Xuất khẩu gạo trong năm nay dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh gay gắt giữa các nước dẫn đầu về xuất khẩu
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2014, xuất khẩu gạo cả nước đạt khoảng 6,35 triệu tấn, vượt con số 6,2 triệu tấn so với kế hoạch đã điều chỉnh nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu đề ra từ đầu năm. Với tình hình xuất khẩu khá ảm đạm hiện nay cùng với sự cạnh tranh gay gắt, các doanh nghiệp (DN) lo xuất khẩu gạo trong 2015 của Việt Nam sẽ rất khó khăn.
Liên tục giảm giá sàn
Hiện giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL đang có chiều hướng giảm mặc dù nguồn hàng không còn nhiều do chưa đến chính vụ. Giá gạo xuất khẩu cũng đang giảm dần. Ông Lê Văn Tuấn, thương nhân chuyên thu mua lúa gạo ở các tỉnh miền Tây, cho biết để có nguồn hàng, ông phải sang tận Campuchia thu mua nhưng 2 tuần nay, giá gạo cứ giảm dần, từ mức 6.900 đồng/kg xuống 6.500 đồng/kg. “Chính vì vậy mà các thương nhân luôn trong tâm trạng vừa mua vừa... run vì sợ thua lỗ” - ông Tuấn nói.
Ông Nguyễn Hùng Linh, Chủ tịch VFA, cũng thừa nhận hiện tại nguồn gạo cho xuất khẩu chưa nhiều, chỉ một vài địa phương “né” được lũ để sản xuất nhưng số lượng không đáng kể. Trong khi đó, lượng gạo tồn kho trong năm 2014 còn rất ít. Giá gạo xuất khẩu cũng đang sụt giảm. Cụ thể, gạo 5% tấm đang vào khoảng 380-385 USD/tấn, gạo 25% tấm chỉ từ 345-355 USD/tấn...
Thực tế, từ tháng 11-2014, VFA đã đưa ra giá sàn xuất khẩu gạo là 380 USD/tấn (loại 25% tấm), giảm 30 USD/tấn so với thời điểm tháng 7-2014. Mới đây, VFA tiếp tục điều chỉnh giá sàn gạo 25% tấm xuống còn 360 USD/tấn, áp dụng từ ngày 12-1. “Việc phải giảm giá sàn là do nhu cầu của thị trường rất yếu trong khi nguồn cung trong nước sắp vào vụ thu hoạch chính. Chưa kể, các nước khác cũng sắp thu hoạch rộ khiến giá tiếp tục giảm” - ông Linh giải thích.
Ráo riết tìm kiếm đơn hàng
Theo VFA, với giá xuất khẩu gạo trung bình của năm 2014 đạt 500 USD/tấn gạo thơm, 430-435 USD/tấn gạo thường thì nông dân có lãi khoảng 30%-40% so với năm 2013. Tuy nhiên, với tình hình hiện tại thì năm 2015 chắc chắn giá còn giảm, vì thế thu nhập của người trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng.
Ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Lương thực Thịnh Phát, cho rằng giá sàn xuất khẩu gạo đã giảm nhiều so với năm ngoái nên sẽ gây thiệt hại cho cả nông dân, DN. “Điều đáng lo nữa là Việt Nam hiện chưa có hợp đồng lớn để “dẫn dắt” thị trường nên muốn bán được gạo thì phải hạ giá. Trung Quốc là nước nhập khẩu nhiều gạo của Việt Nam nhưng mới đây, chính phủ nước này đã siết việc nhập khẩu khi buộc các DN phải mua chỉ tiêu nhập khẩu với giá cao, vì thế đầu ra sẽ càng khó khăn” - ông Tuấn lo lắng.
Ông Lê Minh Trượng, Giám đốc Công ty Lương thực Sông Hậu, cho biết từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình xuất khẩu gạo của các DN không mấy sáng sủa. Đơn hàng lớn không có do các nhà nhập khẩu nước ngoài cố chờ giá gạo Việt Nam giảm thêm. Theo VFA, hợp đồng xuất khẩu gạo năm 2014 chuyển sang 2015 khoảng 500.000-550.000 tấn trong khi từ đầu năm đến nay chỉ xuất được khoảng 100.000 tấn. Vì vậy, các DN phải ráo riết kiếm đơn hàng. “Năm 2015, tình hình sẽ còn khó khăn hơn nên khả năng lượng gạo xuất khẩu không cao. Riêng giá xuất khẩu VFA sẽ cố gắng điều tiết theo cung cầu thị trường và theo giá thế giới; hướng dẫn DN mua bán với giá tốt nhất có thể để giữ giá, giúp nông dân có lãi” - ông Linh nói.
Cạnh tranh gay gắt
Năm 2014, Trung Quốc là nước “ăn” gạo Việt Nam nhiều nhất, với khoảng 2 triệu tấn, chiếm trên 30% lượng gạo xuất khẩu. Năm 2015, quốc gia này sẽ kiểm soát, ngăn chặn nhập khẩu gạo qua biên giới và đẩy mạnh nhập khẩu chính ngạch nên sẽ khó khăn cho các DN Việt Nam. Châu Phi là thị trường lớn thứ hai của gạo Việt Nam nhưng năm 2014, Thái Lan, Ấn Độ đã giành đến 60% thị phần nên dự báo gạo Việt Nam sẽ còn bị cạnh tranh quyết liệt hơn trong năm 2015.
Trong khi đó, các nước mạnh về xuất khẩu gạo lại đặt mục tiêu xuất khẩu tăng từ 5% trở lên so với năm trước. Cụ thể, Thái Lan đặt mục tiêu xuất khẩu 10,8 triệu tấn, Ấn Độ dự kiến xuất 8,7 triệu tấn; còn VFA dự kiến Việt Nam sẽ xuất khẩu khoảng 6,7 triệu tấn trong năm 2015.