Euro 2016

Khách hàng kiện được không?

Dù lãi suất cho vay tiêu dùng, vay trả góp của các công ty tài chính cao ngất nhưng các chuyên gia kinh tế, thẩm phán cho rằng rất khó kiện bởi chưa có khung pháp lý rõ ràng

Ông Nguyễn Quốc Hùng (có con gái vay tiền của Công ty TNHH MTV Tài chính PPF (Home Credit) để mua hàng trả góp mà Báo Người Lao Động ngày 11-12 phản ánh) cho biết sẽ cố gắng trả khoản nợ quá hạn tại Home Credit nhưng vẫn tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để hỏi về mức lãi suất cho vay trên 85%/năm có phải là một dạng tín dụng đen?

Lãi suất hơn 40%/năm là… “cắt cổ”

Một cán bộ NHNN Chi nhánh TP HCM cho biết mới đây có nhận được công văn của TAND TP HCM hỏi về mức lãi suất cho vay tiêu dùng, vay trả góp sau khi thụ lý một số vụ kiện giữa công ty tài chính và khách hàng. Cụ thể, tòa án đề nghị NHNN Chi nhánh TP HCM cho biết liệu mức lãi suất cho vay trả góp cao bao nhiêu sẽ đưa vào diện cho vay nặng lãi? Vị cán bộ này thừa nhận hiện lãi suất cho vay, trong đó có vay tiêu dùng, dựa trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên nên không có khung quy định chi tiết. Dù vậy, quan sát của ông cho thấy vài năm nay, hoạt động tín dụng tiêu dùng không chỉ ở các công ty tài chính mà ngay một số công ty tư nhân, công ty thương mại cũng tìm kiếm khách hàng, cho vay trả góp với lãi suất rất cao.

Đơn khiếu nại về lãi suất cho vay tiêu dùng quá cao của bạn đọc gửi đến Báo Người Lao Động
Đơn khiếu nại về lãi suất cho vay tiêu dùng quá cao của bạn đọc gửi đến Báo Người Lao Động

Theo chuyên gia tài chính - TS Nguyễn Trí Hiếu, lãi suất cho vay từ 20%-25%/năm là cao, dưới 30%/năm là khá cao, dưới 40%/năm là rất cao và nếu khách hàng phải vay với mức lãi suất hơn 40%/năm là “cắt cổ”. Còn những khoản vay lãi suất lên đến 70%-80%/năm có thể được xem là tín dụng đen. Với các công ty tài chính, hoạt động cho vay thường là tín chấp, không có tài sản bảo đảm nên rủi ro lớn, lãi suất phải cao là dễ hiểu. “Nhưng cũng không thể lấy lý do rủi ro cao để tha hồ “chặt chém” khách hàng khi áp dụng mức lãi suất như tín dụng đen” - TS Hiếu nhận định. Ở các nước, dù không quy định mức lãi suất cho vay cụ thể nhưng đều có định nghĩa về lãi suất “cắt cổ” và đưa vào vi phạm hình sự. Đồng thời có nêu những yếu tố cấu thành lãi suất “cắt cổ” để tòa án xét xử.

Kiện không dễ!

Về công văn của tòa án liên quan đến lãi suất cho vay của các công ty tài chính, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, xác nhận và cho biết đã gửi văn bản ra NHNN để xin ý kiến chỉ đạo: Nếu mức lãi suất cho vay thỏa thuận mà quá cao thì có đúng không? Trong khi đó, một cán bộ của NHNN Chi nhánh TP HCM thừa nhận khoảng 5 năm trước, ông từng cảnh báo về việc cho vay với lãi suất cao của các công ty tài chính nhưng đến nay, mức lãi suất vẫn không giảm.

Hiện rất khó cho cơ quan chức năng xác định mức lãi suất cho vay của các công ty tài chính là “cắt cổ” hay tín dụng đen bởi theo quy định lãi suất cho vay thả nổi (dựa trên thỏa thuận với khách hàng). Hiện chỉ có quy định trong Bộ Luật Dân sự về việc không được cho vay quá 150% lãi suất cơ bản (lãi suất cơ bản được NHNN áp dụng là 9%/năm - nghĩa là không cho vay quá 13,5%/năm). Dù thực tế lãi suất cho vay lên tới 70%-90%/năm là tín dụng đen nhưng không ai có thể xác định được. “Khách hàng kiện công ty tài chính rất khó. Khi ra tòa, người vay phải chứng minh được thiệt hại là bao nhiêu; lãi suất “cắt cổ” phải lượng hóa bắt đầu từ điểm nào gây thiệt hại cho khách hàng hoặc khách hàng phải chứng minh bị chèn ép phải nhận lãi suất cao...” - TS Nguyễn Trí Hiếu phân tích.

Thẩm phán Nguyễn Công Phú, Phó Chánh Tòa Kinh tế (TAND

TP HCM), cho biết xung quanh việc xét xử các vụ án liên quan đến lãi suất cho vay, có 2 quan điểm của tòa án, luật sư và những người hiểu luật. Cụ thể, một quan điểm xét xử phải theo quy định của Luật Dân sự, rằng lãi suất cho vay của NH thương mại và các tổ chức tín dụng không được vượt quá 150% lãi suất cơ bản. “Nhưng thực tế, NH nào cũng cho vay vượt mức này do điều kiện kinh tế vĩ mô nên xử lý như vậy là máy móc và thiệt thòi cho NH” - thẩm phán Phú nói.

Quan điểm thứ hai là áp dụng theo mức lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Và từ đầu năm 2013 đến nay, TAND TP đã định hướng xét xử theo mức này. Nhưng như vậy sẽ thiệt thòi cho người vay bởi nếu theo lãi suất thỏa thuận thì dù phải trả lãi suất xấp xỉ 90%/năm, đơn vị cho vay cũng đúng! Nguồn gốc sâu xa của thực trạng này là do Chính phủ, NHNN hiện chưa có khung cụ thể về mức lãi suất cho vay, thiếu văn bản hướng dẫn thống nhất nên có sự khập khiễng giữa quy định trong luật và thực tế.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 11-12

NHNN Chi nhánh TP HCM đang lên kế hoạch thành lập đoàn thanh tra liên ngành để kiểm tra hoạt động cho vay của các công ty tài chính, hoạt động cho vay mua hàng trả góp của các doanh nghiệp.

Vì sao lãi suất cao?

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, có 2 yếu tố khi đề cập đến chi phí vốn. Ở các NH thương mại, huy động vốn đầu vào từ dân cư với lãi suất thấp nên lãi suất cho vay khoảng 15%-16%/năm là cao. Các công ty tài chính không huy động tiền gửi từ dân cư mà có thể phát hành trái phiếu, vốn cấp từ công ty mẹ nên chi phí đầu vào lên tới 20%/năm thì không thể cho vay với mức này. Nhưng cũng không có nguồn vốn nào cao đến mức cho vay với lãi suất 70%-80%/năm!

Người lao động

      © 2021 FAP
        159,331       421