Bí đỏ rớt giá thê thảm, chỉ còn 900 - 2.000 đồng/kg. Thương lái liên tục giảm giá mua khiến hàng trăm người trồng bí ở thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa rơi vào cảnh nợ nần
Dọc các tuyến đường liên xã Ninh Thân, Ninh Sơn, Ninh An, Ninh Thượng… thuộc thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, trong những ngày này, bí đỏ chất thành từng đống, phủ bạt chờ người mua. Cạnh đó là những nông dân ngồi canh bí với vẻ mặt đầy lo âu.
Vợ bán bí, chồng bán bò… trả nợ
Ngồi bên đống bí đỏ phủ bạt ven đường, anh Phạm Thái Phong (ngụ xã Ninh Sơn) cho biết năm ngoái, giá bí đỏ bình quân 7.500 đồng/kg nên người trồng lãi lớn. Năm nay, gia đình anh hùn nhau thuê thêm đất trồng tổng cộng 13 ha bí mong kiếm tiền ăn Tết.
“Bí ra trái đều, ai cũng mừng. Chúng tôi mới hái được 4 ha đã thu trên 20 tấn, tưởng trúng lớn, ai dè giá bí hạ thê thảm, chỉ còn khoảng 2.800 đồng/kg, đến ngày 12-12 giảm tiếp còn 2.000 đồng/kg. Với giá bán hiện nay, gia đình lỗ khoảng 7-8 triệu đồng/ha” - anh Phong lo lắng.
Cách đó không xa, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hương (xã Ninh An) phải thay nhau canh đống bí ế. Chị Hương cho biết năm ngoái, thấy người dân Ninh Sơn trồng bí đỏ có lời nên năm nay, gia đình chị lên đây thuê 2,5 ha đất để trồng. Để thu hoạch được hơn 15 tấn bí, chị phải tốn gần 5 triệu đồng thuê 10 người hái và vác trái, gần 3 triệu đồng thuê 3 chuyến xe tải chở bí về nhà. Vất vả là thế nhưng hơn 5 ngày ngồi canh ở đây, vợ chồng chị vẫn chưa bán được trái nào. “Với giá thương lái mua như hiện tại, gia đình tôi lỗ khoảng 15 triệu đồng” - chị Hương rầu rĩ.
Nhiều người trồng bí do thiếu kinh nghiệm nên lỗ nặng hơn. Ông Nguyễn Đình Thụ (xã Ninh Sơn) trồng 4 ha bí và gần như mất trắng vì trái quá nhỏ, thương lái chỉ mua với giá 900 đồng/kg nên gia đình ông lỗ gần 40 triệu đồng. Còn bà Nguyễn Thị Trong (xã Ninh Thân) rơm rớm nước mắt: “Gia đình trồng 4 ha bí đỏ nhưng thu hoạch chỉ được 4 tấn. Toàn bộ tiền công cán, phân bón, tôi hẹn người ta bán bí xong sẽ trả. Với giá bán bí như vậy, không những không có lời mà chồng tôi phải bán bò để trả nợ”.
Trồng theo… phong trào
Theo ông Phạm Minh Long, Chủ tịch UBND xã Ninh Sơn, năm 2012, người dân trong xã từng điêu đứng vì bí đỏ rớt giá chỉ còn 500 đồng/kg. Vì thế, năm 2013, diện tích trồng bí ở đây giảm còn khoảng 50 ha, giá bán dao động 6.000-7.500 đồng/kg nên người trồng thu lãi khá cao. Đến năm nay, diện tích trồng loại cây này tăng kỷ lục - trên 200 ha.
Lãnh đạo UBND xã Ninh Thân cũng cho biết đã khuyến cáo người dân không nên tăng diện tích loại cây trồng này nhưng năm nay, toàn xã có khoảng 45 ha trồng bí đỏ, gấp đôi năm rồi.
Trong khi đó, nhiều nông dân cho biết từ trước đến nay, họ không hề hay biết về sự biến động thị trường, giá cả của bí đỏ. Nhu cầu thị trường, giá cả thế nào đều do thương lái nói sao, họ biết vậy.
Ông Trần Văn Dũng, Trưởng Phòng Kinh tế thị xã Ninh Hòa, băn khoăn: “Điệp khúc “được mùa mất giá, mất mùa được giá” đã lặp đi lặp lại nhiều lần, bài học thì nhan nhản nhưng nói mãi người dân vẫn vấp. Lãnh đạo thị xã không định hướng và khuyến khích mở rộng diện tích cây bí đỏ, vậy mà diện tích trồng năm nay trên địa bàn tăng trên 400 ha, gần gấp đôi năm ngoái. Nhiều nông dân hễ thấy năm trước có lãi là năm sau tự phát trồng nhiều hơn, vì thế rủi ro là điều khó tránh khỏi”.
Đuổi đánh thương lái ép giá
Theo bà Trần Thị Út, một thương lái mua bí đỏ ở Ninh Hòa, giá bí rớt thê thảm là do thị trường năm nay hàng quá nhiều, tiêu thụ không hết. Năm ngoái, phần lớn bí đỏ được thương lái thu mua để chuyển vào tiêu thụ ở các tỉnh, thành Nam Bộ nhưng năm nay, lượng bí đỏ ở Đồng Nai tăng đột biến nên rất khó cạnh tranh. “Tôi đã cố gắng chuyển bí ra miền Bắc nhưng chỉ được số lượng khiêm tốn. Hơn nữa, bây giờ mỗi chuyến xe không được chở nhiều như trước nên chi phí vận chuyển tăng hơn 3 lần. Tình thế buộc chúng tôi phải hạ giá đầu vào để bù khoản chi phí này” - bà Út giải thích.
Bà Lê Thị Nghiệp (xã Ninh Sơn) bức xúc: “Nói không ép giá là không đúng. Ở xã Ninh Sơn chỉ có 2 thương lái mua bí nhiều năm nay. Khi bán hạt giống, thương lái cam kết sẽ mua giá thấp nhất là 3.500 đồng/kg. Đến khi thu hoạch về, họ báo giá còn 2.500 đồng/kg. Sáng đến xem bí, họ trả giá 1.900 đồng/kg, đến chiều chỉ còn 1.500 đồng/kg. Bí chín vàng, sợ thối nên buộc người trồng phải bán với giá bèo”.
Tại xã Ninh Thân, ngoài 2 thương lái truyền thống ở xã Ninh Sơn, năm nay còn có một người tên Hoàng từ TP HCM ra thu mua bí. Người này móc nối với các đầu nậu ép giá xuống 900 đồng/kg. Khi phát hiện sự việc, nhiều người ở xã Ninh Thân đã đuổi đánh thương lái này, buộc công an phải đến giải cứu. Sau sự việc trên, các thương lái khác đã nâng giá lên mức cao nhất là 2.000 đồng/kg (loại 1) như hiện nay.