Euro 2016

Xóa ranh giới trong liên kết vùng

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam cần sự quy hoạch mang tính đồng bộ, liên kết, đồng thời xóa ranh giới hành chính vì mục tiêu chung của cả vùng

Ngày 19-12, Vụ Công nghiệp thuộc Ban Kinh tế trung ương và Trường ĐH Mở TP HCM tổ chức tọa đàm “Thực trạng và định hướng phát triển kết cấu hạ tầng và đô thị vùng kinh tế trọng điểm phía Nam”. Nhiều nhà khoa học, đại diện các tỉnh, thành cho rằng dù dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, đầu mối giao thông nhưng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (8 tỉnh) hạ tầng kết nối cực kỳ yếu kém.

Mạnh ai nấy làm

TS Lê Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp, cho rằng hệ thống kết cấu hạ tầng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vẫn còn nhiều hạn chế, lạc hậu; đặc biệt là thiếu đồng bộ và đang là điểm nghẽn của quá trình phát triển. Hạ tầng xã hội thì thiếu về số lượng, yếu về chất lượng, hiệu quả sử dụng chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là y tế, giáo dục. Ví dụ điển hình cho sự thiếu đồng bộ, mạnh ai nấy làm, một đại biểu dẫn chứng nhiều tuyến đường giáp ranh giữa TP HCM và các tỉnh như Bình Dương, Long An… đang có hiện tượng “thắt cổ chai”.

Dự án cầu Phú Mỹ mặc dù đã hoàn thành từ lâu nhưng các tuyến đường phía quận 2 vẫn chưa hoàn chỉnh Ảnh: Tấn Thạnh
Dự án cầu Phú Mỹ mặc dù đã hoàn thành từ lâu nhưng các tuyến đường phía quận 2 vẫn chưa hoàn chỉnh Ảnh: Tấn Thạnh

Theo ông Thành, nguyên nhân do một số tuyến đường phía TP HCM chưa đầu tư hoàn thiện trong khi các tỉnh đã làm khá tốt, vì thế phát sinh hiện tượng giao thông tắt nghẽn… Hay như cụm cảng số 5 (Cái Mép - Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) dù được đầu tư lớn nhưng đến nay công suất khai thác chưa đầy 40% trong khi cảng Cát Lái (TP HCM) thường xuyên đầy ắp hàng hóa… Việc xây dựng tuyến Metro ngay từ đầu chỉ quy hoạch từ trung tâm TP HCM đến Suối Tiên mà không quy hoạch ra đến Đồng Nai, rồi sau này mới thiết kế thêm. “Cần nhanh chóng tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông để phát triển TP HCM và cho các tỉnh lân cận vì không gian kinh tế của TP HCM đang dần thu hẹp, đất đai khan hiếm” - TS Dư Phước Tân, Trưởng Phòng Nghiên cứu quản lý đô thị - Viện Nghiên cứu phát triển TP HCM, khẳng định.

Cũng theo TS Tân, đầu tư dàn trải cũng là nguyên nhân khiến liên kết vùng chưa phát triển. Nguồn vốn đầu tư có hạn nên cần phải lập danh mục ưu tiên, tránh lãng phí.

Nói về việc sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện được đánh giá là quá tải, cần đầu tư sân bay quốc tế Long Thành để thay thế, một số đại biểu cho rằng cần xem lại việc tắc nghẽn, quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất là do đâu, có phải chỉ do hạ tầng hay còn liên quan đến điều hành, cơ chế hành chính… Vì một số sân bay quốc tế ở một số nước như Singapore, cũng có diện tích nhỏ nhưng họ vẫn đón khách nhiều hơn sân bay Tân Sơn Nhất.

Không làm sớm sẽ mất cơ hội

“Bệnh khó chữa của chúng ta lâu nay về hạ tầng là quy hoạch mang tính hành chính, địa phương, chưa đặt kết nối vùng miền lên hàng đầu. Chính vì vậy cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng một cách tổng thể, có hệ thống, phải quy hoạch mang tính kinh tế chứ không chỉ mang tính hành chính. Những yếu kém trong quy hoạch thời gian qua do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Tư duy về phát triển kết cấu hạ tầng chậm đổi mới, chưa phù hợp với cơ chế thị trường; nguồn lực đầu tư chủ yếu dựa vào ngân sách, chưa huy động được nguồn lực bên ngoài” - một đại biểu nêu ý kiến.

Bên cạnh đó, câu chuyện về chủ trương, chính sách thì tốt nhưng triển khai lại chậm, nhiều khi không thành công cũng được nói đến, kể cả trong quy hoạch vùng. Cái chính là do nguồn vốn hạn hẹp nên các đại biểu cho rằng nhà nước phải tạo hứng khởi cho tư nhân tham gia, cần có chính sách bảo vệ nhà đầu tư chân chính khi họ lập dự án.

Theo đại diện Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương, thông thường dự án nào có sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân, nguồn vốn từ bên ngoài đều được triển khai nhanh, ngược lại nếu dùng ngân sách thì diễn ra chậm. Vì vậy cần khuyến khích thu hút từ bên ngoài. TS Nguyễn Văn Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Mở TP HCM, đề nghị nếu khuyến khích tư nhân đầu tư thì nên tạo sự đồng bộ, cần có chính sách bảo vệ họ, còn để nhà đầu tư thất thu họ sẽ sinh ra “chán nản”. Điển hình như dự án cầu Phú Mỹ mặc dù đã hoàn thành từ lâu nhưng các tuyến đường phía quận 2 vẫn chưa hoàn chỉnh khiến nhà đầu tư không thu lại được vốn…

Nhiều chuyên gia nhận định vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có nhiều lợi thế về địa lý, mặt tiền đường, giáp biển… lẽ ra giá thành đầu tư ở khu vực này sẽ cực kỳ thấp, trong khi hiện nay lại cao nhất nhì trong khu vực. Năm 2015 là năm bản lề, cần có một đại kế hoạch thích nghi nhằm tiến tới kiểm soát kinh tế toàn vùng. Đây là năm thực hiện quy hoạch, nếu không phát triển trình tự, quy hoạch đúng thì sẽ mất cơ hội.

Vùng “nhạy cảm”

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam được đánh giá là vùng khá “nhạy cảm”, gồm 8 tỉnh thành: TP HCM, Bình Phước, Tây Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An, Tiền Giang với tổng diện tích trên 30.583 m2, chiếm 9,2% diện tích cả nước. Là đầu tàu của cả nước về kim ngạch xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài với đóng góp khoảng 35% GDP cả nước; GDP/người của vùng gấp 2,1 lần GDP/người bình quân cả nước; xuất khẩu hàng hóa đóng góp tới 57,4% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, hơn 60% số dự án và hơn 50% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tập trung ở khu vực này.

Người lao động

      © 2021 FAP
        159,267       1,268