Euro 2016

Thị trường cà phê vàng thau lẫn lộn

Doanh nghiệp cà phê cần phải nhanh chóng xây dựng phong trào tiêu dùng cà phê sạch

Với năng lực chế biến cà phê của các doanh nghiệp trong nước cho thấy nguồn cung đủ sức cung cấp cho thị trường nội địa. Các doanh nghiệp cũng đã ý thức được thị trường trong nước nên đã đẩy mạnh tiêu thụ nội địa bằng nhiều hình thức như quảng cáo, lễ hội, tháng thử nếm và uống cà phê miễn phí. Một số doanh nghiệp nỗ lực tạo dựng kênh phân phối đến tay người tiêu dùng. Đến nay, tiêu thụ trong nước đã tăng lên, chiếm khoảng 10% sản lượng cà phê cả nước.

Có thêm thương hiệu cà phê “Kim Biên”

Nhiều doanh nghiệp cà phê cho biết tiêu thụ cà phê trong nước lâu nay được xem là ma trận, vàng thau lẫn lộn. Thiệt hại người tiêu dùng lãnh đủ. Người tiêu dùng sử dụng cà phê nhưng không phải là cà phê, toàn là bắp, đậu nành để pha chế với hóa chất độc hại. Gần đây, những người làm cà phê bẩn còn đánh lừa người tiêu dùng bằng cách đưa cả bột mì để thay thế cho nguyên liệu bắp, đậu nành.

Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk
Thu hoạch cà phê tại Đắk Lắk

Các nhà sản xuất, chế biến cà phê chân chính cho rằng thị trường cà phê lâu nay bát nháo ai cũng biết. Cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc kiểm tra, xử lý một số vụ sản xuất, chế biến cà phê kém chất lượng, thậm chí có cơ sở chế biến sử dụng toàn bắp, không có hạt cà phê nào. Họ toàn sử dụng hóa chất tạo mùi, tạo bọt, màu trôi nổi để tạo nên “thương hiệu” cà phê Kim Biên. Loại cà phê bày toàn sử dụng hóa chất ở chợ Kim Biên, gây hại cho người sử dụng,  kể cả bệnh ung thư.

Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, bức xúc: “Sản phẩm cà phê trên thị trường sử dụng mùi ở bên ngoài quá nhiều, không còn đặc trưng của cà phê nữa”. Cũng theo ông Nam, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê cần phải bắt tay để xây dựng lại hình ảnh cà phê đúng bản chất của nó, tạo ra sản phẩm cà phê an toàn cho người sử dụng. Cần phải có kế hoạch lâu dài, tạo dựng thành phong trào sử dụng cà phê sạch, tẩy chay cà phê kém chất lượng.

Tung tin xấu

Theo Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, tình hình chế biến cà phê nhân của các doanh nghiệp đã đạt công suất 1,2 triệu tấn, đáp ứng cho ngành nên chất lượng cà phê nhân đã được khẳng định trên thị trường thế giới. Hiện nay, tổng công suất các nhà máy chế biến cà phê hòa tan và cà phê 3 trong 1 đã đạt 88.700 tấn/năm, dự kiến năm 2015 tăng lên 164.400 tấn/năm.

Được biết, niên vụ cà phê 2013-2014, cà phê trong nước rớt giá thê thảm trong khoảng thời gian tháng 11-2013, trung bình chỉ còn 30.700 đồng/kg và giá xuất khẩu tại cảng TP HCM còn 1.521 USD/tấn. Đến tháng 8 vừa qua, giá cà phê trong nước tăng lên 40.800 đồng/kg và giá xuất khẩu lên 2.037 USD/tấn. Tuy nhiên, theo cảnh báo của Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, việc tung tin không chính xác của giới đầu cơ thế giới đã gây bất lợi cho giá cà phê trong nước, họ đưa ra thông tin là Việt Nam trúng mùa nên sản lượng tăng, trong khi thực tế lại mất mùa sản lượng giảm khoảng 20%-25%. Chưa hết họ còn tung tin tồn kho thế giới tăng cao để đẩy giá cà phê xuống. Do đó, nông dân nên tỉnh táo giữ lại cà phê khi giá xuống, chờ giá lên cao mới bán.

Theo cảnh báo từ Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang đầu tư xây dựng nhà xưởng tại Việt Nam để kinh doanh cà phê. Được biết, các kho của các doanh nghiệp nước ngoài đã chiếm 80% sản lượng cà phê, cho thấy họ đã xác định làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Họ còn xin Chính phủ để được đầu tư trực tiếp đến nông dân, với lý do là an toàn vệ sinh thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đầu tư, phát triển tương xứng, đồng hành cùng nông dân, phát triển cà phê bột nâng cao giá trị. Vấn đề này doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn làm được, khi có chính sách đúng, hỗ trợ kịp thời.

Tổng sản lượng xuất khẩu cà phê của Việt Nam vụ 2013 - 2014 đạt 1,66 triệu tấn, kim ngạch 3,4 tỉ USD, tăng 17,2% về lượng, tăng 12,5% về kim ngạch so với vụ trước. Trong tháng 4 vừa qua, do giá tăng cao nên lượng hàng xuất khẩu đã tăng đột biến 92,9% so cùng kỳ, còn những tháng đầu vụ giá thấp nên lượng xuất khẩu giảm trên 30%.

Người lao động

      © 2021 FAP
        159,364       833