Xuất khẩu là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam với kim ngạch 150 tỉ USD trong năm 2014
Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM), nhận xét mức tăng trưởng xuất khẩu đạt gần 14% trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi khó khăn là điểm sáng đáng ghi nhận.
Nhộn nhịp đơn hàng
Theo TS Thành, dù động lực của xuất khẩu vẫn là khối doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhưng DN trong nước đã lấy lại động lực tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 10% trong năm 2014. Đặc biệt, một số sản phẩm nông thủy sản những năm trước gặp nhiều khó khăn thì nay đã tăng trưởng tốt.
Tiêu và cà phê là 2 mặt hàng nông sản ghi điểm ấn tượng trong năm 2014. Kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 3,6 tỉ USD, tăng 30,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu tiêu đạt 1,2 tỉ USD, tăng cả về sản lượng và giá trị xuất khẩu. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, cho biết tiêu là mặt hàng xuất khẩu duy nhất của Việt Nam được cả giá lẫn sản lượng, có thị trường ổn định. Nếu 10 năm trước, giá xuất khẩu tiêu khoảng 90 USD/tấn thì nay lên tới 9.000 USD/tấn. Kim ngạch xuất khẩu tiêu năm 2001 chỉ khoảng 90 triệu USD thì nay đã cán mốc 1,2 tỉ USD, đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu tiêu nhiều nhất thế giới.
Dệt may tiếp tục bứt phá với kim ngạch xuất khẩu đạt 20,8 tỉ USD, tăng 15,8% so với năm trước và vượt mục tiêu đề ra. Ông Phạm Xuân Hồng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhận định ngành dệt may sẽ có sự tăng trưởng mạnh trong năm 2015 với tốc độ khoảng 10%-15% nhờ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc, liên minh hải quan Nga - Belarus - Kazakhstan vừa được ký kết. Hiện DN trong ngành đã có đơn hàng xuất khẩu đến hết quý I và một số DN có đơn hàng đã ký đến tháng 6-2015.
Tăng trưởng xuất khẩu giày dép cũng ấn tượng không kém với 21,6%, kim ngạch 10,2 tỉ USD. Bà Trương Thúy Liên, Giám đốc Công ty Giày Liên Phát, cho biết đơn hàng của DN hiện đã ký đến tháng 6, 7 và qua Tết Nguyên đán sẽ nhận thêm nhiều đơn hàng dự kiến đủ làm cho cả năm 2015. Da giày Việt Nam đang có lợi thế lớn khi các đơn hàng không chỉ từ Trung Quốc mà cả châu Âu, Mỹ đều chuyển về để hưởng các ưu đãi từ FTA.
Lợi nhuận chưa cao
Theo ông Phạm Xuân Hồng, dù kim ngạch xuất khẩu tăng khá nhưng thông tin về lợi nhuận của DN trong ngành đến giờ này lại tăng không tương xứng. Ngành dệt may đang phải cạnh tranh gay gắt với các nước trong khu vực như Bangladesh, Campuchia, Thái Lan... Ngay ở trong nước, các DN nội địa cũng phải cạnh tranh với DN FDI đang dồn dập đổ vốn vào xây nhà máy, xưởng sản xuất để đón đầu FTA, nhất là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). “Đơn giá xuất khẩu không tăng nhưng các chi phí đầu vào như tiền lương lao động tăng từ đầu năm 2015 khiến DN phải giảm lợi nhuận. Thị trường Mỹ hiện chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may nên nếu TPP được ký kết mới kỳ vọng tạo sự bứt phá mạnh mẽ hơn cho ngành” - ông Hồng nói.
Bà Trương Thúy Liên lý giải lợi nhuận của DN chưa như kỳ vọng do giá xuất khẩu không tăng nhưng chi phí đầu vào lại không ngừng đi lên. Đơn cử, giá xăng dầu giảm mạnh nhưng chi phí vận chuyển lại không tương ứng. Nhiều khách hàng còn đòi giảm đơn giá vì sức mua trên thị trường toàn cầu yếu và cạnh tranh gay gắt.
Sự cạnh tranh về giá với các thị trường cũng là lý do khiến lợi nhuận của ngành đồ gỗ chỉ xấp xỉ 10% dù đơn hàng dồi dào. Ở khu vực châu Á, xuất khẩu đồ gỗ của DN Việt chỉ đứng sau Trung Quốc và đang đứng thứ 6 thế giới. Đến năm 2020, xuất khẩu đồ gỗ phấn đấu đạt kim ngạch 20 tỉ USD nhưng muốn cải thiện lợi nhuận, DN buộc phải giảm chi phí đầu vào để hạ giá thành bởi đơn giá xuất khẩu sẽ khó tăng thêm. Có điều, theo ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (HAWA), nhiều DN đã đầu tư máy móc thiết bị để cải tiến công nghệ nhưng nâng cao năng suất lao động ở Việt Nam quá khó trong khi lương nhân công lại tăng từng năm. “Chưa có nghiên cứu chính thức về năng suất lao động trong ngành gỗ nhưng có lẽ Việt Nam chỉ hơn Lào, Campuchia và Myanmar...” - ông Hùng nói.
Cơ hội cho ngành giày dép là rất lớn nhưng khi được hỏi DN có mạnh dạn đầu tư để tận dụng hay không, bà Liên cho rằng lực thì có nhưng không dám rót thêm vốn bởi nỗi lo về nguồn lao động không ổn định. Gần đây, khi DN FDI ồ ạt mở nhà máy ở Việt Nam đã cạnh tranh gay gắt về nguồn lao động với DN nội địa. “Công nhân cứ nghe DN nước ngoài là nhảy sang dù chênh lệch lương không đáng kể. Lương lao động Trung Quốc cao hơn Việt Nam khoảng 30% nhưng năng suất lao động chúng ta lại thua xa” - bà Liên phân tích.
“Bất thường” của cà phê
Ông Đỗ Hà Nam cho biết đang có hiện tượng bất thường xảy ra với mặt hàng cà phê của Việt Nam. Khoảng 2 tháng nay, người trồng cà phê găm hàng để chờ tăng giá. Trước mắt, một số DN xuất khẩu cà phê đang gặp khó vì không mua được hàng dù đơn hàng đã ký, còn mua giá cao sẽ lỗ nặng. “Nhưng nếu người trồng cà phê thắng trong việc găm hàng chờ tăng giá sẽ là thành công lớn khi “làm chủ” được giá mặt hàng này trên thị trường thế giới. DN ngành cà phê đang dần trở thành DN làm dịch vụ, giá cả do người trồng quyết định nên lợi nhuận thu được không cao. Nếu muốn cải thiện, DN buộc phải đầu tư vào chế biến sản phẩm như cà phê bột...” - ông Nam nói.