. Hơn nữa, sự mất các khoáng chất do sử dụng thuốc lợi tiểu hoặc thuốc nhuận tràng có thể gây yếu các cơ, nhất là ở chân, làm người sử dụng không đứng vững. Để hạn chế sự té ngã khi sử dụng các loại thuốc trên, người bệnh muốn đứng dậy khi đang nằm hoặc ngồi, cần thực hiện động tác một cách từ từ. Nếu đang nằm thì ngồi vài phút trước khi đứng dậy từ từ. Ngoài ra, nên có máy kiểm tra huyết áp và nhịp tim tại nhà để tiện theo dõi.

Tránh dùng chung các loại thuốc

Các loại thuốc trị dị ứng, ho cảm, giảm đau, thuốc ngủ, thuốc an thần, các thuốc kháng axít dạ dày... có thể gây chóng mặt, phản ứng chậm chạp, mất thăng bằng và khả năng phối hợp vận động. Sự nguy hiểm càng cao khi phối hợp một trong các thuốc này với nhau. Để hạn chế té ngã do các loại thuốc này, cần tránh sử dụng các thuốc antihistamine và không dùng chung nhiều loại thuốc giảm đau với nhau. Nếu có thể, tránh sử dụng chung các thuốc này với nhau, trừ khi có sự chỉ dẫn và theo dõi của thầy thuốc.

Các loại thuốc dùng trong bệnh tiểu đường có thể hạ đường huyết quá mức gây mệt mỏi, yếu cơ và ngất xỉu. Vì vậy, cần giám sát nồng độ đường huyết theo yêu cầu của bác sĩ.

Các loại thuốc kháng đông máu làm cho máu quá loãng có thể gây chảy máu, yếu tay chân, chóng mặt... Vì vậy, cần thông báo với bác sĩ sự xuất huyết bất thường, chẳng hạn như chảy máu răng, nướu, nước phân có máu...

Riêng các loại thuốc giảm đau có aspirin có thể kích ứng dạ dày, gây xuất huyết dẫn đến chóng mặt, ngất xỉu. Vì vậy, không nên dùng chung aspirin với các loại thuốc giảm đau kháng viêm NSAIDs khác, tuyệt đối không uống rượu khi dùng thuốc và phải uống thuốc lúc no.

Các loại thuốc lợi tiểu, nhuận tràng ngoài những tác dụng phụ kể trên còn khiến người sử dụng có nhu cầu đi vệ sinh thường xuyên, đôi khi quá vội vã, gấp gáp nên dễ va phải các chướng ngại vật gây té ngã.

Cần hỏi kỹ bác sĩ

Khi bắt đầu sử dụng một loại dược phẩm mới, người bệnh cần hỏi kỹ bác sĩ, dược sĩ về những tác dụng chính và phụ có thể gây té ngã, đồng thời phải theo dõi phản ứng thuốc trong vài tuần đầu. Nếu người sử dụng cảm thấy những dấu hiệu ảnh hưởng đến sự tập trung, đi đứng thì cần báo ngay cho bác sĩ để được thay thuốc khác hoặc hiệu chỉnh liều thuốc đang dùng cho thích hợp. Người cao tuổi cũng nên vận động nhẹ nhằm giúp các cơ, xương cứng cáp hơn, giúp tăng khả năng điều phối vận động và giảm rủi ro té ngã.

Điều quan trọng là nên chọn giày dép thích hợp, vừa vặn, tránh loại dễ gây trơn trượt. Nên khám mắt định kỳ, chọn những loại kính thích hợp để bảo đảm thị lực nhằm tránh va chạm các vật cản. 

Xác suất bị té ngã càng cao khi bệnh nhân sử dụng nhiều loại thuốc cho nhiều chứng bệnh. Đặc biệt, người cao tuổi nhạy cảm với thuốc hơn so với người trẻ.

Người lao động

người cao tuổi, Parkinson, vận động, tác dụng, mất thăng bằng


      © 2021 FAP
        20,811,185       532