Tháng trước, nhân ghé cố đô Ayutthaya của Thái Lan, nghe anh bạn người Thái hỏi có thích đi chợ nổi trong khu vực này không, tôi gật đầu.
Tới nơi, nói ra thì bất lịch sự chứ thấy thất vọng vô cùng. Đó là một cái chợ “nhân tạo”, gồm hai dãy gian hàng trên đất liền, dọc hai bờ một con nước nhỏ xíu, cụt lủn, chắc cũng nhân tạo.
Trong hình dung, nó chí ít cũng phải giống như cái chợ nổi quên tên cũng ở nước này mà mình từng ghé, có thuyền bè, mua bán giữa thuyền khách và thuyền hàng, dù khách chỉ toàn dân du lịch chứ không thấy người bản xứ nào. Chợ gọi là “nổi” này còn không có cái gì “nổi”. Ấy vậy mà nó rất đông khách, Tây, Ta đủ cả.
Sau mấy phút thất vọng đầu tiên, tôi lại thấy thú vị với cách tư duy để kiếm tiền của người Thái, từ vị trí tôi đứng ỳ ra không chịu đi thăm thú gì trong lúc chờ tụ tập đủ mọi người trong đoàn để ra về.
Mới đầu tưởng gian hàng ấy bán sữa cho... người uống. Những bình sữa có núm vú như được dành cho trẻ con. Nhưng không phải. Một con dê được cột vào gốc cây cạnh đó. Và một chuồng dê bên cạnh. Người ta bán sữa để người ta cho dê uống chụp hình. Một công đôi chuyện, bán được sữa và nuôi được dê từ sữa do khách mua.
Nhìn xung quanh, lại thấy một gian hàng và một cái chuồng tương tự, nhưng là những con… cừu. Khách đông, đa số là trẻ con. Họ vui vẻ với ý tưởng kinh doanh du lịch này, quên mất chuyện đang ở trong cái gọi là… chợ nổi nào.
Chuyện vậy mà người Thái cũng nghĩ ra để mở hầu bao du khách được. Nhìn người ta biến “không” thành “có” các sản phẩm du lịch mà ngậm ngùi nghĩ xứ mình “có” mà làm cho mất mát, hư hao đi.
Tôi vừa tận mắt xem người dân tộc ở Sapa, Lào Cai dệt thổ cẩm, mới loay hoay ngó nghiêng nơi khác đã được bán cho một mảnh vải “made in Trung Quốc” có giá gấp hai lần mảnh người bạn tôi mua sau đó một ngày ở bên kia cửa khẩu Hà Khẩu.
Vào đúng làng lụa ở Hà Đông, Hà Nội, cũng toàn hàng “Made in China”, người bán còn không thèm gỡ mác ghi giá bằng tiếng Trung Quốc ra. Tình trạng cũng tương tự tại làng gốm Bát Tràng, Hà Nội. Người mua lầm chứ người bán không lầm. Đỏ mắt đi tìm bản sắc Việt rồi cũng bị lừa. Thật đáng đời mà cũng tội nghiệp du khách - tôi!
Những chuyện nhỏ mua vui du khách, thôi thì dân bán buôn của ta thua dân Thái. Nhưng còn cơ quan quản lý nhà nước thì sao? Không cần sáng kiến gì cho lắm, chỉ mong học người ta mà làm theo.
Hôm trước đọc báo thấy thông tin ngành du lịch của ta đã đề xuất miễn thị thực cho du khách một số nước để tăng tính cạnh tranh trong bối cảnh các nước khác đã miễn từ lâu rồi nhưng vẫn còn chờ dài cổ. Gần đây thấy có tin Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công an nghiên cứu việc này, thôi thì ráng chờ thêm.
Cũng đọc báo, thấy đăng trên trang quảng cáo bài viết “Những ngày đông tuyệt vời ở Hàn Quốc” to đùng giới thiệu các lễ hội mùa đông của nước này, kèm thông tin khách du lịch lẻ Việt Nam có thể đăng ký nhận coupon miễn phí hoặc giảm giá một số dịch vụ. Không thấy ghi người đăng quảng cáo là ai nhưng không phải quảng bá cho công ty cụ thể nào, thì chắc là của cơ quan nào đó có chức năng xúc tiến du lịch của Hàn Quốc.
Thấy người ta chăm sóc cụ thể đến từng du khách mà ham! Việt Nam mình chỉ thấy hô khẩu hiệu chung chung.
khách du lịch, người dân tộc, sản phẩm du lịch, ngành du lịch, xúc tiến du lịch, ý tưởng kinh doanh, Miễn thị thực, Kinh doanh du lịch, dệt thổ cẩm, m