Euro 2016

Thái Lan rót vốn dồn dập vào Việt Nam

Các “đại gia” Thái Lan đang mạnh tay đổ vốn mua lại cổ phần nhiều doanh nghiệp lớn của Việt Nam

Thông tin tỉ phú Thái Lan Chirathivat chi 200 triệu USD “thâu tóm” Nguyễn Kim được giới làm ăn bàn tán sôi nổi mấy ngày qua. Dù Nguyễn Kim chưa lên tiếng về thương vụ mua bán, sáp nhập (M&A) này nhưng việc Tổng Giám đốc Central Group Việt Nam Philippe Broianig vừa nắm giữ chức tổng giám đốc Nguyễn Kim đã khẳng định tính xác thực của thương vụ.

Tăng tốc đầu tư

Như vậy, với việc Công ty Power Buy (công ty con của Tập đoàn Central Group - Thái Lan) chuyên về bán lẻ hàng điện máy, điện tử mua 49% cổ phần Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ và Giải pháp mới NKT (chủ sở hữu Công ty Thương mại Nguyễn Kim), Central Group chính thức dấn sâu hơn vào thị trường bán lẻ Việt Nam. Trước đó, Central Group đã đầu tư phát triển hệ thống trung tâm thương mại thời trang gồm 2 trung tâm Robins tại TP HCM và Hà Nội.

Tỉ phú Thái Lan đã chi 200 triệu USD để sở hữu 49% cổ phần điện máy Nguyễn Kim Ảnh: Tấn Thạnh
Tỉ phú Thái Lan đã chi 200 triệu USD để sở hữu 49% cổ phần điện máy Nguyễn Kim Ảnh: Tấn Thạnh

Không chỉ Central Group, vài năm trở lại đây, các tập đoàn lớn của Thái Lan dồn dập đầu tư vào Việt Nam thông qua nhiều dự án lớn và các thương vụ M&A. Thương vụ mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam của Tập đoàn Berli Jucker (BJC) sở hữu bởi tỉ phú giàu thứ 3 Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi dù có nguy cơ bất thành do cổ đông BJC phản đối nhưng lãnh đạo BJC vẫn quyết không lùi bước. Ngoài ra, thông qua các công ty con, tỉ phú này cũng đã nâng tỉ lệ sở hữu cổ phần ở Vinamilk lên 11% và có nhiều khoản đầu tư lớn tại Việt Nam trong lĩnh vực bất động sản, đồ uống như có cổ phần trong khách sạn 5 sao Melia Hanoi, tòa nhà Melinh Point Tower ở TP HCM và gián tiếp nắm quyền chi phối ở Nhà máy Bia Việt Nam, đang có ý định mua cổ phần của Tổng Công ty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Tập đoàn Chăn nuôi CP (Charoen Pokphand Group) vào Việt Nam từ năm 1988 bằng việc mở văn phòng đại diện tại TP HCM. Sau một thời gian dài hoạt động, hiện CP không chỉ cung cấp trứng gia cầm mà còn dẫn đầu lĩnh vực sản xuất thức ăn chăn nuôi và thủy sản tại Việt Nam. Tập đoàn SCG (Siam Cement Group) chuyên về các lĩnh vực giấy, xi-măng, vật liệu xây dựng và đang có ý định thâu tóm lĩnh vực vật liệu xây dựng Việt Nam. Song song đó, SCG thông qua đơn vị thành viên là The Nawaplastic Industries (Saraburi) nắm giữ lượng lớn cổ phần của 2 doanh nghiệp (DN) nhựa lớn là Nhựa Thiếu niên Tiền Phong và Nhựa Bình Minh.

Cuối năm 2014, trong buổi diện kiến Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lãnh đạo Tập đoàn Central Group, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và Chủ tịch Tập đoàn Amata cũng đã trình bày mong muốn và các kế hoạch đẩy mạnh đầu tư tại Việt Nam với tổng vốn lên đến hàng chục tỉ USD.

Tầm ngắm: Tiêu dùng, bán lẻ, nông nghiệp

Theo Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2014, Thái Lan là quốc gia đứng thứ ba trong khu vực ASEAN có đầu tư vào Việt Nam (sau Singapore, Malaysia) với 371 dự án, tổng vốn 6,7 tỉ USD (chiếm 14% tổng số dự án và 12% tổng vốn đầu tư của ASEAN tại Việt Nam). Các chuyên gia kinh tế cho rằng Việt Nam đang là điểm đến yêu thích của nhiều tỉ phú Thái Lan với hàng loạt dự án lớn và các thương vụ M&A trong ngành bán lẻ, tiêu dùng. So với các thị trường khác trong khu vực, Việt Nam là thị trường gần, nhiều tiềm năng với mức tăng trưởng ổn định, dân số đông và đặc biệt là cửa ngõ để tiến vào thị trường Lào, Campuchia và miền Nam Trung Quốc. Chính phủ 2 nước cũng đã ký chương trình hành động để triển khai quan hệ đối tác chiến lược, đặt mục tiêu đến năm 2020 tăng kim ngạch thương mại lên 15 tỉ USD.

Qua nhiều năm theo dõi, giám đốc một quỹ đầu tư nước ngoài cho rằng các nhà đầu tư Thái Lan đã và đang đổ bộ vào Việt Nam đều là những tập đoàn lớn có quy mô đa quốc gia, mạnh về tài chính và có kinh nghiệm quản lý, hoạt động trong những lĩnh vực chính của họ. Nhiều “ông lớn” đã thành công ở các lĩnh vực liên quan đến tiêu dùng, bán lẻ, nông nghiệp, kể cả hạ tầng. “Nhìn ở góc độ tích cực, nhà đầu tư ngoại vào càng nhiều, cùng quản lý, điều hành hoạt động của DN Việt thì DN trong nước càng có nhiều cơ hội cọ xát, học hỏi kinh nghiệm. Dĩ nhiên, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng nếu DN nội không có nền tảng tốt và những bước đi phù hợp thì dễ bị thâu tóm, mất thị phần về tay DN ngoại” - vị này nhận định.

“Săn” DN chưa lên sàn

Lý giải vì sao các tỉ phú người Thái không đầu tư trên sàn chứng khoán mà mê “săn” các DN chưa niêm yết, tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho rằng điều dễ nhận thấy là trên sàn chứng khoán hiện nay số lượng DN niêm yết không nhiều, đặc biệt là DN thuộc ngành hàng tiêu dùng, nông nghiệp... có quy mô lớn và hoạt động hiệu quả. Quan trọng hơn là hầu hết các DN trên sàn đã hết “room” dành cho nhà đầu tư nước ngoài; việc đàm phán mua lại DN chưa niêm yết thuận lợi hơn cho nhà đầu tư so với DN đã niêm yết.

Người lao động

      © 2021 FAP
        150,535       268